Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị đang rất được các doanh nhân, doanh nghiệp quan tâm. Đặc biệt là giới doanh nhân vùng cao, biên giới, địa đầu Tổ Quốc.
>>>Nghị quyết 41-NQ/TW: Hoàn thiện chính sách giúp năng lượng tái tạo phát triển
>>>Nghị quyết 41-NQ/TW: Động lực thúc đẩy tinh thần cải cách
Nếu đã từng đến Hà Giang dù chỉ một lần, hẳn nhiều người đã “bị” miền đất này gây thương nhớ. Những năm gần đây Hà Giang nổi lên là một trong những điểm du lịch cộng đồng thu hút khách nhất. Cũng từ đó có rất nhiều các doanh nghiệp cũng hình thành và phát triển tạo nên một sức sống mới cho Hà Giang. Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị đang trở thành một đề tài được các doanh nhân tại đây rất quan tâm.
Diễn đàn Doanh nghiệp có buổi nói chuyện với ông Lại Quốc Tĩnh - Chủ tịch Hội du lịch, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hà Giang về Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị
- Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị nêu rõ: “Đội ngũ doanh nhân có vai trò là một trong những lực lượng nòng cốt thúc đẩy CNH, HĐH đất nước”. Vậy ngoài những đóng góp về phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh… ông đánh giá thế nào về những đóng góp “mềm” - đó là những tham gia vào hoạch định chính sách, chủ trương phát triển đất nước của đội ngũ doanh nhân?
Trong những năm gần đây đặc biệt là trong năm 2023 khi mà thế giới vừa bước ra khỏi đại dịch Covid - 19 thì lại vướng vào cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina cuốn cả Mỹ và châu Âu cùng các nước phát triển khác vào cuộc chiến, nền kinh tế thế giới chạm ngưỡng khủng hoảng, ở trong nước nhận thấy nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội đã lạc hậu, cần phải có cách tiếp cận mới, thích ứng kịp thời với tình hình mới. Chính phủ, các Bộ ngành đã lắng nghe ý kiến của các tổ chức đại diện cho giới doanh nghiệp doanh nhân nhiều hơn, xin ý kiến tư vấn phản biện để từ đó xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội sát với thực tiễn cuộc sống.
Điển hình là trong năm 2023, Chính phủ đã 2 lần tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh thành phố trong cả nước để bàn về lĩnh vực du lịch, ở đầu cầu Chính phủ có đại diện đầy đủ các Bộ ngành, đại diện các tổ chức như VCCI, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các tổng công ty lớn hoạt động các lĩnh vực liên quan đến du lịch… để tìm các tháo gỡ tạo đà cho du lịch Việt Nam phát triển.
Từ 2 cuộc họp trực tuyến này, các góp ý, kiến nghị đã được Chính phủ và các Bộ ngành lắng nghe và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng chính sách tháo gỡ kịp thời, đó là tín hiệu rất đáng mừng khi Chính phủ đã lắng nghe, thấu hiểu doanh nghiệp doanh nhân để xây dựng chính sách sát với thực tế để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh phát triển góp phần xây dựng quê hương Việt Nam. Đây chính là những đóng góp mềm của đội ngũ doanh nhân của các tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp doanh nhân trong quá trình xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội mà tôi cho là rõ nét nhất trong năm 2023.
- Trước đây, doanh nghiệp doanh nhân ít có tiếng nói khi góp ý vào các dự thảo xây dựng chính sách, tuy nhiên nhiều năm gần đây tiếng nói của doanh nghiệp doanh nhân được lắng nghe hơn. Ông có nhận thấy điều này?
Trước đây nhận thức về doanh nghiệp doanh nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân còn bị coi nhẹ, nhưng những năm gần đây, khi chúng ta hội nhập sâu rộng với thế giới, sự đóng góp ngày càng nhiều cả về chất và lượng vào nền kinh tế Việt Nam của đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm cho sự nhìn nhận của xã hội đối với các doanh nhân doanh nghiệp cũng khác đi, được trân trọng hơn, được ghi nhận nhiều hơn ở các diễn đàn tổng kết đánh giá của các ngành các cấp, tiếng nói của các Hiệp hội doanh nghiệp được lắng nghe hơn.
Cụ thể là khi xây dựng các chính sách, nếu liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân, các tỉnh thành, các ngành đều có xin ý kiến tham vấn để từ đó chỉnh sửa xây dựng các chính sách sát với thực tiễn cuộc sống hơn, tuy nhiên chúng tôi muốn đựơc tham vấn nhiều hơn, thậm trí được dự nhiều hội thảo để phản biện nhiều hơn như thế tất cả các nút thắt kìm hãm sự phát triển của kinh tế xã hội sẽ được tháo bung khi đó sự đóng góp của giới doanh nhân, doanh nghiệp cho nền kinh tế xã hội còn được nhiều hơn nữa và chúng ta sẽ nhanh chóng có đựơc nhiều những doanh nhân, doanh nghiệp tầm cỡ mang tính dẫn dắt nền kinh tế khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực mà người Việt Nam có thế mạnh. Tôi hy vọng là trong tương lai gần Việt Nam chúng ta sẽ đạt được điều đó khi cụ thể hóa thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị.
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là tổ chức cầu nối để tiếng nói của doanh nghiệp, doanh nhân đến được với các nhà hoạch định chính sách, ông có kỳ vọng gì để tiếng nói của doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng khẳng định vị thế?
VCCI là ngôi nhà chung của giới doanh nhân của các doanh nghiệp Việt Nam, từ nhiều năm nay tổ chức này đã thực hiện xuất sắc sứ mệnh của mình, kết nối lắng nghe các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đem các tâm tư, trăn trở của giới doanh nhân, của các doanh nghiệp về sự vướng mắc, những rào cản, những lệch pha trong phát triển kinh tế…làm thành kiến nghị, đề xuất, góp ý với Chính phủ và các Bộ ngành.
Trong thời kỳ mới, tôi mong VCCI quan tâm sâu rộng hơn nữa nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ để có thể kiến nghị Chính phủ có cơ chế nâng bước các doanh nghiệp này để họ có cơ hội vươn tầm, đồng thời khuyến khích nhiều hơn nữa những doanh nghiệp khởi nghiệp để chúng ta có một đội ngũ doanh nghiệp trẻ khỏe, sáng tạo, năng động, trí tuệ, nhiều nhiệt huyết tiếp bước các thế hệ cha anh dựng xây đất nước.
- Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hà Giang, ông có kiến nghị gì với các Bộ, ban ngành… về phát triển đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân với đặc thù tỉnh Hà Giang?
Hà Giang chúng tôi là một tỉnh biên giới, một tỉnh còn nghèo so với cả nước nhưng lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã nhận thấy sự đóng góp to lớn của giới doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh Hà Giang trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh vì thế tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để giới doanh nhân, các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là lĩnh vực du lịch – Lĩnh vực mà tỉnh Hà Giang có tiềm năng, thế mạnh và đã được xác định là trọng điểm phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm qua nhiều doanh nghiệp được hình thành và phát triển tạo nhiều việc làm cho bà con nhân dân, đồng thời đóng góp gần 50% tổng thu ngân sách của tỉnh nhà. Tuy nhiên để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp lớn mạnh, nếu được kiến nghị với các Bộ, ban ngành… tôi xin được đề xuất một vài ý kiến sau:
Thứ nhất: Hà Giang xa các trung tâm kinh tế xã hội lớn, xa cảng biển, sân bay… để phát triển kinh tế xã hội không thuận như các tỉnh miền xuôi, trình độ dân trí, người lao động của chúng tôi cũng không bằng các tỉnh đồng bằng… Chúng tôi cần một cơ chế đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp (từ thuế, vốn vay, bảo hiểm xã hội…) cho các doanh nghiệp Hà Giang, nhất là các doanh nghiệp hoạt động tại các huyện đặc biệt khó khăn, các doanh nghiệp sử dụng nhiều, thậm chí 100% lao động là người dân tộc thiểu số... Nếu có được cơ chế “nâng bước doanh nhân” đó chúng tôi sẽ có thể mạnh dạn cạnh tranh sòng phẳng để phát triển, tạo ra nhiều việc làm cho bà con dân tộc vùng biên cương Tổ quốc, góp phần xây dựng Hà Giang giầu đẹp.
Thứ hai: Nếu được tôi mong có nhiều những đại diện là các doanh nhân Hà Giang có đủ tâm, đủ tầm, đủ trí tuệ đựơc tham gia vào các cơ quan dân cử như HĐND các cấp, thậm trí kể cả Quốc hội để chúng tôi có thể thay mặt cho giới doanh nhân doanh nghiệp vùng biên giới bày tỏ tâm tư nguyện vọng, góp phần xây dựng chính sách cho chính vùng miền của mình nó sát hơn, nó đúng hơn, trúng hơn, nhân văn hơn và tạo được nhiều thuận lợi cho giới doanh nhân, doanh nghiệp vùng biên giới như chúng tôi phát triển, khi đó chúng tôi sẽ có nhiều hơn nữa những đóng góp cho quê hương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng nơi biên giới của Tổ quốc.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm