Nghệ An trên đà bứt phá thu hút đầu tư

NGỌC THÁI thực hiện 29/09/2022 06:07

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Trong giải quyết thủ tục hành chính, phải thực hiện phương châm “nhanh, đúng, hiệu quả”…

Đây là chia sẻ của ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh các vấn đề liên quan đến thu hút đầu tư của địa phương đã và đang triển khai thực hiện.

>>Nghệ An tìm giải pháp nâng cao PCI, tạo niềm tin cho doanh nghiệp

- Được biết, 8 tháng đầu năm 2022, Nghệ An là tỉnh xếp thứ 18 trong tổng số các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), cùng với đó, nhiều chỉ số về phát triển kinh tế - xã cũng có mức tăng trưởng khá. Để đạt được những kết quả như vậy, Nghệ An đã tập trung vào những giải pháp nào, thưa ông?

Để đạt được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành. Đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong chỉ đạo điều hành, tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp gồm:

Một là, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 18/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Trong đó xác định 6 nội dung trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 148 nhiệm vụ cụ thể. Thành lập 05 tổ công tác của tỉnh, do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo thúc đẩy các ngành, lĩnh vực. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải lựa chọn ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các nhiệm vụ; có phân công trách nhiệm cụ thể đối với các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.

Hai là, triển khai thực hiện nghiêm túc, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Hỗ trợ phục hồi tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, đẩy mạnh toàn diện cải cách hành chính, “tập trung chuyển đổi số một cách nhanh chóng, toàn diện nền hành chính - công vụ mà trước hết các thủ tục hành chính, hoạt động dịch vụ công”. Đồng thời, tiếp tục thực hiện phương châm: “Nhanh - Đúng - Hiệu quả” trong các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tất cả đều hướng đến sự thuận lợi cho các nhà đầu tư.

- Ngoài tác động của dịch COVID-19, ông có thể chia sẻ những khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư mà địa phương đang gặp phải?

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến tình hình thế giới bị xáo trộn, tác động lên toàn bộ đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, Nghệ An cũng gặp nhiều khó khăn như giá nguyên vật liệu đầu gia tăng, dịch COVID-19 còn tiềm ẩn phức tạp. Sức ép cạnh tranh trong thu hút đầu tư, thương mại giữa các địa phương ngày càng cao... thì còn những hạn chế, khó khăn nội tại của tỉnh vẫn còn nhiều. Nhất là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là các hạ tầng chiến lược như cảng nước sâu, sân bay quốc tế. Đây là 2 nút thắt cơ bản và được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung tháo gỡ trong giai đoạn hiện nay.

 Một góc KCN Nam Cấm, Nghệ An

Một góc KCN Nam Cấm, Nghệ An

Trong tháng 7 vừa qua, đoàn công tác Thủ tướng Chính phủ đã định hướng, tháo gỡ giúp tỉnh nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, tỉnh phải thực hiện tốt 3 dự án chiến lược về hạ tầng giao thông: Quy hoạch, nâng cấp, mở rộng sân bay Vinh; Đầu tư cảng biển nước sâu Cửa Lò; Tuyến đường bộ nối từ Cửa Lò - Vinh - Nam Đàn. Hiện Nghệ An cũng đang tập trung triển khai để hoàn thành thủ tục đầu tư 03 dự án này trong năm 2022.

- Để khắc phục những khó khăn nói trên, thời gian tới Nghệ An sẽ tập trung vào những giải pháp nào nhằm tăng tốc thu hút đầu tư, thưa ông?

Như đã nói ở trên, tỉnh Nghệ An tiếp tục tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp sau đây:

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Trong giải quyết thủ tục hành chính, phải thực hiện phương châm “nhanh, đúng, hiệu quả”. Trên tinh thần “tôn trọng - lắng nghe - thấu hiểu”, tăng cường gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đóng tại Việt Nam như: Jetro (Nhật Bản), Kotra, KCCI, Korcham (Hàn Quốc)... Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, nâng cấp dịch vụ công cấp độ 4 để minh bạch thông tin, quy trình xử lý hồ sơ.

Trong đó tập trung hoàn thành, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các huyện, thành phố, thị xã giai đoạn 2021-2030.

Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An: Lối đi nào cho hàng công nghiệp nông thôn?

    Nghệ An: Lối đi nào cho hàng công nghiệp nông thôn?

    10:44, 17/09/2022

  • VCCI Nghệ An: Cần biến ước mơ thành hành động cụ thể

    VCCI Nghệ An: Cần biến ước mơ thành hành động cụ thể

    15:54, 09/09/2022

  • VCCI Nghệ An kết nối doanh nhân nữ

    VCCI Nghệ An kết nối doanh nhân nữ

    14:24, 31/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghệ An trên đà bứt phá thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO