Na Chi Lăng không chỉ được Tổng Hội nông nghiệp Việt Nam trao danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018”, mà đã trở thành “thương hiệu vàng” trong lòng người tiêu dùng.
Tối ngày 18/8, Ngày hội Na Chi Lăng đã chính thức khai mạc tại Trung tâm giới thiệu nông sản huyện Chi Lăng, thôn Than Muội, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng. Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Lý Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Mục đích của Ngày hội là nhằm tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ, thúc đẩy trồng Na theo mô hình VietGap, xây dựng chuỗi giá trị Na Chi Lăng phát triển bền vững.
Tiếp nối thành công của năm 2017, ngày hội na Chi Lăng năm 2018 với quy mô “ngày hội” lớn hơn về số lượng gian hàng trưng bày sản phẩm cũng như đơn vị tham gia trưng bày sản phẩm. Ngày hội na diễn ra trong 2 ngày 18-19/8/2018, có khoảng trên 40 gian hàng trưng bày nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc sản na và hình ảnh Lạng Sơn đến đông đảo nhân dân trong nước và quốc tế; đồng thời, kết nối, xây dựng chuỗi giá trị Na Chi Lăng; phát động sản xuất na an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng các vườn mẫu là nơi để các đoàn tham quan, học tập.
Trong khuôn khổ ngày hội Na Chi Lăng năm 2018 có nhiều hoạt động được tổ chức như diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ rau, quả Việt Nam - Trung Quốc năm 2018 tại thành phố Lạng Sơn; tổ chức tham quan vùng sản xuất na Chi Lăng, các mô hình vườn na mẫu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tổ chức hội thảo “Hiệu quả trong xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”; trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm na Chi Lăng.
Ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức ngày hội Na Chi Lăng năm 2018 cho biết: Ngày hội na Chi Lăng đang dần trở thành “Ngày hội truyền thống của bà con vùng na”.
Có thể bạn quan tâm
20:07, 17/08/2018
11:35, 25/10/2017
05:18, 04/10/2017
Không gian Ngày hội Na Chi Lăng 2018 trưng bày rất nhiều những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của địa phương như hoa hồi, măng chua đồng mỏ, mật ong rừng cùng nhiều ấn phẩm quảng cáo về du lịch tỉnh Lạng Sơn.
Điểm nhấn của ngày hội năm nay bên cạnh việc quảng bá cho người dân những quả na sạch, đặc biệt từ mô hình na theo tiêu chuẩn Vietgap, chúng tôi mong đợi tạo sự thay đổi trong nhận thức người trồng na, tới đây sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các nhóm hộ duy trì các vườn mẫu sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP cũng như cấp phát bao bì, tem nhãn bao gói, truy xuất sản phẩm na Chi Lăng, khẳng định và bảo vệ thương hiệu na Chi Lăng, ông Đinh Hữu Học chia sẻ.
Tham dự và phát biểu tại buổi khai mạc ngày hội na Chi Lăng 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Lễ hội Na Chi Lăng là bước chuyển biến về nhận thức của Lạng Sơn trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với phát triển thị trường, tôn vinh và tạo cơ hội cho người nông dân được giao lưu, trao đổi, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm với thị trường và xã hội, đẩy mạnh kết nối 4 nhà (nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước), xây dựng chuỗi giá trị Na Chi Lăng phát triển bền vững, thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Lạng Sơn”.
Tham gia gian hàng trưng bày và giới thiệu nông sản tại ngày hội na, ông Trần Ngọc Oánh - Giám đốc HTX Cai Kinh chia sẻ, HTX được giao 25ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP chúng tôi đạt gần 12 tấn na. Khi bắt đầu thực hiện mô hình chúng tôi hơi ái ngại nhưng được sự hỗ trợ, tư vấn của cán bộ kỹ thuật và Phòng Nông nghiệp huyện nên đã yên tâm hơn và rất phấn khởi khi đạt năng suất cao. “Mong muốn mang lại chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và chăm sóc cây na tốt hơn, mang lại giá trị dinh dưỡng tốt hơn nữa để khẳng định thương hiệu và nâng tầm quả Na Chi Lăng”, ông Oánh nói.
Huyện Chi Lăng là vùng sản xuất na tập trung với diện tích lớn, được trồng chủ yếu ở 6 xã (Chi Lăng, Quang Lang, Mai Sao, Y Tịch, Thượng Cường, Hòa Bình) và 2 thị trấn (Chi Lăng, Đồng Mỏ) với diện tích gần 1.600 ha, sản lượng hằng năm đạt từ 15.000 tấn trở lên. Đối với huyện Hữu Lũng, toàn huyện hiện có trên 1.300 ha na, ước tính sản lượng na năm nay có thể đạt trên 13.000 tấn.
Những con số “biết nói” đã minh chứng cho giá trị kinh tế của na Chi Lăng. Sức lan tỏa của ngày hội thể hiện rõ trong việc người trồng na tại Chi Lăng và Hữu Lũng rất tích cực trong việc bảo vệ chất lượng sản phẩm. Diện tích na an toàn, na VietGAP trong năm 2018 tăng lên đáng kể. Cụ thể, năm 2018, diện tích na VietGAP đã tăng 75 ha, nâng tổng diện tích na VietGAP toàn tỉnh lên 195 ha. Cùng đó, tất cả các hộ trồng na trên địa bàn huyện Chi Lăng và Hữu Lũng đều đăng ký trồng na theo mô hình na an toàn, áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn. Chính điều này giúp năng suất na tăng lên khoảng 2 tấn/ha so với năm 2017.
Thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, từ đầu tháng 7/2018 đến nay, na Chi Lăng không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu với số lượng khá lớn. Chính quyền huyện đã chủ động tìm thị trường, liên kết với các doanh nghiệp lớn để đưa na Chi Lăng “xuất ngoại”. Ngoài Trung Quốc, huyện đang hướng đến một số thị trường “khó tính” như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Với mục tiêu đó, huyện Chi Lăng đã xây dựng thành công 5ha na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Cùng với đó, để đảm bảo giá trị sản phẩm khi xuất khẩu, 2 huyện: Chi Lăng và Hữu Lũng đã tổ chức dán tem trên quả na để truy xuất nguồn gốc.
Ngày hội Na Chi Lăng 2018 với mục tiêu hướng tới ngày hội truyền thống của bà con trồng na cũng là cầu nối để người dân trên địa bàn học tập, trao đổi về kinh nghiệm chăm sóc, nuôi trồng cây na để cho ra thương phẩm tốt; đồng thời đây cũng là dịp để các đơn vị, doanh nghiệp và người trồng na thiết lập quan hệ, kết nối, trao đổi buôn bán. Đặc biệt, lần đầu tiên, tuần lễ quảng bá na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn năm 2018 sẽ được tổ chức tại Hà Nội với khoảng 20 gian hàng giới thiệu sản phẩm na và các đặc sản khác của Lạng Sơn.
Dưới đây là một số hình ảnh ngày Hội Na Chi Lăng - Lạng Sơn 2018: