Không chỉ chặt chẽ trong quản lý Nhà nước, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP về nhãn hàng hóa còn được đánh giá sẽ tạo thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…
>>Phát hiện, thu giữ gần 4.500 sản phẩm nghi giả nhãn mác thương hiệu
Được ban hành ngày 09/12/2021 và có hiệu lực thực thi từ ngày 15/2 tới đây, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa đã và đang nhận được nhiều kỳ vọng.
Theo đó, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Cụ thể, Nghị định quy định, xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Thực tế thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp thiếu hiểu biết hay cố tình gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu nhằm trục lợi, trốn thuế đã gây nhiều thách thức cho việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng. Không chỉ có vậy, việc sai lệch xuất xứ hàng hóa xuất khẩu còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại làm giảm uy tín của doanh nghiệp, ngành hàng và giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Thông tin với báo chí, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đối với quy chuẩn, yêu cầu về quy tắc, nguồn gốc xuất xứ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã vướng phải không ít tình huống éo le khi cùng 1 mặt hàng, cùng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, nhưng nếu sản phẩm đó xuất khẩu sang mỗi thị trường yêu cầu đặt ra lại hoàn toàn khác nhau.
“Đơn cử như với thị trường Singapore, sản phẩm dệt may chỉ cần là quần áo đã được coi là có xuất xứ Việt Nam, đồng nghĩa là khi sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này sẽ được hưởng ưu đãi. Nhưng cũng cùng loại sản phẩm đó khi xuất khẩu sang thị trường EU lại phải đáp ứng quy tắc 2 công đoạn, công đoạn dệt vải và cắt may quần áo phải được thực hiện tại các nước thành viên của Hiệp định EVFTA mới được hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ EVFTA”, bà Hiền chia sẻ.
Từ thực tế đã nêu, các chuyên gia cho rằng, việc Nghị định số 111/2021/NĐ-CP đưa ra các quy định chi tiết về nhãn hàng hóa sẽ là một trong những giải pháp phù hợp, không chỉ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng chức năng nâng cao công tác kiểm tra và đấu tranh với gian lận xuất xứ hàng hóa, mà còn giúp nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
>>> Hà Nội: Thu giữ trên 400.000 thiết bị y tế không nhãn mác
Theo chuyên gia kinh tế Thái Hồng Lam, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43/2017/NĐ-CP sẽ giúp tăng quyền cũng như nâng cao trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp. Quy định mới đảm bảo tính minh bạch cũng như sự linh hoạt, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự trung thực và tính chính xác của hàng hóa, tuân thủ theo đúng quy định về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
“Trong công tác quản lý Nhà nước, quy định mới về nhãn hàng hóa sẽ tránh được sự lợi dụng của một số doanh nghiệp trong việc trục lợi và trốn thuế, đồng thời cũng giúp đơn giản hóa một số thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, khi phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận thức còn hạn chế, nhất là những kiến thức thương mại trong cam kết của Việt Nam đối với các đối tác khác thông qua các FTA”, chuyên gia kinh tế Thái Hồng Lam phân tích.
Ông Lam cho rằng, nếu cứ để doanh nghiệp lợi dụng trốn thuế hoặc trục lợi thông qua tờ khai nguồn gốc xuất xứ sẽ không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng của ngành hàng của Việt Nam, về lâu dài còn ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của cả nền kinh tế. Vì vậy, Nhà nước cần có lộ trình nâng cao nhận thức, ý thức cho doanh nghiệp bằng những hướng dẫn, quy định cụ thể về dán nhãn nguồn gốc xuất xứ đối với từng nhóm hàng tại từng thị trường theo các cam kết quốc tế.
“Đối với doanh nghiệp, cần liên tục trao đổi, cập nhật thông tin từ các tổ chức ngành hàng, cơ quan quản lý, cơ quan thương vụ nước ngoài để nắm bắt những quy định mới từ các thị trường xuất khẩu, tránh để những vụ việc đáng tiếc xảy ra”, ông Lam góp ý.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực nông nghiệp
20:00, 24/12/2021
TP HCM: Tháo "điểm nghẽn" thủ tục hành chính để cải thiện PCI!
12:14, 18/12/2021
Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2021
11:22, 08/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính
20:15, 06/12/2021
CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: Gỡ khó cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội
15:28, 01/12/2021