Nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và giảm khí thải ra môi trường, việc đầu tư sản xuất xe điện đang là một xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đầu tư vẫn mờ nhạt
Nhằm đi nhanh đón đầu các cơ hội từ thị trường còn nhiều “màu mỡ” một số nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất xe đạp đã nhanh chóng mở rộng kinh doanh bằng việc hợp tác sản xuất. Cụ thể, hồi tháng 3 vừa qua, DKBike đã ký kết hợp tác giai đoạn II với 2 hãng xe điện lớn là Tập đoàn công nghệ Yadea và Tập đoàn công nghệ Aima. Tham vọng của hợp tác này đó là 30% thị phần xe điện tại thị trường Việt Nam vào năm 2020.
Được biết, cũng vào thời điểm này DKBike đã khánh thành nhà máy lắp ráp xe điện với tổng vốn đầu tư hơn 4 triệu USD, với công suất thiết kế tối đa 450.000 xe/năm trên tổng diện tích hơn 40.000 m2.
Ngoài ra, để không chậm chân, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ giao hàng cũng sớm có kế hoạch chuyển hướng sang sử dụng xe đạp điện thay vì xe máy. Trong đó, phải kể đến Công ty LEL Express, đơn vị giao hàng trực thuộc Lazada Việt Nam mới đây cho biết sẽ sử dụng xe điện để giao 30% số đơn hàng trong năm 2018. Vì vậy, để hiện thực hoá kế hoạch này, một đại diện doanh nghiệp này cho biết mong muốn tìm kiếm các đối tác lớn cung cấp xe máy điện ở thị trường Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp Việt, được biết Vinfast cũng đang hoàn thành các bước cuối cùng, dự kiến cuối năm 2019 doanh nghiệp này sẽ đưa ra các mẫu xe điện tại thị trường Việt Nam.
Chính những hoạt động này đã đưa sản phẩm xe điện từ thị trường riêng lẻ, tiến đến vị thế cao hơn, với tiềm năng nhích dần thị phần so với sản phẩm xe máy sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.
Cần chính sách khuyến khích đầu tư
Có thể bạn quan tâm |
Xu hướng này dường như là tất yếu khi các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã sớm đưa ngành sản xuất xe máy điện thành ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn. Theo thông tin từ phòng Tài chính Năng lượng mới của Bloomberg (BNEF), giá pin giảm góp phần tăng sức cạnh tranh của xe điện, giúp hạ giá thành phương tiện này so với các loại xe chạy bằng xăng hoặc dầu diesel vào những năm 2025 - 2029.
Ngoài ra, BNEF cũng dự báo xe điện sẽ chiếm hơn phân nửa doanh số xe hơi cho tới năm 2040. Bên cạnh đó, chính sách các nước có thể thúc đẩy xu hướng này diễn ra nhanh hơn. Anh và Pháp vừa qua tuyên bố thời kỳ “xóa sổ” động cơ đốt trong đã đến với kế hoạch cấm tiêu thụ loại xe này vào năm 2040. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã thông báo những bước đi thử nghiệm tương tự.
Như vậy, không quá khi nói rằng, sản xuất xe điện đang trở thành một xu hướng tất yếu của các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tất nhiên, đi kèm với đó là các chính sách ưu tiên khuyến khích hay thậm chí là bắt buộc các hãng phải sản xuất xe điện. Thêm nữa, người tiêu dùng cũng nhận được các chính sách ưu đãi khi sử dụng các sản phẩm này.
Song song với xu hướng tất yếu của thị trường thế giới, tại thị trường Việt Nam, ngành sản xuất xe điện được đánh giá là còn nhiều dư địa. Cụ thể, số liệu khảo sát của Hiệp hội Ô tô - Xe máy - Xe đạp Việt Nam (Vamoba), cho thấy, 9 tháng đầu năm 2017, tổng lượng xe máy đạp điện được bán ra ở Việt Nam đạt gần 400.000 xe, tăng 30% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, trong tương lai, xe đạp điện sẽ được người dân chuộng hơn xe máy chạy xăng. Đây chính là dư địa từ thị trường để nhiều nhà đầu tư có thể sớm “chớp” lấy cơ hội này.
Tuy nhiên, nhìn vào sự tương quan có thể thấy, dường như các nhà đầu tư ngoại vẫn đang chủ động và tận dụng cơ hội từ thị trường tốt hơn. Theo một số khuyến nghị, đặt giả thiết, coi ngành sản xuất xe điện là một ngành công nghiệp quy mô gắn với phát triển bền vững, Việt Nam phải tính đến những chiến lược dài hơi hơn trong việc thu hút vốn đầu tư và phát triển ngành này. Chính phủ Việt Nam cũng cần sớm đưa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xe điện tham gia thị trường và xa hơn là xuất khẩu, nếu không có thể sẽ thêm một cuộc chiến mà doanh nghiệp nội địa bất lợi ngay trên sân nhà