Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, những giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền trong Nghị Quyết 105/NQ-CP được cho là phù hợp thực tiễn…
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt dịch trước đó, nay lại tiếp tục suy giảm sức chống chịu khi nguồn lực dự trữ dần cạn kiện sau những tác động tiêu cực của làn sóng dịch thứ 4. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vượt qua đại dịch, từng bước ổn định sản xuất, với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp được cho là kịp thời, phù hợp thực tiễn. Đặc biệt với những giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền.
Thực tế, theo nghiên cứu mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, dòng tiền được ví như “máu” của doanh nghiệp. Trong đó, qua khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch chỉ còn dòng tiền giúp duy trì hoạt động ít hơn một tháng chiếm khá cao, gần 40% và gấp 2,5 lần (gần 18%) so với ở các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hộ kinh doanh là đối tượng dễ tổn thương nhất với 45% số hộ trả lời có dòng tiền duy trì hoạt động ít hơn một tháng.
Với doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH và Công ty cổ phần của Việt Nam, tỷ lệ này là 39,5%; doanh nghiệp Nhà nước là 30%; còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là khoảng 23,5%. Điều này cho thấy, nếu các doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa dài hơn một tháng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì khả năng giải thể là rất cao.
Nghị quyết số 105/NQ-CP ra đời, giao Bộ Tài chính triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; triển khai chính sách thuế ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 sau khi được Chính phủ thông qua. Đồng thời, xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch COVID-19 được cho là cần thiết.
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền được cho là giải pháp phù hợp với thực tiễn và có khả năng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh khi đã xác định rõ ràng, cụ thể về các giải pháp hỗ trợ cũng như nhiệm vụ của các Cơ quan quản lý Nhà nước.
Thế nhưng, để chính sách thực chất, sớm đi vào thực tiễn, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị, đối với chính sách giải quyết khó khăn tài chính: ngành thuế rà soát lại các khoản nợ thuế, các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước để có giải pháp hỗ trợ giãn nộp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã... chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 mà không có khả năng nộp.
Các cơ quan chức năng cũng cân nhắc chính sách miễn, giãn nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới dòng tiền của doanh nghiệp như: tiền thuê đất, các loại phí, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Các chính sách hỗ trợ cần chú trọng thêm về thuế giá trị gia tăng thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp, bổ sung thêm chính sách hỗ trợ trong trả lương cho người lao động, chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội như giảm mức đóng thay vì chính sách không tính lãi cho doanh nghiệp như hiện nay.
Bên cạnh đó, về việc tiếp cận vốn, trước các khó khăn vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị ngành ngân hàng cho phép được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước cần xem xét ban hành các gói vay lãi suất 0% hoặc rất thấp trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế. Việc mở rộng diện xem xét vay tín chấp đối với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm cũng cần tính đến vì đây là khó khăn chính về mặt thủ tục của các cơ sở kinh doanh khi tiếp cận tín dụng.
Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ chỉ có các chính sách hỗ trợ đoanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, trong khi các doanh nghiệp có quy mô sản xuất hàng trăm công nhân cũng đang gặp nhiều khó khăn, phải dừng hoạt động nhưng hỗ trợ thì không đến hoặc không đáng kể.
Vậy nên, về đối tượng được tiếp cận chính sách ưu đãi, cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị cần có chính sách giảm thuế VAT; giảm thuế thu nhập cá nhân trong thời kỳ dịch bệnh; xem xét gia hạn việc cơ cấu nợ cho doanh nghiệp thêm 24 tháng; có chính sách công khai giá và hỗ trợ về giá đối với vật tư, thiết bị y tế về phòng chống dịch COVID-19...
Có thể bạn quan tâm
Cắt giảm chi phí “cứu” doanh nghiệp dệt may
17:00, 11/09/2021
Cắt giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp: Số hóa ngân hàng
17:00, 14/06/2021
Cắt giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp: Giảm lãi vay, rằng hay thì thật là hay...
17:14, 12/06/2021
Cắt giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp: Nên “nắn dòng” tín dụng
04:40, 12/06/2021
Bắt đầu cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật
16:20, 17/04/2019