Nghị trường “nóng” hơn khi nhắc tới các “đại án” được triệt phá, trong đó vai trò của thanh tra phát hiện rất lớn.
>>Sẽ làm nhanh nhất có thể việc sửa đổi Nghị định số 34
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Quảng Trị) chia sẻ bên hành lang Quốc hội trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vào ngày 5/11.
Nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới phiên chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ. Và mong muốn công tác thanh tra sẽ góp phần chống tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, thu hồi được tài sản do tham nhũng gây ra.
Theo Thanh tra Chính phủ, về thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng năm 2022, trong số 2.739 việc có điều kiện thi hành, tương ứng với 43.593 tỷ 296 triệu đồng, đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989 tỷ 592 triệu đồng.
>>Đánh giá cán bộ, công chức chưa thực chất
>>Cần ra ''đầu bài'' thật cụ thể để giải bài toán chuyển đổi số hiệu quả
Đại biểu Hồ Thị Minh đánh giá, thời gian qua có rất nhiều vụ việc bị phát hiện nhờ công tác thanh tra, kiểm tra chỉ ra hạn chế khuyết điểm của cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ. Vai trò của thanh tra, kiểm tra ngày càng được nâng lên.
Do đó, đại biểu Hồ Thị Minh hy vọng Thanh tra Chính phủ sẽ có các nội dung trả lời chất vấn làm hài lòng cử tri và nhân dân cũng như các ĐBQH trong nghị trường. Cử tri cả nước mong muốn việc thu hồi được tài sản thất thoát phải được thực hiện triệt để và phải xử lý nghiêm túc, đúng pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân trong quá trình thanh tra phát hiện sai phạm.
Trao đổi về phiên chất vấn này, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho biết, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước nhưng việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp. Đây là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Có những vụ việc, đoàn thanh tra trước không phát hiện tiêu cực, đoàn thanh tra sau lại phát hiện ra sai phạm. Vậy, việc xử lý đối với đoàn thanh tra trước ra sao? Thậm chí tại đợt thanh tra trước, lực lượng chức năng biết sai phạm nhưng “giơ cao đánh khẽ”, có nội dung cần thanh tra thì làm ngơ.
“Vậy có biện pháp nào để xử lý trưởng đoàn và thành viên đoàn thanh tra về kết quả thanh tra đảm bảo sự công minh, công bằng, khách quan, không tiêu cực”, đại biểu Phạm Văn Hoà bày tỏ.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, giai đoạn hiện nay vai trò của thanh tra trong đấu tranh phòng chống tham nhũng có ý nghĩa rất lớn. Trước khi xử lý các việc vi phạm pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra phải được đặc biệt quan tâm.
“Nếu thanh tra làm tốt, phát hiện ngay từ đầu những sai phạm để kịp thời chấn chỉnh thì sẽ hạn chế được những hậu quả lớn về sau. Với trọng trách được giao, công tác thanh tra phải thực thi hiệu quả và nỗ lực lớn hơn”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đặc biệt quan tâm đến vấn đề thanh tra, kiểm tra. Chất lượng các cuộc thanh tra cần thực chất, ai thanh tra, ai kiểm toán là vấn đề cần làm rõ. “Chúng ta cần nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, khi thanh tra phải công khai được kết luận”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Còn đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) quan tâm đến thu hồi tài sản tham nhũng. Thời gian qua, cử tri và nhân dân đã thấy được sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản sau các cái vụ tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cử tri và đại biểu Quốc hội mong muốn Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng phương thức, cách thức phù hợp nhằm tăng thu ngân sách Nhà nước và đảm bảo những vụ án, kết luận thanh tra thực sự là hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
05:05, 01/11/2022
03:30, 23/10/2022
03:02, 22/10/2022
17:27, 21/10/2022
10:00, 21/10/2022