Nghịch lý doanh nghiệp giảm giá lợn hơi nhưng giá thịt lợn vẫn chưa "hạ nhiệt"

Thy Hằng thực hiện 08/04/2020 15:46

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cần đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái đàn, cắt giảm khâu trung gian và hỗ trợ thuế cho nhập khẩu để "hạ nhiệt" thị trường thịt lợn.

15 doanh nghiệp lớn đã tiến hành giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4. Cùng với đó, tính đến ngày 7/4, thịt lợn nhập khẩu đã đạt hơn 43.553 tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao.

Trao đổi với DĐDN, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tin tưởng nguồn cung thịt lợn sẽ được đảm bảo vào cuối quý III, đầu quý IV/2020.

Trao đổi với DĐDN, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tin tưởng nguồn cung thịt lợn sẽ được đảm bảo vào cuối quý III, đầu quý IV/2020.

- Nguyên nhân vì sao trên thị trường, giá thịt lợn vẫn ở mức cao, thưa Bộ trưởng?

Chúng ta biết là do dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 dẫn đến tổng thiệt hại mất 20% về số lượng, khối lượng thiệt hại mất 9,3 % khối lượng. Từ thiệt hại đó phải khẳng định đây là một thiệt hại rất lớn, không chỉ cho người chăn nuôi mà còn gây ra trong thị trường, giá cả thịt lợn lên trong một thời gian.

Dịch bệnh gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đây là nguyên nhân thứ nhất khiến giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao. Trước tình hình đó Bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, trong đó đặc biệt là Bộ NN&PTNT kết hợp cùng địa phương tập trung vào giải pháp có tính gốc rễ đó là tái đàn. 

Cụ thể, từ tháng 10/2019, sau khi dịch đi vào ổn định, Bộ đã có chủ trương kết hợp cùng các địa phương tập trung cho tái đàn. Nhờ vậy, chúng ta đã có kết quả rất khả quan, đến hết quý I/2020 tổng đàn lợn so với tháng 12/2019 đã tăng 6,3 % về số đàn.

Tuy nhiên, mỗi quý chúng ta cần 910.000 tấn thịt lợn, vừa qua chúng ta mới chỉ đạt 820.000-830.000 tấn. Do đó, phải đến quý 4 chúng ta mới đạt được sản lượng đó. Đây là lý do thứ nhất khiến giá lợn cao thời gian qua. 

Nguyên nhân nữa là giá thành sản xuất cao, tất nhiên cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu.

Đặc biệt, nguyên nhân khác khiến giá lợn cao là do chúng ta có nhiều khâu trung gian. Ví dụ như vừa qua 15  doanh nghiệp thống nhất đồng hành với Chính phủ, từ 1/4/2020 đưa xuất chuồng 70.000 nhưng bản thân vì lượng lợn ở những doanh nghiệp chưa đủ dẫn đến chưa đủ sức chi phối thị trường. Trong khi đó, còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ. Do đó, người tiêu dùng chưa được hưởng giá thành giá xuống thấp như chúng ta mong muốn.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình ổn giá thị lợn: (Bài 1) Ai mua được thịt lợn với giá rẻ?

    11:00, 06/04/2020

  • Doanh nghiệp kiến nghị đưa thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá

    14:42, 30/03/2020

  • Người tiêu dùng phải “chống đỡ” COVID-19 và... giá thịt lợn

    03:30, 24/03/2020

  • 50.000 tấn thịt lợn nhập khẩu sẽ khiến giá lợn trong nước "hạ nhiệt"

    08:59, 22/03/2020

  • Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tăng trên 200%

    00:38, 17/03/2020

- Vậy giải pháp cho bài toán giảm giá giá lợn là gì, thưa Bộ trưởng?

Với tình hình này tới đây chúng ta phải tập trung nhiều giải pháp, trong đó, một giải pháp gốc rễ vấn đề là phải tập trung tái đàn, tăng đàn. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp cùng với Hiệp hội cùng với bà con nông dân hợp giữa các tỉnh để tăng đàn đảm bảo nhanh nhất nhưng phải an toàn.

Giải pháp thứ hai nữa là phải phối hợp giữa các ngành, Bộ Nông nghiệp, Công thương, các địa phương để làm sao giảm bớt khâu trung gian từ khâu sản xuất, đến khâu chế biến, đến tiêu dùng ngắn nhất thì chúng ta mới có thể giảm giá phù hợp.

Đến ngày 10/3, tổng đàn lợn trên cả nước đạt 24 triệu con, đạt 74% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch. Trong 3 tháng đầu năm nay, tốc độ tái đàn lợn trung bình trên phạm vi cả nước tăng 6,2%. Dự kiến đến quý 3, Việt Nam có thể cân đối được cung cầu thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Thứ ba, phải nhập khẩu. Tính đến ngày 7/4, thịt lợn nhập khẩu đã đạt hơn 43.553 tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhập khẩu từ Canada 24,62%, Đức 19,95%, Ba Lan 13,86%, Braxin 9,63%, Hoa Kỳ 8,08%, Tây Ban Nha 6,43%, LB Nga (1.665 tấn) 3,82%... 

Thời gian tới đây tiếp tục nhập khẩu sản phẩm thịt trong chừng mực ngắn hạn nhất định còn thiếu để đảm bảo cho thị trường. 

Thứ tư, chúng ta phải hướng dẫn tiêu dùng, lựa chọn rất nhiều sản phẩm như trứng, cá, người tiêu dùng cần san sẻ mua các loại thực phẩm khác để vừa lợi cho sức khỏe vừa có giá cả phù hợp với sức tiêu thụ, vừa không tạo áp lực về một mặt hàng là thịt lợn.

- Riêng về giải pháp có tính căn cơ là tái đàn, Bộ trưởng đánh giá tốc độ thực hiện của các doanh nghiệp trong liệu có đạt mục tiêu trong quý III, IV/2020?

Nếu thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, thì tin tưởng là chúng ta sẽ đủ thực phẩm cung ứng cho nhân dân và thứ đưa giá về mức phù hợp với các đối tượng, kể cả người chăn nuôi, người làm dịch vụ và người tiêu dùng. Đấy là những nhóm giải pháp cần triển khai đồng bộ, quyết liệt.

Tốc độ tái đàn quý I vừa qua đạt 6,3 % tổng thể chung, nhưng riêng khu vực 15 doanh nghiệp sản xuất rất lớn của chúng ta thì tốc độ lên tới 17 %. 

Một số doanh nghiệp quy mô lớn như Công ty CP Việt Nam có tổng đàn 310 nghìn lợn nái, có tốc độ tăng gấp 8 lần bình quân trung của cả nước; Công ty Dabaco có tổng đàn 46 nghìn lợn nái, tăng 16% so với tháng 12/2019; Công ty CJ có tổng đàn 85 nghìn lợn nái. 

Dự báo tới đây thì tốc độ tăng này sẽ rất nhanh, sẽ rất nhanh. Bởi vì chúng ta giữ được cái đàn lợn giống gốc với xấp xỉ 2,7 triệu lợn nái. 

Chúng ta cũng đã tổng kết được quy trình an toàn sinh học cho hai nhóm đối tượng chăn nuôi lớn có một quy trình an toàn sinh học. Chăn nuôi nhỏ chúng ta cũng rút ra được kinh nghiệm để hướng dẫn kỹ cho nông dân. Đây là những tiền đề rất tốt công với những yếu tố trong hệ sinh thái cho ngành chăn nuôi như sản xuất 20 triệu tấn cám, thú y, dịch vụ… 

Tin tưởng với kinh nghiệm rút ra vừa qua chúng ta sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh như dự báo là cuối quý III, đầu quý IV chúng ta có được số lượng cao nhất bằng thời kỳ trước khi bị dịch.

Doanh nghiệp kiến nghị giải pháp hỗ trợ cho "hạ nhiệt" giá thịt lợn

+ Bộ Tài chính xem xét, sớm đề xuất chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, trong đó chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ. 

+ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh DTLCP được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; có chính cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

+ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo: Tổ chức rà soát, kiểm soát giá bán lợn thịt và thịt lợn; đề nghị các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi lợn tại các địa phương cùng với 15 doanh nghiệp đồng loạt giảm giá xuống mức 70.000 đồng/kg lợn hơi; tiến tới giảm xuống 65.000 đ/kg đến 60.000 đ/kg lợn hơi và thấp hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

+ Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tăng cường việc nhân giống cung cấp đủ cho người chăn nuôi; đồng thời đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn; tiến tới giảm xuống 65.000 đ/kg đến 60.000 đ/kg lợn hơi và thấp hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghịch lý doanh nghiệp giảm giá lợn hơi nhưng giá thịt lợn vẫn chưa "hạ nhiệt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO