Đang từ vị thế của nước xuất khẩu than đá nhiều năm qua, nhưng hiện tại Việt Nam đang nhập khẩu trở lại “vàng đen” với lượng tăng chóng mặt.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kết thúc năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 14,5 triệu tấn than đá, tăng 9,8% so với năm 2016. Trị giá nhập khẩu đạt khoảng 1,52 tỷ USD, tăng 58,4% so với năm trước.
Than trong nước thừa vẫn nhập khẩu
Không những vậy, theo kế hoạch của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 chúng ta sẽ phải nhập khẩu than không những tăng dần mà còn tăng mạnh theo từng năm.
Vậy tại sao lại có nghịch lý này? Hãy xem lại, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu than từ năm 2013 và sản lượng than nhập khẩu tăng lên theo từng năm. Theo quy hoạch của Chính phủ thông qua vào đầu năm 2016, số lượng than nhập khẩu về Việt Nam trong năm này mà Bộ Công Thương và TKV đưa ra là khoảng 3 triệu tấn than dành cho các nhà máy nhiệt điện. Nhưng đến hết 2016, thực tế con số này đã tăng lên hơn 4 lần, tức là 13,3 triệu tấn.
Theo TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên trưởng Ban chiến lược Tập đoàn TKV, có những thời kỳ chúng ta xuất khẩu đến 50% sản lượng. Trong khi lại không biết được rằng sẽ có lúc như ngày hôm nay phải nhập. “Lẽ ra, nếu chính sách và chiến lược được làm một cách khoa học và bài bản thì phải nhận thấy đến lúc một lúc nào đó than sẽ hết và phải nhập về”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn là Việt Nam cũng đang tồn kho một lượng than lên đến hơn 9 triệu tấn. TKV vừa tồn kho than lớn vừa phải trở thành doanh nghiệp phải nhập khẩu than nhiều nhất. TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp cho biết, than khai thác trong nước nhưng lại không bán được do năng suất lao động và phương pháp khai thác vẫn theo kiểu làm cũ.
Chưa thoát khỏi tư duy bao cấp
Bình luận về câu chuyện này, ông Sơn cho rằng, vì chúng ta hạch toán mập mờ nên tưởng xuất khẩu than có lãi nhưng thực chất là lỗ. Giá xuất khẩu than của Việt Nam rất thấp, nếu vào cùng một thị trường như Nhật Bản mà phải so sánh với Australia thì thấp hơn 30%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sai lầm của TKV là từ trước đến nay luôn sản xuất ra loại than mình có chứ không phải sản xuất ra loại than thị trường cần. Và chưa bao giờ TKV gặp khó khăn, thách thức như thời điểm hiện tại, khi phải cạnh tranh với giá than nhập khẩu rẻ lơn rất nhiều lần.
Ông Phạm Quang Tú, trưởng nhóm chương trình hỗ trợ liên minh vận động chính sách (tổ chức Oxfam) đánh giá, tư duy quản lý và sử dụng tài nguyên của chúng ta đang có vấn đề, bên cạnh đó công tác lập kế hoạch, chiến lược trong sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên thường theo cách thức “ăn xổi”. “Nghịch lý này được cho là có hệ quả từ việc chỉ tập trung khai thác những mỏ lộ thiên trong nhiều năm qua, không đầu tư phát triển công nghệ nên kỹ thuật không thể đáp ứng khi cần khai thác những mỏ sâu và có chất lượng tốt”, ông Tú chia sẻ.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, không còn cách nào khác, ngành than-khoáng sản phải đẩy mạnh hơn nữa việc tái cấu trúc toàn diện, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác, sản xuất và chế biến để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành than trong nước, từ đó tăng năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển những lĩnh vực cốt lõi.