Nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng COVID – 19, Việt Nam có thể tìm ra lời giải?

Diendandoanhnghiep.vn Chiều 4/5/2020, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học, bác sĩ, các doanh nghiệp thảo luận để tìm “lời giải” cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng chống dịch Covid – 19.

Cuộc họp  nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các Bộ, ngành tổ chức, doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng COVID-19.

Buổi thảo luận tại bộ KH &CN bàn về việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng chống SARS - CoV - 2

Buổi thảo luận tại bộ KH &CN bàn về việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng chống SARS - CoV - 2

Tham dự cuộc họp có các nhà sản xuất vắc xin và thuốc sinh học ở Việt Nam như Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac), Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen và các chuyên gia, các viện nghiên cứu, trường đại học v.v.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu vắc xin ra thế giới

Từ kinh nghiệm sản xuất thành công vắc xin phòng sởi - rubella, cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B… cũng như nuôi cấy và phân lập thành công vi rút SARS-CoV-2, Việt Nam đang tìm “lời giải” và “chạy đua” nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng COVID-19.

Đặc biệt, năm 2015 là năm đáng ghi nhớ của ngành sản xuất vắc xin của Việt Nam, khi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA). Việc đạt được NRA đã mở ra cánh cửa xuất khẩu vắc xin của Việt Nam ra thế giới, góp phần cung cấp vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho khu vực và toàn cầu.

Hiện tại, Việt Nam tự hào có thể sản xuất được 13 loại vắc xin, trong đó nhiều loại được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Cụ thể, năm 2016, Việt Nam đã tự sản xuất được vắc xin phối hợp phòng sởi - rubella (MR) chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản.

Đến năm 2018, đánh dấu thành tựu lớn tiếp theo của ngành Y tế Việt Nam - sản xuất thành công vắc xin cúm mùa 3 trong 1, gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắc xin cúm tiền đại dịch A/H5N1. Đây là loại vắc xin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng, chống dịch bệnh, giảm chi phí. Việt Nam là một trong 14 quốc gia được WHO đặt hàng cơ sở sản xuất vắc xin cúm (chủng vi rút H1N1, H3N2 và B) phục vụ phòng, chống đại dịch trên thế giới.

Nước ta hiện có 4 nhà máy sản xuất vắc xin với trang thiết bị và công nghệ hiện đại. Các nhà máy này của Việt Nam đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ sức sản xuất ra các loại vắc xin hiện đại với giá thành chỉ bằng 1/3 so với các loại vắc xin ngoại cùng chủng loại. Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2030, Việt Nam sẽ sản xuất được 14 loại vắc xin để sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và phục vụ xuất khẩu.

Sản xuất vắc xin tại Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1

Sản xuất vắc xin tại Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1

Theo Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), để tạo ra được một loại vắc xin mới cần phải trải qua rất nhiều giai đoạn, nhằm bảo đảm tính an toàn cũng như hiệu quả hoạt động của vắc xin. Đây là quá trình tốn kém và nhiều rủi ro, bởi không phải khi nào các dự án nghiên cứu cũng thành công.

Ngoài ra, việc nghiên cứu, chế tạo và sản xuất cũng gặp nhiều rủi ro khác, như khi đi vào sản xuất thương mại, thì dịch bệnh đã qua hoặc vắc xin bị rút phép, ngừng lưu hành vì tác dụng phụ…

Xây dựng 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch COVID-19

Trong số rất nhiều chủng vi rút corona có khả năng lây nhiễm ở người, hiện mới chỉ có 3 chủng được đặt tên riêng vì dịch bệnh và hậu quả quy mô lớn mà chúng gây ra. Đó là SARS-CoV gây ra dịch năm 2003, MERS-CoV gây ra dịch năm 2012 và lần này là SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 năm 2020.

Thế nhưng, cả 2 đại dịch lần trước thế giới đều chưa có vắc xin nào được thương mại hóa. Bởi vậy, lần này nếu sản xuất thương mại được vắc xin phòng dịch COVID-19 sẽ là một bước tiến đặc biệt ấn tượng.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, một trong những nhiệm vụ mà Viện được Bộ Y tế giao là nghiên cứu sâu hơn về độc lực của vi rút SARS-CoV-2. Việc tạo ra vắc xin phòng bệnh, nhất là với chủng vi rút mới, còn nhiều điều chưa rõ là một bài toán rất khó và không thể thực hiện trong thời gian sớm. Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, phải mất từ 6 đến 12 tháng mới có những kết quả ban đầu về hướng nghiên cứu kháng thể để sản xuất vắc xin.

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 cho biết, trong điều kiện thuận lợi nhất, Việt Nam cần ít nhất một năm mới có vắc xin phòng Covid-19. Hiện tại, Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 đang thực hiện dự án nghiên cứu “Phát triển vắc xin chống lại chủng mới của vi rút corona (COVID-19) trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm”.

Đây là một trong 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch COVID-19 do Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF) và Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (VINBDI) tài trợ (2 dự án còn lại là: Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và vi rút học; Viện Đào tạo y học dự phòng và Y tế công cộng phát triển hệ thống cảnh báo sớm quốc gia về dịch COVID-19). Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 dự kiến sẽ sản xuất thử nghiệm bước đầu 1.000 liều vắc xin phòng COVID-19 theo quy trình công nghệ sản xuất ở quy mô phòng thí nghiệm.

Các nhà khoa học, doanh nghiệp đều khẳng định vắc xin phòng COVID-19 là một vắc xin mới, rất khó, đặc biệt vấn đề đáp ứng miễn dịch của COVID-19 còn nhiều điểm chưa sáng tỏ. Đến nay, trên Thế giới có khoảng 100 đơn vị nghiên cứu vắc xin COVID-19 với nhiều công nghệ khác nhau, trong đó 8 vắc xin đã và đang thử nghiệm lâm sàng trên người. Việc nghiên cứu sản xuất 1 loại vắc xin phải tuân thủ theo quy trình rất nghiêm ngặt, đòi hỏi chi phí rất tốn kém và thời gian kéo dài.

Các chuyên gia cũng cho biết, trong trường hợp đại dịch, có thể tiến hành song song một số giai đoạn nhằm rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải đảm bảo tính an toàn cho người. Để nghiên cứu và sản xuất vắc xin nói chung, đặc biệt là vắc xin COVID-19 đòi hỏi có sự tham gia, phối hợp của nhiều tổ chức, đơn vị trong đó các doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất vắc xin phải được ưu tiên là cơ quan chủ trì.

Hy vọng với sự vào cuộc của Bộ KH & CN, Bộ Y tế, các nhà khoa học và các doanh nghiệp thì Việt Nam sẽ sớm nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin phòng COVID-19.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng COVID – 19, Việt Nam có thể tìm ra lời giải? tại chuyên mục Xe - Công nghệ của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713498437 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713498437 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10