Những người làm tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh phải chịu trách nhiệm trước nghịch lý có điện nhưng không phát được lên lưới.
- Bà có suy nghĩ gì khi cả nước đang đứng trước nguy cơ thiếu điện, trong khi nhiều nhà máy điện tái tạo lại không thể phát hết công suất vì hạ tầng truyền tải điện không cho phép?
Tôi thật sự rất tiếc khi nghe thông tin này. Để xảy ra như vậy là do khiếm khuyết lớn ở các đơn vị liên quan, bao gồm cả Bộ Công Thương, Cục điều tiết điện lực cũng như EVN – họ là những người nắm và thường đưa ra các tổng sơ đồ phát triển điện của Việt Nam trong từng thời kỳ, thì họ phải tính toán được yêu cầu về phát điện, truyền tải điện đến đâu, phân công ai đầu tư khâu nào để đảm bảo nguồn điện mới được đầu tư thêm được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, rất tiếc là các cơ quan liên quan đã gần như bỏ quên khâu đầu tư vào truyền tải điện, nên đã xảy ra nghịch lý các nhà đầu tư đầu tư vào khâu phát điện thì lại không có khả năng bán điện do nơi mua điện không đủ khả năng tiếp nhận.
Có thể bạn quan tâm
- Vậy theo bà, việc này sẽ tác động như thế nào đến chủ trương kêu gọi đầu tư vào nguồn điện tái tạo của Chính phủ?
Thứ nhất, ở đây không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang đầu tư, để đến mức họ phải lên tiếng khuyến nghị với Chính phủ, mà vấn đề còn cả với người tiêu dùng đang trong tình trạng thiếu điện.
Thứ hai, đây sẽ là tiếng nói làm cho các nhà đầu tư mới về điện “ngần ngại”, bởi không có gì đảm bảo sau này họ sản xuất ra điện nhưng sẽ được mua hết.
Thứ ba, việc này trái với những điều Chính phủ đang ra sức khuyến khích và cam kết với các nhà đầu tư mới, đặc biệt với những nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo. Trước đây, đầu tư vào lĩnh vực này chúng ta thường hay lo đắt đỏ, nhưng khi các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư thì chúng ta lại có vẻ không sẵn sàng mua điện của họ. Đây là nghịch lý vô cùng to lớn.
Còn về chiều hướng phát triển năng lượng tái tạo, đã có rất nhiều tổ chức xã hội đã lên tiếng, Việt Nam nên tập trung vào năng lượng tái tạo, vì nguồn than ở Việt Nam ngày càng cạn kiệt và phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, là những vấn nạn về môi trường, sức khỏe cho người dân…do điện than gây ra.
Tất cả những chi phí lớn nhiều khi không được tính hết vào chi phí cho điện than lại làm cho cả xã hội phải gánh chịu. Nếu tính hết chi phí ngoại biên đó, thì chi phí điện than có khi không cạnh tranh nổi với năng lượng tái tạo.
- Trong kiến nghị gửi lên Bộ Công Thương mà Hiệp hội điện gió tỉnh Bình Thuận có nêu, vì cơ quan chức năng cấp phép ồ ạt các dự án điện mặt trời khiến tổng công suất vượt quy hoạch điện mặt trời trong tổng sơ đồ VII lên tới 7 lần, đã kéo theo điện lưới bị quá tải. Như vậy, ở đây có nguyên nhân một phần là do các nhà đầu tư chạy đua đóng điện trước ngày 30/6, đây là hạn cuối cùng để được nhận ưu đãi của chính phủ, thưa bà?
Tôi nghĩ rằng, có việc chạy đua như vậy cũng là do chính sách của chúng ta. Nếu không đưa ra một thời hạn mang tính chất bức bách như vậy thì họ sẽ không phải đổ xô vào làm cho bằng được để hưởng mức ưu đãi của nhà nước. Tất cả những việc này với những người làm chính sách phải chịu trách nhiệm, còn khi đề ra quy hoạch thì họ phải hình dung được quy hoạch như vậy sẽ phải đi đôi với đầu tư khác cần thiết như thế nào.
Ví dụ, muốn phát triển bao nhiêu năng lượng mặt trời, năng lượng gió ở khu vực miền Trung, thì sẽ cần năng lực về truyền tải như thế nào ở khu vực này. Phải đón đầu được trước để khi có điện thì đã có sẵn hệ thống truyền tải với các loại nguồn điện.
- Như vậy, theo quan điểm của bà, ở đây chúng ta đang bị thiệt đơn thiệt kép khi các nhà đầu tư đã tranh thủ cơ hội để đầu tư mạnh vào đây, và lẽ ra đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi và gia tăng tỉ trọng về phát triển điện năng lượng tái tạo, thì ở đây lại bị “dội gáo nước lạnh” trong việc phát triển điện năng lượng tái tạo?
Đúng như vậy. Mất đơn mất kép không chỉ ở phía nhà nước, mà trước hết là người tiêu dùng, kết cục mọi gánh nặng sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng.
- Có một số ý kiến cho rằng, hiện nay EVN vẫn đang độc quyền truyền tải điện. Và lẽ ra trong thời điểm này nên tập trung xây dựng truyền tải, còn việc xây dựng nhà máy điện nên để các nhà đầu tư nước ngoài hoặc tư nhân trong nước, như vậy vừa tận dụng được nguồn lực xã hội hóa, vừa tập trung cho nhiệm vụ chiến lược là đảm bảo có hệ thống hạ tầng truyền tải điện hiện đại, đồng bộ. Quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?
Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm đó. Bây giờ có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào khâu phát điện, tất nhiên EVN vẫn có thể đầu tư vào những chỗ còn thấy thiếu, nhưng không nhất thiết phải tập trung quá nhiều vào khâu đó. Trong khi khâu truyền tải điện và bán điện vẫn là độc quyền của EVN, cho nên EVN nên tối đa đầu tư vào khâu truyền tải điện và cải thiện khâu bán điện.
- Trở lại nghịch lý có điện nhưng không phát được lên lưới, theo bà ai sẽ phải chịu trách nhiệm về nghịch lý này?
Theo tôi, những người làm tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh phải chịu trách nhiệm. Vì khi làm tổng sơ đồ có nghĩa làm quy hoạch cho phát triển, và trong thời gian vừa qua họ đã điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện mới, thì chắc chắn họ sẽ biết có bao nhiêu nhà đầu tư đã và đang đầu tư vào khâu phát điện, truyền tải điện còn thiếu bao nhiêu.
Nếu họ nhận thấy tự ngành điện hoặc Bộ Công Thương chưa đủ sức đầu tư để đảm bảo hệ thống truyền tải điện để đáp ứng công suất điện mới được đưa ra, thì họ có thể đề nghị với nhà nước cho phép các nhà đầu tư khác tham gia vào đầu tư tư khâu truyền tải điện. Đồng thời cùng chia sẻ gánh nặng về truyền tải điện, miễn sao điện phát ra thì được mua vào, được truyền tải để bán cho người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
-Xin cảm ơn bà!