Ngành sản xuất Việt Nam đang ở thời điểm bước ngoặt

BẢO LOAN 02/10/2023 17:21

"Tình trạng nhu cầu tiếp tục tăng sẽ dẫn đến tăng trưởng trong ngành. Nếu tình trạng phục hồi số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các công ty sẽ vẫn e ngại trong việc tăng quá nhanh năng lực sản xuất".

Đó là nhận định của ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence khi hôm nay (2/10) S&P Global công bố Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI).

Theo đó, các điều kiện kinh doanh nói chung của ngành sản xuất Việt Nam đã giảm nhẹ trong tháng 9. Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 49,7 trong tháng 9, giảm xuống dưới mốc 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8. Kết quả này cho thấy điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam bị suy giảm, mặc dù mức suy giảm là nhỏ.

>>> PMI tháng 6 thấp nhất trong 13 tháng qua

tháng 9 là số lượng đơn đặt hàng mới của Việt Nam đã tăng tháng thứ hai liên tiếp

Số lượng đơn đặt hàng mới của Việt Nam đã tăng tháng thứ hai liên tiếp

Theo báo cáo, dữ liệu khảo sát cho thấy nhu cầu và niềm tin kinh doanh tại Việt Nam tăng, nhưng cũng xuất hiện tình trạng năng lực sản xuất dư thừa dẫn đến giảm sản lượng và việc làm. Bên cạnh đó, tốc độ lạm phát đã gia tăng khi cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đều tăng nhanh hơn vào thời điểm cuối quý 3.

S&P Global cho biết: Khía cạnh tích cực nhất của kỳ khảo sát tháng 9 là số lượng đơn đặt hàng mới của Việt Nam đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, với tốc độ tăng gần như ngang bằng với tháng 8.

Tình trạng tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, đặc biệt là từ các nền kinh tế châu Á, đã giúp tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài cũng mạnh và đáng kể hơn so với tháng 8.

>>> Chỉ số PMI của Việt Nam rơi xuống dưới 50 điểm

Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định: "Ngành sản xuất Việt Nam có vẻ như đang ở thời điểm bước ngoặt. Nếu nhu cầu tiếp tục tăng, tình trạng tăng này sẽ dẫn đến tăng trưởng trong ngành. Tuy nhiên, nếu tình trạng phục hồi của số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các công ty sẽ vẫn e ngại trong việc tăng quá nhanh năng lực sản xuất".

ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence khi hôm nay (2/10)

Ông Andrew Harker

Mặc dù nhu cầu tiếp tục tăng, các nhà sản xuất cho biết số lượng đơn đặt hàng mới nhận được vẫn còn ở mức khiêm tốn, khiến sản lượng giảm. Sản lượng tháng 9 đã giảm nhẹ sau khi tăng trong tháng 8. Cho đến nay, sản lượng của ngành sản xuất đã giảm 6 trong 7 tháng qua.

Tình trạng giảm sản lượng tập trung ở các nhà sản xuất hàng hóa trung gian, trong khi các nhà sản xuất hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa đầu tư cơ bản ghi nhận tăng sản lượng. Lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm trong tháng 9 cho thấy các nhà sản xuất vẫn duy trì đủ năng lực để giải quyết khối lượng công việc hiện có.

Trong điều kiện hiện nay, các nhà sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa mặn mà với việc tuyển thêm nhân viên. Chỉ số việc làm tháng 9 đã giảm tháng thứ bảy liên tiếp. Mặc dù chỉ ở mức khiêm tốn, tốc độ giảm việc làm là đáng kể nhất kể từ tháng 6.

Bên cạnh việc giảm nhân viên, các nhà sản xuất lại tăng hoạt động mua hàng hóa đầu vào. Hoạt động mua hàng đã tăng tháng thứ hai liên tiếp để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng và kế hoạch tăng sản lượng trong những tháng tới.

Các kế hoạch tăng trưởng cũng được thể hiện ở dữ liệu về niềm tin kinh doanh khi chỉ số này đã tăng tháng thứ tư liên tiếp và mức tăng lần này là cao nhất kể từ tháng 2. Các công ty dự kiến số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng. Khoảng 45% số người trả lời khảo sát của S&P Global dự đoán rằng sản lượng sẽ tăng trong một năm tới, trong khi chỉ có 7% có tâm lý bi quan.

Mặc dù nhu cầu hàng hóa đầu vào tiếp tục tăng trong tháng 9, các nhà cung cấp tiếp tục đẩy nhanh hoạt động giao hàng. Thời gian giao hàng đã được rút ngắn tháng thứ chín liên tiếp, mặc dù mức độ là thấp nhất kể từ tháng 4.

>>> PMI tháng 4: Mức độ gián đoạn chuỗi cung ứng đã bớt nghiêm trọng

Bình luận về PMI tháng 9 của Việt Nam, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho rằng bức tranh ngành sản xuất Việt Nam có sự tương phản trong tháng 9.

"Ở khía cạnh tích cực, các công ty tiếp tục ghi nhận nhu cầu tăng, khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng ở một mức độ đáng khích lệ. Điều này đã khiến niềm tin về triển vọng sản lượng trong một năm tới tăng.

Ở khía cạnh khác, vẫn còn tình trạng năng lực sản xuất dư thừa trong ngành, từ đó các công ty tiếp tục giảm việc làm và giảm nhẹ sản lượng, đồng thời lựa chọn sử dụng hàng tồn kho tích lũy trong những tháng gần đây để đáp ứng các đơn đặt hàng mới", ông Andrew Harker nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Thêm doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử đầu tư vào Khu công nghiệp Mỹ Thuận

    01:40, 02/10/2023

  • Nhà sản xuất ô tô đa quốc gia ký biên bản hợp tác đầu tư với tỉnh Hải Dương

    15:06, 27/09/2023

  • Bài học nào từ việc thúc đẩy sản xuất điện tử của Ấn Độ?

    03:30, 26/09/2023

  • Bí quyết khởi nghiệp thành công từ mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp

    01:50, 26/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành sản xuất Việt Nam đang ở thời điểm bước ngoặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO