Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hải Phòng không chỉ đóng vai trò là cực tăng trưởng của khu vực mà còn thực hiện sứ mệnh là động lực phát triển của cả nước.
>>>Hải Phòng: Chuyển biến tích cực gỡ bỏ thẻ vàng của EC
>>>Hải Phòng: Những công trình trọng điểm hối hả về đích
Tạo đà Nghị quyết 32
Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW (NQ45) về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Không có nhiều địa phương trên cả nước được Bộ Chính trị ban hành riêng Nghị quyết để phát triển kinh tế - xã hội, điều này cho thấy vai trò và tầm quan trọng của Hải Phòng đối với khu vực phía Bắc và cả nước.
Ngày 05/08/2003 Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 32/NQ-TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết này, Bộ Chính trị đánh giá: “Trong 15 năm qua, nhất là từ khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 72, Hải Phòng đã nỗ lực phấn đấu, phát triển mạnh mẽ hơn, nhanh và bền vững hơn. Trong đó kinh tế Hải Phòng tăng trưởng khá cao, bình quân gấp 1,68 lần mức tăng chung cả nước. Năm 2017, quy mô kinh tế gấp 4,27 lần so với năm 2003; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 3.964 USD, gấp 1,54 lần bình quân cả nước; tăng 5,43 lần so với năm 2003… thời điểm Nghị quyết 32-NQ/TW được ban hành.
Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế của Hải Phòng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa; mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng phát triển tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, liên kết vùng và phát triển kinh tế đối ngoại. Ngành công nghiệp phát triển đột phá với nhiều khu công nghiệp, củng cố vị trí là trung tâm công nghiệp lớn. Hải Phòng khẳng định là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc”.
Tổng Bí thư - Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Hải Phòng là một trong những thành phố có vị trí hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại. Thực tế cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết 32 đã tạo cú hích quan trọng cho sự phát triển của thành phố, những chỉ tiêu cụ thể đều cơ bản đạt được, tuy mức độ cao, thấp khác nhau. Hải Phòng cần tiếp tục phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường trong kháng chiến, thành phố hoa phượng đỏ đi đầu trong đổi mới, phải nắm bắt được nhu cầu mới, khả năng tiềm lực mới để phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa…"
Thế nhưng, “ngọc còn có vết”! Bộ Chính trị cũng chỉ ra rằng kinh tế Hải Phòng phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế. Hải Phòng chưa phát huy rõ nét vai trò là một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh; liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội còn mờ nhạt,…
>>>Hải Phòng: Triển vọng trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch
>>>Cảng biển Hải Phòng: Đặt mục tiêu 100 triệu tấn hàng thông quan trong năm 2022
Chính từ “được” và “chưa được” ấy của Hải Phòng trong hành trình 15 năm thực hiện Nghị quyết 32, Bộ Chính trị đã xác định vai trò, nhiệm vụ mới cho Hải Phòng bằng Nghị quyết 45. Đó là “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế. Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước”. Một lần nữa cho thấy Bộ Chính trị đã nhấn mạnh những thành tựu của Hải Phòng trong 15 năm thực hiện NQ32, để từ nền tảng vị thế đã được khẳng định, thực sự bước lên vai trò “động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước”.
Nghị quyết 45: Cất cánh!
Mới chỉ 3 năm từ khi có Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, kinh tế - xã hội Hải Phòng đã có bước phát triển vượt bậc. Trong 3 năm ấy, tròn 2 năm dịch COVID-19 xảy ra. Thế nhưng, khó khăn ấy Hải Phòng đã chứng minh được tầm vóc của mình khi liên tục nằm trong top đầu cả nước về mức độ tăng trưởng kinh tế. Ngay năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết - năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hải Phòng đạt kỷ lục với 16,5% (gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước). Trong đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 90 nghìn tỷ đồng. Năm 2020, khi cả nước chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hải Phòng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, đứng thứ 2 cả nước khi đạt 11,22%.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, “năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, tác động mạnh hơn đến đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, nhờ các giải pháp quyết liệt, kịp thời nên tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP (giá so sánh năm 2010) ước tăng 12,38%. Đây là mức tăng trưởng cao đứng đầu cả nước (gấp hơn 5 lần bình quân chung cả nước, dự báo khoảng 1,5- 1,9%). Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu 25,11 tỷ USD, tăng 23,19%; sản lượng hàng qua cảng 150,16 triệu tấn, tăng 7,36%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 173.975 tỷ đồng, tăng 1,32%. Đặc biệt, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI đạt trên 3,1 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với năm 2020”.
Năm 2021 cũng là năm mang đầy dấu ấn với Hải Phòng khi ngày 13/11/2021, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Đó là Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng có ý nghĩa to lớn tạo động lực, nguồn nhân lực để Hải Phòng phát triển đột phá, xứng đáng là trọng điểm trong tứ giác phát triển của khu vực phía Bắc, vì Hải Phòng và vì cả nước. Điều này được thể hiện trong Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị: “Nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho thành phố Hải Phòng, đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn khác trong cả nước; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương, người đứng đầu trong một số lĩnh vực như quản lý quy hoạch, đất đai, quản lý đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách,…”. Đây sẽ là một bước ngoặt để Hải Phòng tăng tốc phát triển khi Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Trong phát biểu đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Hải Phòng, Tổng Bí thư – Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị là Nghị quyết chuyên đề mới có tính kết nối đột phá tiếp theo Nghị quyết 32, tạo đường băng để Hải Phòng cất cánh vào tương lai tươi sáng hơn.
Có thể bạn quan tâm