Mặc dù bức tranh tổng thể về nền kinh tế Nghệ An có chuyển biến khá tích cực nhưng số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường vẫn ở mức cao.
Trong phiên họp thường kỳ mới đây, UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Tính đến ngày 20/11, toàn tỉnh thành lập mới 1.948 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 20.483 tỷ đồng. Luỹ kế đến nay, địa phương này có hơn 39.000 doanh nghiệp đăng ký, trong đó hơn 16.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Đáng chú ý, ở chiều ngược lại, Nghệ An có 302 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, tăng 35,29%; 1.483 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 8,6%; 715 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, trên thực tế thì bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Nghệ An trong 11 tháng đầu năm lại cho thấy sự chuyển biến khá tích cực trên mọi ngành nghề, lĩnh vực, nhất là khu vực công nghiệp - xây dựng và xuất nhập khẩu. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Nghệ An ước tăng 11,5% so với 2023. Tổng kinh ngạch xuất khẩu ước đạt 3.207 tỷ đồng, tăng 31,2% so với năm 2023, vượt 16,6% so với kế hoạch đề ra.
Với kết quả khả quan trên, vậy vì sao số lượng doanh nghiệp Nghệ An rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao, tăng so với cùng kỳ năm ngoái? Một trong những nguyên nhân được một số chuyên gia lý giải là do tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất ổn đã tác động sâu sắc đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước nói chung, Nghệ An nói riêng. Bên cạnh đó là khả năng hấp thụ vốn kém, năng lực quản trị yếu, sức cạnh tranh thấp đã buộc không ít doanh nghiệp phải chọn phương án thoái lui khỏi thị trường...
Đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Hưng từng chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp rằng: Riêng ngành dệt may, các đơn hàng đã quay trở lại từ Quý I/2024, doanh nghiệp lớn ở Nghệ An nói riêng, khu vực Bắc Trung Bộ nói chung hiện đang trong guồng quay sản xuất. Vậy nhưng, tín hiệu vui mới chỉ đang đến với những doanh nghiệp lớn, còn các xưởng may nhỏ lẻ thì hiện vẫn chưa nhận được nhiều đơn hàng do đã ký kết hợp đồng nhưng không đáp ứng được tiến độ mà các doanh nghiệp lớn đưa ra.
Tương tự, trao đổi về tình hình hoạt động doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hoàng – một thành viên của BNI Nghệ An phân tích: Giai đoạn từ đầu năm đến nay, sức mua của người dân mặc dù có chuyển biến nhưng chưa đáng kể. Lượng hàng tồn kho nhiều, doanh số bán ra ít ỏi, công ty càng làm càng lỗ, trong khi đó lại chịu khá nhiều loại chi phí liên quan. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, một số công ty buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động.
Trong khi đó, ở góc nhìn lạc quan hơn thì nhiều ý kiến cho rằng, một số doanh nghiệp mặc dù quy mô nhỏ, vốn ít nhưng có sự thích ứng tốt với diễn biến thị trường, thay đổi phương thức kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và đã đạt được mức tăng trưởng dương hơn cả mức kỳ vọng.
Do vậy, thực trạng doanh nghiệp rời khỏi thị trường hiện không còn quá lo ngại bởi địa phương đang trong quá trình tái cơ cấu, chắt lọc ra những doanh nghiệp đủ năng lực để bước vào giai đoạn phát triển mới. Doanh nghiệp nào biết nắm bắt cơ hội, đổi mới, thích ứng với thị trường sẽ có khả năng tồn tại và phát triển tốt hơn.
Đơn cử như trường hợp của Công ty CP Tân Thành Long Group, một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các dòng sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng thuần thực vật ở xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông Phạm Văn Long – Giám đốc Công ty cho hay: Thời điểm khó khăn nhất là sau cơn bão Covid-19, nền kinh tế toàn cầu gặp khủng hoảng đã tác động sâu sắc đến thị trường trong nước nói chung, Nghệ An nói riêng. Các kênh phân phối của công ty hoạt động cầm chừng do không bán được hàng.
Vì thế, chúng tôi đã chuyển hướng sang kinh doanh online, thông qua các trang mạng xã hội đẩy mạnh bán hàng trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công ty còn được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các sở, ban ngành, chính quyền địa phương để đưa các dòng sản phẩm của mình hiện diện tại các sự kiện, lễ hội văn hoá, ẩm thực, các buổi xúc tiến thương mại trong và ngoài địa bàn tỉnh.
“Nhờ vậy, Công ty CP Tân Thành Long Group đã đạt được hiệu quả kinh tế hơn mong đợi. Giai đoạn từ năm 2022 – 2023, số lượng sản phẩm của công ty tăng gấp 4 lần so với trước đây. Còn từ đầu năm 2024 đến nay, doanh nghiệp này luôn có mức tăng trưởng dương, trung bình tăng 10%/tháng so với cùng kỳ” – ông Phạm Văn Long chia sẻ.