Lo ngại hiện tượng “sốt ảo”, Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý và kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản.
Hiện nay, thị trường bất động sản Nghệ An đang có dấu hiệu sôi động trở lại, “nổi sóng” ở nhiều nơi, nhất là khu vực phía Đông đoạn từ vùng ngoại ô TP Vinh đến phố biển Cửa Lò. Nguyên do là bởi hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại cùng chiến lược phát triển toàn diện trong thời gian tới.
Khu vực phía Đông “nổi sóng”
Minh chứng điển hình nhất, vào ngày 25/9 vừa qua, tại trụ sở UBND xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc đấu giá đất quy hoạch tại xóm 1, với 114 lô đất. Các lô đất có diện tích 180m2 và 220m2, giá khởi điểm 9,4 triệu/m2, 10,8 triệu/m2. Điểm đáng lưu ý trong cuộc đấu giá đất đợt này, đó là hàng nghìn người chen chúc nhau đến tham gia.
Ông Nguyễn Công Ánh - Chủ tịch UBND xã Nghi Phong thông tin: Thời điểm chốt hồ sơ có 1.600 bộ hồ sơ đăng ký đấu giá đất. Đây là buổi đấu giá có số lượng hồ sơ kỷ lục nhất xã và nhiều nhất huyện Nghi Lộc tính tới thời điểm này. Buổi đấu giá được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín, thực hiện xuyên trưa và kết thúc vào khoảng 16h, sau khi tất cả các lô đất được đấu giá thành công, với tổng số tiền lên đến 295 tỷ đồng.
Lô đất cao nhất được đấu giá thành công 3,7 tỷ đồng, tương đương 17,2 triệu đồng/m2. Con số này vượt mức giá dự kiến khoảng 16 triệu đồng/m2 ban tổ chức đấu giá đưa ra trước đó. Được biết, 114 lô đất được đấu giá là đất nông nghiệp được thu hồi, phù hợp với quy hoạch đất ở được phê duyệt, thuộc xóm 1, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc. Tổng mức giá khởi điểm 114 lô đất nói trên là 191 tỷ đồng.
Giới chuyên gia đánh giá, với việc Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận TP Vinh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I, phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của TP Vinh hiện hữu, sáp nhập thêm TX Cửa Lò và 4 xã huyện Nghi Lộc gồm Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái và Nghi Phong đã đưa khu vực phía Đông tỉnh này trở thành mảnh đất màu mỡ, thu hút ánh mắt của giới đầu tư thứ cấp cũng như người dân địa phương có nhu cầu sử dụng đất ở.
Bên cạnh đó, khu vực này còn sở hữu nhiều tuyến đường huyết mạch, rộng từ 4 -12 làn xe mang tính kết nối liên vùng, khu vực. Điển hình như: Đại lộ Vinh – Cửa Lò, đường Bình Minh, Quốc lộ 46, đường tỉnh 535, đường tránh ven biển,… Qua đó, giúp phía Đông Nghệ An – vùng ngoại ô TP Vinh đến phố biển Cửa Lò trở thành tọa độ đáng sống và làm việc của các doanh nhân, chuyên gia, lao động trí thức. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân đưa thị trường bất động sản ở khu vực này “nổi sóng” trong thời gian gần đây.
Lo ngại hiện tượng “sốt ảo”
Liên quan đến vấn đề “nổi sóng” bất động sản trong thời gian qua, ngày 23/9, ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký, ban hành văn bản số 8203/UBND-CN về việc tăng cường công tác quản lý và kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản.
Theo đó, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, tình trạng “thổi giá, đẩy giá” gây ra hiện tượng “sốt ảo” vẫn tiếp diễn, gây ra nhiều lo ngại về sự ổn định của thị trường và an ninh trật tự xã hội.
Đặc biệt, một số chủ đầu tư đã tổ chức huy động vốn, bán các sản phẩm bất động sản chưa hoàn thiện hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không tuân thủ quy định pháp luật. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường mà còn có thể dẫn đến các tranh chấp và khiếu kiện, làm xói mòn niềm tin của người dân vào thị trường bất động sản.
Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn gửi đến các sở và địa phương, yêu cầu tăng cường công tác quản lý và kiểm soát giá thị trường bất động sản.
Trong đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng tiến hành rà soát và kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, đặc biệt tại những khu vực có dấu hiệu tăng giá bất thường. Thông tin về thị trường và các dự án sẽ được công khai nhằm đảm bảo tính minh bạch và ngăn chặn các hành vi lừa đảo.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp và Sở Tài chính trong việc giám sát đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo tính công khai. Các hoạt động đấu giá bất thường sẽ được kiểm tra và xử lý nghiêm nhằm ngăn chặn các hành vi trục lợi.
UBND cấp huyện được yêu cầu kiểm soát hoạt động mua bán bất động sản, đặc biệt là đất nền trong các khu vực đã được phân lô. Các địa phương cũng cần công khai quy hoạch sử dụng đất và các dự án đã được phê duyệt để bảo đảm thông tin minh bạch cho thị trường.
Mặc khác, Lãnh đạo tỉnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến bất động sản để ngăn chặn tình trạng “sốt ảo” và “thổi giá”. Việc làm rõ nguyên nhân biến động giá là cần thiết để đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và lành mạnh cho thị trường bất động sản trong tương lai.