Tại thời điểm này, Việt Nam phải hứng chịu 47 cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp các loại đối với thép, chiếm 1/3 tổng số vụ việc phòng vệ thương mại đối với các ngành hàng của Việt Nam.
Thông tin trên được bà Phạm Châu Giang – Cục phó Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra trong cuộc họp báo thường kỳ quý I/2019 của Bộ Công Thương ngày 5/4. Không phải gần đây mới xuất hiện nhiều vụ việc đối với mặt hàng thép mà từ trước đến nay, thép luôn là mặt hàng được các nước trên thế giới điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất. Các vấn đề thép nảy sinh ngày càng nhiều, sau khi Mỹ đưa ra áp thuế 25% đối với mặt hàng thép. Sau Mỹ, Canada, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh Á - Âu cũng điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ đối với toàn bộ ngành thép. Đó là chưa kể các nước khác đều tăng cường điều tra các vụ việc liên quan chống phá giá, hay chống trợ cấp đối với mặt hàng thép cụ thể và một số quốc gia cụ thể.
Có thể bạn quan tâm
16:43, 06/03/2019
04:30, 05/12/2018
06:00, 13/11/2018
03:36, 14/07/2018
Lý giải vấn đề này, bà Phạm Châu Giang cho biết, thứ nhất do thép là mặt hàng sản xuất cơ bản ở rất nhiều nước và được coi là vấn đề an ninh quốc gia. Thứ hai là tình trạng dư cung toàn cầu. Theo OECD tính toán, năm 2017 thì lượng dư cung toàn cầu là gần 900 triệu tấn, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc. Thứ ba là do kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại dẫn đến nhiều doanh nghiệp thép gặp thiệt hại và xu hướng bảo vệ mậu dịch quay trở lại. “Mặc dù Việt Nam bị điều tra rất nhiều về thép, nhưng các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng về sản xuất cũng như xuất khẩu được đánh giá cao trong khu vực”, bà Giang đánh giá.
Tuy nhiên, không phải vụ việc nào Việt Nam bị điều tra cũng bị áp thuế và chịu thiệt hại. Đơn cử, gần đây Indonesia đã quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ mặt hàng tôn lạnh Việt Nam sau khi Việt Nam kiện ra WTO về việc áp dụng biện pháp tự vệ của Indonesia. “Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam và doanh nghiệp xuất khẩu chứng minh được các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không bán phá giá, không nhận trợ cấp từ Chính phủ. Rất nhiều vụ việc doanh nghiệp Việt Nam điều tra xuất đi nhưng không bị áp thuế mà vẫn xuất khẩu tốt”, bà Giang nói.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã có những hành động để bảo vệ thị trường nội địa trước sức ép hàng Trung Quốc xuất đi mà bị các nước ngăn chặn có khả năng tràn vào Việt Nam bằng các hàng rào kỹ thuật cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại.
“Những thông tin cụ thể về các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại về thép đều được Bộ Công Thương đăng đầy đủ trên website của Bộ. Hiện Cục Phòng vệ thương mại cũng đang trong quá trình hoàn thiện Sách Trắng về các rào cản thương mại đối với lại hàng thép để công bố chính thức vào quý II/2019 cho các doanh nghiệp cập nhật”, bà Giang chia sẻ.