Việt Nam vừa tăng từ vị trí 83 lên 79 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 của Liên Hợp Quốc, Phần Lan giữ nguyên vị trí thứ nhất.
Việt Nam vừa được thăng hạng trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021. Theo đó, Việt Nam đã tăng từ vị trí 83 lên 79 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 của Liên Hợp Quốc, Phần Lan giữ nguyên vị trí thứ nhất.
Chỉ số này được đưa ra trên cơ sở đánh giá các yếu tố: mức độ hài lòng của người dân đối với cuộc sống hiện tại, tuổi thọ bình quân cao và tiêu thụ tài nguyên ít gây tác động tới môi trường. Khái niệm hạnh phúc của chỉ số HPI (Happy planet index) hướng đến cuộc sống hài hòa với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên chứ không phải đề cao mức thu nhập.
Điều này cho thấy, HPI xem yếu tố bảo vệ môi trường chính là điều quan trọng để đánh giá cuộc sống hạnh phúc bền vững của người dân. Bảo vệ môi trường cũng là yếu tố được nhân loại quan tâm, nhất là trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày càng nhanh, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân toàn thế giới như hiện nay...
Để làm được điều này, Việt Nam đã rất nỗ lực trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân xuyên xuốt trong hàng trăm năm qua. Sinh thời, tư tưởng về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân được thể hiện rõ qua mong ước cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Mục tiêu cốt lõi theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là làm sao để nhân dân không còn phải lo cái ăn, cái mặc hằng ngày và phải bảo đảm cho người dân về y tế, giáo dục và nhà ở.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân được Đảng và Nhà nước Việt Nam vận dụng, cụ thể hóa thành đường lối, chủ trương, chính sách, trở thành một trong những mục tiêu then chốt trong suốt quá trình cách mạng, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng CNXH.
Còn nhớ, trong phát biểu tại hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận vào năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử”.
Và tại hội nghị toàn quốc công tác dân vận, ngày 27/5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nêu ra những đúc kết hết sức sâu sắc từ Nguyễn Trãi về nội dung này: “Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào ngược lòng dân thì sớm muộn cũng sẽ bị thất bại”.
Đặc biệt, trong các văn kiện Đại hội XIII mới đây đã xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển với các dấu mốc quan trọng: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, các điểm mới lần này xuất phát từ bối cảnh, tình hình hiện nay xuất hiện nhiều cái mới mà chúng ta phải vươn lên để tiếp cận. Chúng ta đã tích lũy được kinh nghiệm, bài học sau 35 năm đổi mới; tiếp cận được với xu thế phát triển của thế giới và tư duy hiện đại, kinh nghiệm thành công của các quốc gia.
Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú cho biết, lần này văn kiện không chỉ đánh giá 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội XII, mà đánh giá 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991. Mục tiêu định hướng không chỉ 5 năm, 10 năm, mà còn đưa ra tầm định hướng đến năm 2045 gắn với hai cột mốc quan trọng 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 thành lập nước vào năm 2045. Như thế, tầm bao quát rộng hơn nhiều. Đây là một bản văn kiện có nhiều điểm mới về tư tưởng và có cả một hệ quan điểm chỉ đạo.
Đặc biệt, văn kiện này này có nhấn mạnh đến "khát vọng phát triển đất nước". Như đánh giá cả Giáo sư Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, đây là một yếu tố rất mới, thực sự là nhân tố thể hiện sức mạnh nội sinh, tìm tòi của dân tộc ta, trong đó, đặt biệt nhấn mạnh yếu tố "hạnh phúc" của nhân dân. "Qua dịch COVID-19 chúng ta càng hiểu rõ không phải cứ thu nhập cao, tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng, mà quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc"- ông Phùng Hữu Phú nói.
Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Hường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính rằng rằng, việc nhấn mạnh “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong văn kiện ĐH XIII là mục tiêu định hướng cho cả hệ thống chính trị, cho mỗi tổ chức, mỗi cá nhân.
"Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chí riêng về hạnh phúc quốc gia, nhưng điều này không ảnh hưởng đến sự cảm nhận và đánh giá của người dân trong và ngoài nước về hạnh phúc của người Việt Nam. Thực tế, việc cụ thể hóa các tiêu chí về chỉ số hạnh phúc gắn với điều kiện thực tế và phấn đấu để đạt được các tiêu chí đó là điều cần phải thực hiện để Việt Nam thực sự là quốc gia hạnh phúc". - TS Nguyễn Thị Hường nói.
Đúng vậy, Việt Nam đang trên đà phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đang ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân thông qua việc ban hành các chính sách nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếm thế trong xã hội... Đó là những yếu tố quan trọng làm nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, đủ đầy của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng.
Việt Nam tăng 4 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021Theo bảng xếp hạng Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report) 2021 bao gồm 149 quốc gia công bố ngày 19/3, Việt Nam xếp ở vị trí 79, trên một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia (vị trí 81), Indonesia (82). Trước đó, Việt Nam đứng vị trí thứ 83 trong báo cáo năm 2020, vị trí 94 trong báo cáo năm 2019 và vị trí 95 vào năm 2018. Năm nay, Phần Lan tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng và đây là năm thứ 4 liên tiếp quốc gia này xếp vị trí số 1 trong danh sách. Ngoài ra, hầu hết các quốc gia lọt vào top 10 nằm ở khu vực châu Âu. Mỹ thăng hạng từ vị trí 18 của năm ngoái lên thứ 14 trong năm nay, trong khi Anh tụt từ vị trí 13 xuống vị trí 18. Australia giữ trị ví thứ 12. Báo cáo Hạnh phúc Thế giới do Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc công bố dựa trên nhiều dữ liệu, trong đó nguồn dữ liệu quan trọng nhất là từ hãng thăm dò Gallup. Báo cáo được công bố thường niên kể từ năm 2002, chủ yếu dựa trên các chỉ số như GDP, tuổi thọ, sự hào phóng, hỗ trợ xã hội, sự tự do. Khác với các năm trước, báo cáo năm 2021 tập trung vào tác động của đại dịch Covid-19 và cách thức mọi người trên toàn thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng. "Mục tiêu của chúng tôi gồm 2 phần, đầu tiên là tập trung vào các tác động của Covid-19 đối với cấu trúc và chất lượng cuộc sống của con người, thứ hai là mô tả và đánh giá cách các chính phủ trên khắp thế giới đối phó với đại dịch. Đặc biệt, chúng tôi cố gắng giải thích lý do tại sao một số quốc gia đã ứng phó với Covid-19 tốt hơn các quốc gia khác", báo cáo nhấn mạnh. 10 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng hạnh phúc thế giới 2021: 1. Phần Lan; 2. Iceland; 3. Đan Mạch; 4. Thụy Sĩ; 5. Hà Lan; 6. Thụy Điển; 7. Đức; 8. Na Uy; 9. New Zealand; 10. Áo. |
Có thể bạn quan tâm
05:30, 08/03/2021
06:28, 07/03/2021
07:00, 12/02/2021
03:14, 06/01/2021
16:55, 01/01/2021
13:44, 17/10/2020