Mặc dù là tỉnh đi sau và còn nhiều khó khăn nhưng Nam Định phải chọn con đường và bước đi riêng vững chắc để phát triển trong thời gian tới.
>>Nghị quyết 09: Tạo đà cho Nam Định có những con số “ngoạn mục”
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc nhấn mạnh tại cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9.12.2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cách đi riêng của Nam Định là không làm xúc tiến đầu tư lớn như các địa phương. Nam Định thống nhất xây dựng các bộ phim tài liệu để sau đó thông qua các cơ quan có liên quan, như Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Công Thương, VCCI giới thiệu đến các nhà đầu tư về môi trường đầu tư của Nam Định.
Bên cạnh đó, Bí thư, Chủ tịch tỉnh mời trực tiếp đại sứ, các hiệp hội doanh nghiệp của các nước đang mong muốn đầu tư tại Nam Định. Đơn cử, Đại sứ Hàn Quốc đã đưa 50 doanh nghiệp đến làm việc với tỉnh Nam Định, Chủ nhiệm văn phòng kinh tế-văn hoá Đài Bắc đã đưa hiệp hội thương gia Đài Loan về tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Nam Định… theo các lĩnh vực ưu tiên với chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Nam Định sẽ tập trung đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp có công nghệ cao, thân thiện môi trường. Ví dụ, đầu tư thép tại Nam Định phải là đầu tư sạch với công nghệ cao để đảm bảo môi trường.
>>Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Cụ thể hoá Nghị quyết 09 bằng nhiều sáng kiến
>>Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Đốt ngọn lửa nhỏ để tạo ra ánh lửa hồng!
>>Văn hoá là “điểm tựa” của doanh nghiệp trong đại dịch
Tỉnh cũng có chủ trương đưa các làng nghề vào các cụm công nghiệp để gắn với việc bảo đảm môi trường và hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Sau cuộc làm việc này, Ban Thường vụ sẽ chỉ đạo xây dựng đề án về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân của Nam Định trên tinh thần triển khai thực hiện Nghị quyết 09”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc khẳng định.
Cụ thể, tỉnh đã có những giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp. “Vừa qua, chúng tôi đã có trao đổi với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (VCCI), Bộ Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ và đoàn thanh niên tổ chức chương trình khởi nghiệp cho doanh nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc chia sẻ.
Vẫn theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc, trên cơ sở quy hoạch tỉnh sẽ kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư. Hiện nay đã có doanh nghiệp đầu tư 100.000 tỷ đồng tại một dự án cho 2, 3 tổ hợp.
Từ đó, các doanh nghiệp của tỉnh làm công nghiệp hỗ trợ và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nam Định đi theo hướng thu hút các doanh nghiệp lớn, có công nghệ cao trong và ngoài nước vào đầu tư. Các doanh nghiệp của Nam Định sẽ phát triển là những doanh nghiệp hỗ trợ.
“Chúng tôi định hướng phát triển doanh nghiệp của tỉnh theo hướng này. Còn nếu chạy theo số lượng nhưng không có nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương thì cũng rất khó khăn cho tỉnh. Nam Định chủ trương phát triển doanh nghiệp có quy mô, công nghệ và có đóng góp cho địa phương”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc nói.
Ngoài ra, Nam Định công khai quy hoạch để doanh nghiệp tham gia, doanh nghiệp tham gia ngay từ thời điểm tỉnh xây dựng quy hoạch thì sau sẽ thực hiện đầu tư theo đúng quy hoạch để trình Thủ tướng. Tỉnh cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia từ khâu sản xuất giống thuỷ hải sản như tôm, ngao xuất khẩu, lúa, hoa quả… nhưng phải gắn theo tiêu chuẩn VietGap, gắn với thị trường.
“Mặc dù là tỉnh đi sau và còn nhiều khó khăn, nhưng Nam Định phải lựa chọn con đường và bước đi riêng vững chắc để phát triển trong thời gian tới”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
00:36, 10/09/2022
19:25, 09/09/2022
00:11, 08/09/2022
01:03, 03/09/2022