Sự tử tế chưa bao giờ thiếu vắng trên đất Việt cũng như như trên thế giới.
Ngày thế giới tử tế 13/11, tôi lang thang trên mạng với cụm từ “việc tử tế” trên Google thì có khoảng 322.000.000 kết quả chỉ trong vòng 0,46 giây. Nó cho thấy trong cuộc sống hàng ngày mỗi chúng ta, vấn đề này đang “nóng” đến độ nào.
Có thể nói, chưa bao giờ ở nước ta, sự tử tế được bàn luận và lý giải nhiều như bây giờ, từ tầng lớp cần lao đến các nhà trí thức, từ giới kinh doanh đến giới truyền thông, trong nghệ thuật và cả trong chính trị.
Có quá nhiều chuyện để nói, để kể, để phê phán và cả biểu dương, nhưng tôi không muốn dẫn giải ra từng câu chuyện, thay vào đó, xin viện dẫn ra lời của một nhà khoa học.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 13/11/2019
07:23, 12/11/2019
14:44, 11/11/2019
15:27, 09/11/2019
11:00, 06/11/2019
10:37, 04/11/2019
05:51, 02/11/2019
06:31, 01/11/2019
09:28, 30/10/2019
Nhà sử học Lê Văn Lan từng ca thán rất đúng rằng: “Để có tiền thì dễ dàng đem bán hoặc thậm chí rao bán từ cặp chân dài đến “cái ngàn vàng”, từ tình nghĩa vợ chồng đến đạo đức cha con. Rồi khi có tiền thì lại đem đi mua từ trinh tiết đến quyền lực, nhét tiền cả vào miệng Phật hoặc tay tiên để cầu tài cầu lộc. Chưa bao giờ có nhiều đến mức tràn lan những “giả” và “tặc” như những năm qua.
Từ các bộ phận giả ở cơ thể phụ nữ, đến hàng hóa và thực phẩm giả, từ học hành thi cử giả đến lễ vật (đồ vàng mã) giả, hát hỏng (biểu diễn nghệ thuật) cũng giả… Còn “tặc” thì từ “lâm tặc”, “sưa tặc”, “đinh tặc” đến “cẩu tặc”... Những dẫn chứng cụ thể cho những điều như thế này vừa vô vàn vừa khủng khiếp. Ai cũng có thể thấy ở bất cứ đâu.”
Đọc thôi, nghe thôi, chắc ai đó cũng thấy chạnh lòng, bi quan và hỏi rằng: Vì sao như thế? Điều gì đang xảy ra trong xã hội Việt Nam? Phải chăng, sự tử tế chưa bao giờ thiếu vắng đến thế trên đất Việt, trong người Việt? Và cái “quả đắng” này phải chăng nảy sinh từ những vấn đề cơ bản trong giáo dục thế hệ tương lai hiện nay: Nạn chạy trường, chạy điểm, không chú ý giáo dục nhân cách sống…?
Không hẳn như vậy, bởi vì trong “Tam tự kinh” có viết một câu rất chuẩn, rất đúng là “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện. Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền. Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Đúng vậy! Con người sinh ra đã có sự tử tế, hoặc là có đủ tố chất để trở thành người tử tế. Mặc dù có đọc về những cái gọi là mã gen, là di truyền, tôi vẫn tin, con của một gã mafia tàn độc vẫn có thể trở thành người tử tế nếu được giáo dục đúng cách trong một môi trường tốt. Cái xấu, cái ác, qua tác động của môi trường sống, đã thâm nhập vào tình cảm, tính cách và hành động của người ta, lấn át phần lương thiện, biến người ấy trở thành một người xấu hay ác.
Từ đây, dẫn chúng ta có một góc nhìn khác đó là, nếu đổ lỗi cho giáo dục không tốt mà tạo nên con người không tử tế thì sẽ là không khách quan. Vì ngay cả nơi đào tạo tốt nhất như Trường Harvard thì thái độ, nhận thức, văn hóa cũng vẫn còn có hạn chế, đầu ra của nó cũng không phải luôn luôn là sản phẩm tốt.
Nói như vậy để thấy, những hiện tượng xấu ngoài xã hội mà nhà sử học Lê Văn Lan khái quát ở trên không phải là hệ quả trực tiếp của giáo dục. Chúng là hệ quả của một thứ quan trọng hơn giáo dục, là cha đẻ của giáo dục: Văn hóa! Nói thẳng ra, nó là biểu hiện về sự tha hóa đạo đức, tha hóa văn hóa của con người.
Mở rộng vấn đề một chút, xét việc tử tế tên bình diện quốc gia thì nghèo đói và lạc hậu không thể tạo ra cuộc sống hạnh phúc. Nhưng, khi cái Thiện và cái Tốt quyết định thang giá trị của xã hội, khi ngày càng có nhiều hơn những người tử tế và muốn trở thành tử tế, khi sự tử tế thấm đẫm trong mọi quan hệ của con người, quan chức với thường dân, chủ với thợ, thầy và trò, giàu với nghèo, người trong gia đình với nhau, khi ấy người dân sẽ cảm thấy hạnh phúc, tin ở tương lai, và sẽ ở lại đất nước để dốc hết sức mình cho tương lai ấy, cho dù GDP đầu người của đất nước chỉ đứng thứ 80, 100 hay 120 của thế giới.
Suy cho cùng, con người làm giàu là để có hạnh phúc, nhưng không phải cứ giàu thì sẽ hạnh phúc. Được sống trong một xã hội tử tế, mình tử tế với mọi người và mọi người tử tế với mình, thì dù không giàu, người ta sẽ có hạnh phúc.
Nói như Cố GS Hoàng Tụy thì “Không thể nào có một nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh dựa trên một nền văn hóa suy đồi”. Hay, chúng ta cũng có thể hiểu theo cách khác là “Không thể xây dựng được bất kỳ cái gì tử tế trên cái nền đồi bại của văn hóa”.
Ngày thế giới tử tế được tổ chức hàng năm vào ngày 13/11. Vào ngày này, những người tham gia cố gắng làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn bằng cách tôn vinh và thúc đẩy những hành động tốt và cam kết hành động vì sự tử tế, với tư cách cá nhân hoặc tổ chức. Ngày Thế giới tử tế được phát động lần đầu tiên vào năm 1998 bởi Phong trào nhân ái thế giới (World Kindness Movement) và cho đến thời điểm hiện tại đã có hơn 28 quốc gia tham gia Phong trào này. Nhiệm vụ của Phong trào nhân ái thế giới và Ngày nhân ái thế giới là tạo ra một thế giới tử tế hơn bằng cách truyền cảm hứng cho các cá nhân và quốc gia hướng tới việc hành động vì sự tử tế. |