Nghị quyết 19 còn cần đến bao giờ?

ĐẠI DƯƠNG 30/11/2018 11:31

Dự thảo Nghị quyết 19 năm 2019 vừa được Thủ tướng quán triệt, cần sớm ban hành ngay từ đầu năm với quan điểm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Rõ ràng, chỉ đạo của Thủ tướng vừa thể hiện quyết tâm của Chính phủ, của cá nhân Thủ tướng, nhưng đồng thời cũng cho thấy một sự thật rằng: môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của quốc gia vẫn chưa đạt yêu cầu.

p/Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ thảo luận về dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ. Ảnh: Quang Hiếup/

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ thảo luận về dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ. Ảnh: Quang Hiếu

“Thể chế ở mức… trung bình”

Hồi đầu năm, một doanh nghiệp đã than rằng: chỉ mấy tháng đầu năm, họ đã phải tiếp hàng chục đoàn kiểm tra, thanh tra. Trong khi đó, từ giữa năm 2017, Thủ tướng đã ra chỉ thị chỉ kiểm tra doanh nghiệp một lần/năm. Ấy thế nhưng, nếu chỉ kiểm tra, thanh tra để hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thì không nói làm gì. Sở dĩ doanh nghiệp bức xúc là bởi mỗi lần thanh tra, kiểm tra ấy, cái “giá” mà doanh nghiệp phải trả không chỉ là tiền, là chi phí cho các đoàn.

Có thể bạn quan tâm

  • Kết quả thực hiện Nghị quyết 19 còn khá xa mục tiêu

    07:37, 09/10/2018

  • Nghị quyết 19/2018: Phải bãi bỏ và đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh

    06:19, 25/05/2018

  • Những điểm mới của Nghị quyết 19/NQ-CP 2018

    23:24, 19/05/2018

  • Thanh Hoá ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19

    16:12, 05/05/2017

Thủ tướng sau đó đã đề nghị kiểm tra lại việc này. Báo cáo từ các đoàn thanh tra, kiểm tra ấy gửi lên cho cấp có thẩm quyền ghi nhận: đã có 19 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp ấy.

Ấy là xét ở tầm vi mô. VCCI mới đây tổ chức Hội nghị để đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Có những con số mà chắc chắn các nhà hoạch định chính sách phải lưu tâm.

Đó là, khoảng 60% doanh nghiêp đang kinh doanh không có lãi, hơn 78.000 doanh nghiệp buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong 10 tháng đầu năm 2018, bất chấp GDP vẫn tăng trưởng với những con số đẹp. Phải chăng điều này có nguyên nhân từ thể chế? Rất có thể, bởi vẫn theo báo cáo của VCCI, có 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, và 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép. Hơn 40% doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm 2017 và 49% trong năm 2016.

Chưa hết, những chi phí của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam vẫn là điều nhức nhối nếu chỉ so sánh trong khu vực. Đơn cử như thuế vẫn chiếm tới hơn 39% lợi nhuận, cao hơn cả mức của Asean4, chi phí tuân thủ pháp luật về xuất khẩu cũng cao gấp 4 lần Singapore. Điều đơn giản mà ai cũng nhận thấy, đó là rõ ràng các nước Asean 4 chi phí kinh doanh thấp hơn Việt Nam nhưng lại phát triển hơn Việt Nam. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói rằng: “Không thể thoát được bẫy trung bình với chất lượng thể chế ở mức… trung bình”.

“Không có thời gian để cứ làm mãi thế này”

Dẫu cho được khởi xướng từ 2014 và đạt được nhiều thành tựu, nhưng rõ ràng những Nghị quyết 19 vẫn chưa phát huy hết hiệu quả do chưa được thực thi nghiêm túc. Không nói đâu xa, ngay từ đầu nhiệm kỳ, công cuộc cắt giảm điều kiện kinh doanh được tiến hành rất quyết liệt nhưng vẫn chưa thể nhổ được “rừng đinh” dưới thảm đỏ.

Khó khăn vẫn còn đó khi mà tâm lý níu giữ lợi quyền của các cơ quan nhà nước vẫn thường trực. Như một chuyên gia nhận định, các bộ, ngành mỗi khi họp về cắt giảm điều kiện kinh doanh chỉ quan tâm hai chuyện: quyền của mình có bị cắt đi và có bị áp thêm nhiệm vụ nào hay không.

Đương nhiên, sẽ có những thuận lợi mới khi mà CPTPP cùng với EVFTA đang được mong đợi sẽ trở thành động lực của cải cách thể chế. Asean4 có thể là mục tiêu gần của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia mà các nghị quyết 19 vừa qua có ý nhắm tới. Nhưng nếu xem xét kỹ thì những gì mà các nghị quyết 19 đặt ra không phải là quá khó khăn và nó nằm hoàn toàn trong tầm tay của các bộ, ngành nếu tuân thủ đúng những nguyên tắc căn bản của kinh tế thị trường.

Bởi vậy, có thể hiểu được mong muốn của chuyên gia Phạm Chi Lan mới đây phát biểu tại VCCI: “Tôi mong sau năm 2020 sẽ không còn cần tới Nghị quyết 19, Chính phủ không phải cầm tay chỉ việc cho từng địa phương. Xã hội đang thay đổi rất nhanh chúng ta không có thời gian để cứ làm mãi thế này”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI: 42% doanh nghiệp kêu khó khi xin giấy phép con

Theo điều tra của VCCI, tới 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Và 42% doanh nghiệp gặp khó khăn trong xin giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, vẫn có những cải cách tốt như Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm đã thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thay vì phải được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp có thể tự công bố an toàn thực phẩm. Còn Nhà nước sẽ tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm với trường hợp công bố không chính xác. Ước tính điều này đã giúp tiết kiệm 90% chi phí hành chính, 10 triệu ngày công và 3.700 tỉ đồng mỗi năm.

Luật sư Đỗ Pháp - Trưởng Văn phòng luật sư Đỗ Pháp: Cần đề cao trách nhiệm cá nhân

Để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “trên nóng, dưới lạnh”, cần đề cao trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Đồng thời, tăng cường giám sát, đánh giá, báo cáo Thủ tướng và Chính phủ về cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng như công khai kết quả của từng bộ, ngành, địa phương.... về vấn đề này.

Tôi nói như vậy bởi theo các số liệu thống kê, dù ngày 15/8 là hạn cuối cùng để các bộ ngành thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cắt bỏ 50% điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên đến nay số thủ tục được cắt bỏ mới chỉ đạt 12,5%.

N.Phước, H.trang ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghị quyết 19 còn cần đến bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO