Nhiều chuyên gia khẳng định sự ra đời của Nghị định 10/2020/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ chấm dứt những tranh cãi trong việc định danh các loại hình kinh doanh kiểu mới.
Có hiệu lực từ ngày 01/04/2020, Nghị định 10/2020/NĐ-CP ban hành ngày 17/01/2020 của Chính phủ thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu; quy định về công bố bến xe.
Taxi công nghệ sẽ được quyền lựa chọn đeo mào hay dán nhãn phản quang
Về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, Nghị định nêu rõ: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải được dán cố định cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe. Bên cạnh đó, được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn trên nóc xe thì không phải dán cố định cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe.
Xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình.
Đối với xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền), trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, huỷ chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số. Kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan Thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Nghị định cũng quy định rõ điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Theo đó, trước ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm
Là người theo sát quá trình hình thành và ra đời của Nghị định, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp Luật kinh tế, Viện Nhà nước Pháp luật khẳng định, sự ra đời của Nghị định 10 sẽ làm chấm dứt cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm trong việc định danh các mô hình kinh doanh mới.
“Trong lúc chờ đợi Luật Giao thông đường bộ sửa đổi thì sự ra đời của Nghị định 10 sẽ là giải pháp tình thế giúp thị trường vận tải ô tô phát triển trong thời gian tới”, ông Dương nói.
Có thể bạn quan tâm
11:05, 11/03/2020
11:02, 06/03/2020
11:02, 01/03/2020
Về phần mình, ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Hà cho rằng: Nghị định 10 đã định danh lại các loại hình vận tải ô tô, cho phép các doanh nghiệp taxi truyền thống và công nghệ được quyền lựa chọn.
Theo ông Hà, với taxi công nghệ, các doanh nghiệp sẽ phải có trách nhiệm ràng buộc và thực hiện các nghĩa vụ với tài xế là người lao động của mình, như doanh nghiệp taxi truyền thống. Đổi lại, taxi công nghệ sẽ không còn bị khống chế tại 5 địa phương thí điểm (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa), có thể hoạt động trên cả nước. Taxi công nghệ cũng bị khống chế về số lượng đầu xe như taxi truyền thống, thay vì không bị khống chế như hiện nay.
“Các quy định đã rất rõ, doanh nghiệp có quyền lựa chọn, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Đổi lại, trật tự vận tại sẽ được tái lập, nhà nước quản lý được các hoạt động vận tải, còn doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định. Chúng tôi chấp nhận cạnh tranh và không lo sợ điều đó, chỉ sợ không công bằng”, ông Hà nói.
Trong khi đó, với ứng dụng đặt xe FastGo, hiện chưa đưa ra thông tin chính thức về việc sẽ chuyển đổi ra khi việc thí điểm dừng từ ngày 1/4.