Nghịch lý về tín ngưỡng

PHẠM TUẤN 02/02/2024 03:30

Dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo mà giờ lại diễn ra ở chùa, cơ sở thờ tự của Phật giáo.

>>Mê tín online: Đừng “mất tiền… rước họa”

Mỗi năm dịp Tết đến, Xuân về, người người, nhà nhà nô nức, xúng xính quần áo đi lễ chùa cầu an, đó là nét đẹp trong văn hoá truyền thống của người Việt Nam.

Có điều đến chùa mà tâm chưa tịnh, bước qua cổng tam quan mà còn nặng sân si thì có lễ bái đến đâu cũng không thanh thản trong lòng được. Chưa kể việc tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo là quyền của cá nhân, nhưng việc đến chùa mà chỉ nhăm nhăm làm lễ dâng sao giải hạn hay trả nợ “oan gia trái chủ” thì thành mê tín dị đoan, mất hết cả ý nghĩa tốt đẹp.

Thế mà việc này cứ thành phong trào, rồi thành trào lưu gây mất thời gian, lãng phí thời gian, nguồn lực của nhân dân, tới mức Thủ tướng Chính phủ phải ra công điện ngày 30/01/2024 yêu cầu các địa phương chấn chỉnh các hoạt động tín ngưỡng, biến tướng méo mó có tính trục lợi.

Hàng ngàn người dân Thủ đô đã đổ về Tổ đình Phúc Khánh (hay còn gọi là chùa Phúc Khánh) trên đường Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) dự lễ dâng sao giải hạn đầu năm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hàng ngàn người dân Thủ đô đổ về Tổ đình Phúc Khánh (hay còn gọi là chùa Phúc Khánh) trên đường Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) dự lễ dâng sao giải hạn đầu năm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo mà giờ lại diễn ra ở chùa, cơ sở thờ tự của Phật giáo. Theo Lão giáo, con người chịu ảnh hưởng của các vị thần tương ứng với ngôi sao trên trời, quỹ đạo di chuyển của vì sao tương ứng với số mệnh, vận mệnh của con người, nên có thể mang lại may mắn hay điềm xấu, việc xấu trong năm âm lịch. Người ta “dâng sao giải hạn” là lập lễ cầu nguyện để tránh hoặc giảm thiểu ảnh hưởng xấu từ ngôi sao chiếu mệnh bản thân trong năm.

Lễ làm giải hạn cần đèn, nến, trái cây, hương nhang, vàng mã…, có bài văn khấn nhằm gửi niềm tin mơ hồ mang nặng yếu tố tâm linh vào vũ trụ. Một năm trên thế giới có biết bao nhiêu người cùng chung cung sao số, nếu ai cũng cúng cũng xin giải để ngôi sao di chuyển chệch quỹ đạo theo hướng có lợi thì dải thiên hà sẽ thành “nồi lẩu thập cẩm”, sao với trăng đâm va vào nhau đến hỗn độn.

Vài ngọn nến, đĩa hoa quả, vài lời khấn mà thay đổi được quỹ đạo của ngôi sao thì có lẽ chả ai cần phải làm gì, chỉ cần ngồi khấn xin tiền rơi vào đầu là đủ sống. Tâm lý lệ thuộc đi lên bằng chân người khác, dựa hơi, núp bóng người có quyền, có thế lực ăn sâu trong tâm trí nhiều người thay vì cố gắng nỗ lực bằng trí tuệ, sức lực bản thân.

Khoa học ngày càng hiện đại, giải mã được rất nhiều bí mật khoa học. Thế nhưng, vẫn có nhiều người đặt niềm tin vào sự siêu nhiên, huyền bí đến mức mê muội. Ngay hàng xóm của tôi, chị có đứa con gái mắc bệnh về tâm lý, nhưng không chịu chữa trị mà chỉ sang chùa Ba Vàng làm giải nghiệp oan gia trái chủ. Theo lễ, theo hầu tốn kém rất nhiều mà bệnh tình con gái vẫn không hề thuyên giảm, cháu vẫn la hét, đập phá mỗi khi lên cơn. Chị phải thuê nhà cho cháu ở riêng chỗ biệt lập để tránh ảnh hưởng đến hàng xóm, thuê thầy về cúng lễ tại nhà, đi khắp các chùa đến 4, 5 năm rồi mà kết quả cháu bệnh càng nặng hơn. Mà càng khuyên can thì chị càng phản bác, chỉ bảo do chưa giải hết nghiệp, do oan gia trái chủ còn nặng quá.

Tôi không hiểu vì sao ở chùa lại có người dùng liệu pháp tâm lý gây lên nỗi khiếp sợ về tội lỗi ở kiếp trước để người ta phải theo lễ, khoá, tốn kém tiền bạc, thời gian như thế. Kiến thức bổ ích thường khô khan, đơn điệu, còn những điều huyền hoặc lại được bao bọc bởi những từ ngữ mỹ miều khiến người ta u mê không thể tỉnh ngộ.

Nếu dâng lễ mà giải được hạn thì bao doanh nghiệp sẽ cứ làm ăn lừa dối, quan lại cứ tham nhũng rồi làm lễ giải hạn, thì chả bao giờ có chuyện việc lừa dối bị phanh phui, tham ô bị bắt vào tù, họ có nhiều tiền có thể làm lễ to như ý muốn mà có giải nổi hạn đâu.

Nếu dâng sao giải được hạn thì “làng quan họ ở Bắc Ninh” - cả họ kéo nhau làm quan ấy thừa sức làm khoá lễ với đồ lễ tầng tầng, lớp lớp với hàng chục thầy cúng cao tay để tránh bị bắt vào lò, vào tù.

Nghi lễ dâng sao giải hạn là sự kết hợp tư tưởng của Lão giáo trong tam giáo đồng nguyên: Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Ở Việt Nam có nhiều dòng tôn giáo, tín ngưỡng du nhập và lan toả. Tục thờ thánh mẫu có thể mới là tín ngưỡng thuần Việt. Sự pha trộn, giao thoa giữa nhiều dòng tôn giáo, tư tưởng làm cho người dân dễ dàng và sẵn lòng tin theo khi lên chùa khi chỉ cần có người nói sao năm nay xấu với đủ câu vần vì ví von:

“Gặp sao Vân Hán hỡi ai
Tháng năm, tháng tám, tháng hai bực mình”.

Chỉ thế thôi. Ở nhà thì cãi mẹ, mắng con, nẹt chồng, nhưng đến chùa thì răm rắp nghe lời, xì xụp khấn vái, chi tiền làm lễ giải hạn.

Nguyện vọng cầu xin bình an, mạnh khoẻ, may mắn là điều hoàn toàn chính đáng, nhưng đúng như câu ca:

“Thứ nhất tu tại gia
Thứ nhì tu chợ
Thứ ba tu chùa”.

Nếu hiếu kính cha mẹ, ông bà, thương yêu con cái, họ hàng, không làm điều ác, điều xấu ngoài xã hội thì khi đến chùa tâm sẽ thanh thản. Chẳng cần phải giải hạn ở đâu mà chỉ cần giải đi giới hạn của sự mê muội trong chính lòng mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Hát Then - Nét đẹp tín ngưỡng cần được bảo tồn

    10:00, 21/11/2022

  • Mê tín online: Đừng “mất tiền… rước họa”

    03:10, 10/02/2023

  • Mê tín dị đoan và những "Chiếc áo tà đạo"

    08:43, 27/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghịch lý về tín ngưỡng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO