Những lời chúc tụng đầu năm với chén rượu khai vị đã trở thành một nét văn hóa lớn của người Việt Nam, đặc biệt là trong những ngày đầu đón năm mới.
Trong dịp Tết nguyên đán, gia chủ khi đón khách đến nhà, bên cạnh chén trà, đĩa bánh mứt kẹo và gói hạt dưa hay hạt hướng dương thì ly rượu ngọt thơm sẽ làm ấm lòng hơn trong cái rét đầu xuân năm mới của gió lạnh, mưa phùn.
Văn hóa uống rượu vang
Nói đến rượu, bia, dân tộc nào cũng như nhau, “phi tửu bất thành lễ”. Đã là lễ thì không thể thiếu rượu, ta hay tây cũng vậy. Nhưng giữa ta và tây lại có nhiều sự khác nhau căn bản, cả về rượu và cách uống.
Người phương tây, khi có điều kiện, thường uống rượu tại bàn, trải khăn trắng muốt, ngày không sao, tối phải thắp đèn nến sáng trưng. Ly, cốc cũng phải là đồ thứ dữ, không pha lê Lucaris, Riedel hoặc Schott thì cũng phải là thủy tinh loại sang như Luminarc hoặc Ocea.
Rượu trẻ, mạnh mẽ thì rót ra bình thủy trước 20-30 phút để hương vị rượu thêm thơm ngát, cơ thể rượu được thư giãn, mịn màng, xênh xang, êm ái như nhung như lụa, uống đến đâu đã đời đến đó. Rượu lâu năm nhiều khi cũng được rót ra bình thủy để tránh không cho cặn rượu đi theo dòng chảy vào cốc bạn hiền.
Những chai rượu lâu năm mà sự cân bằng sinh thái mong manh như trứng để đầu đẳng thì được thận trọng, nâng niu đưa vào lẵng rót rượu và được mở nút không phải bằng khui mở thông thường mà bằng nhíp mở rượu Ghidini hoặc Vacuvin với tất cả sự cẩn trọng như ta nâng đỡ bố mẹ già, rồi khẽ khàng rót cho bè bạn, người thân như thể “giọt rượu, giọt vàng”.
Người uống rượu cầm ly soi ra trước đèn, trìu mến, nâng niu, đắm say như thể đang giải y một cô gái đẹp. Những lời bình phẩm về rượu cũng thật là “tửu sắc tương liên”: nào là “rượu thuỳ mị, hào hoa, phong nhã”, “cơ thể mảnh mai hoặc tròn trịa, duyên dáng, đầy nữ tính“, “chân dài quý phái”, “nước mắt như mưa”, “mẫn cảm, đầy sức quyến rũ”….
Người Việt mình uống đơn giản hơn nhiều, rượu trắng thường uống bằng chén sứ hay ly uống nước, rượu Whisky hay Cognac sang hơn thì dùng ly uống rượu whisky hay Cognac bằng thủy tinh. Tựu trung cũng chỉ vì dân mình còn nghèo, ít có điều kiện trang bị trong gia đình những thứ vẫn còn bị coi là “xa xỉ phẩm” ấy.
Trong thế giới rượu mênh mông thì rượu sâm banh (Champagne) và rượu vang vẫn được nhiều gia đình lựa chọn để tiếp khách hoặc dùng trong các bữa tiệc tất niên, bởi nồng độ cồn trong rượu chỉ dao động từ từ 12-15 độ, kể cả cánh chị em cũng rất thích. Hơn nữa, rượu vang là một sản phẩm đang được người tiêu dùng Việt Nam mến mộ vì những yếu tố tốt cho sức khỏe…
Mix đúng điệu
Nhân dịp Noel và cuối năm 2019, tôi và vài người bạn trong ngành Du lịch và Ngoại giao quyết định tổ chức 1 tối tất niên tại Toviet Cellar. Tôi có xách về Việt Nam được mấy chai vang Pháp và Italy do bạn tặng trong những lần đi viết bài hoặc chấm thi ở nước ngoài, còn lại lấy thêm từ cửa hàng, chủ yếu là vang Chile.
Vợ tôi cũng muốn làm thử một vài món Tết nhằm nghiên cứu xem các món ăn Việt Nam có thể kết hợp nhuần nhuyễn với rượu vang hay không. Thực đơn Tết của chúng tôi vì thế cũng đơn giản, chỉ có món gỏi tôm thịt, canh măng miến, cá chép rán, bò xào nấm hương và bánh chưng xanh mua gấp ở chợ Việt Hưng.
Sau khi khai vị bằng một chai Champagne Canard-Duchêne Brut Reserve (Pháp), chúng tôi bắt đầu món gỏi tôm thịt với chai vang trắng Sibaris Gran Reserva Chardonnay 2016 (Chile). Vị ngọt dịu của thịt, của tôm và sự tươi mát của giá đỗ càng được tôn lên bởi vị ngọt thơm của nho Chardonnay thu hoạch theo những quy trình nghiêm ngặt về sản lượng và phương thức canh tác.
Nếu như là khách hàng, tôi sẽ dùng món gỏi tôm thịt này rất thành công với các chai vang trắng của Chile và Italy như chai Siegel Special Reserve Chardonnay 2018, Siegel Special Reserve Viognier 2018, Velenosi
Reve Pecorino 2017 (Italy), Lanzerac Chardonnay 2018 (South-Africa). Nên tránh dùng nho Sauvignon Blanc nuôi trong thùng inox, quá nhẹ nhàng, mà nên dùng nho Sauvignon Blanc ủ trong thùng gỗ sồi từ 8-12 tháng. Trong trường hợp này, ta có thể dùng một chai Graves trắng hoặc một chai Pessac-Leognan trắng của vùng Bordeaux (Pháp) như chai Chateau Smith Haut Laffite
2016 chẳng hạn. Rượu Riesling, Pinot Gris hoặc Gewurztraminer của vùng Alsace (Pháp) cũng rất thích hợp với món gỏi tôm thịt.
Khi dùng sang món canh măng miến, ai trong chúng tôi cũng phải trầm trồ khen ngon vì nước canh trong, ngọt lịm, miến và măng thì giòn sồn sột, gia vị và rau mùi nêm vừa càng làm tăng khoái cảm khi chúng tôi dùng món này với một chai Valdivieso Single Vineyard Chardonnay 2016, một trong những chai rượu vang trắng nổi tiếng của Chile. Món này cũng kết hợp rất tốt với chai Patriarche Bourgogne Chardonnay 2016 (Pháp) hoặc chai Menage à Trois Gold Chardonnay 2014 (Mỹ).
Với món cá chép rán, chúng tôi dùng chai Montes Chardonnay 2016. Cũng như phương thức nuôi bò Kobe, rượu vang trong hầm rượu của hãng Montes được thưởng thức âm nhạc suốt 24 tiếng, nhất là các bản Thánh ca. Thảo nào mà rượu êm hiền, trong trẻo, tinh khiết như một bà xơ trẻ trong một bài hát tôi nghe đã từ lâu lắm (em hiền như ma soeur).
Với món thịt bò xào nấm hương, chúng tôi đã có một trải nghiệm trên cả tuyệt vời với các chai Patriarche Gevrey-Chambertin 1er Cru Aux Combottes 2012 và Chateau Haut-Filius St Emilion Grand Cru 2012 (Pháp)…
Riêng món bánh chưng quốc hồn quốc túy, vì rượu Chile đã hết nên chúng tôi đành tự thưởng cho mình một chai vang trắng đậm đặc nuôi trong thùng gỗ sồi, chai Leuwin Estates Art Series
Chardonnay 2015 (Australia). Khi ngồi viết bài này, tôi cho rằng một chai vang đỏ nhẹ nhàng từ dòng nho Pinot Noir như chai Siegel Special Reserve 2016 (Chile) hoặc 1 chai Patriarche Mercurey 2011 (Pháp) cũng là một lựa chọn hợp lý.
Một vài anh em trong nhóm chúng tôi mê xì gà nên lẳng lặng ra hè, kết thúc bữa ăn tất niên bằng một ly rượu Rhum St James Ambre (Martinique), một ly Whisky Talisker Dark Storm Single Malt hoặc một ly Bas-Armagnac Delord XO (Extra Old) dưới ánh đèn nê ông xanh dịu và mùi hoa hồng gai thoang thoảng đâu đây.
Chiêm nghiệm… vang
Thượng Đế đã ban cho tất cả chúng ta những giác quan nhạy bén để có thể phân biệt thế nào là rượu ngon, thế nào là rượu dở. Bạn chỉ cần dùng những giác quan của mình để hướng vào những tiêu chuẩn chính sau đây.
Thị giác – dùng “mắt nhìn” để phán đoán màu sắc của rượu vang, bằng cách lắc ly rượu theo hướng tròn, bạn có thể kiểm tra được màu sắc và sự nhất quán của loại vang mình đang uống. Khi lắc nhẹ ly rượu, chỉ nên cầm ly ở phần chân để tránh niệt độ từ bàn tay làm thay đổi hương vị rượu.
Khứu giác – dùng “mũi ngửi” để phân tích hương thơm, độ mạnh và cá tính của rượu. Thông thường, hương thơm của rượu có hai phần, hương đầu là mùi đặc trưng của giống nho, hương cuối là đặc trưng của các phản ứng hóa học đặc trưng bởi loại men và tuổi rượu. Cảm nhận mùi hương của rượu sẽ giúp bạn thưởng thức vang trọn vẹn hơn. Chú ý bạn nên để rượu vang “thở” khoảng 15-30 phút để khí SO2 thoát ra hết.
Vị giác – dùng “miệng nếm” để cảm nhận vị đậm lạt của rượu, độ ngọt, độ chua và độ chát, dư vị còn lưu lại trong cổ sau khi nuốt. Nhấm nháp là cách uống rượu vang trọn vẹn nhất. Tránh nuốt nước bọt hoặc uống cả ngụm rượu qua cổ họng mà không cảm nhận mùi vị. Một người uống rượu vang sành điệu là người cảm nhận được kết cấu, trọng lượng và cơ cấu của rượu khi uống.