Với lợi thế trang trại lớn nhất miền bắc, sữa Mộc Châu có thể mang lại lợi nhuận đáng kể cho Vinamilk nếu thương vụ này thành công.
GTNFoods có gì…
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc chào mua công khai cổ phần của Công ty Cổ phần GTNFoods (mã GTN).
Theo đó, Vinamilk chào mua tối đa 46,68% cổ phần GTN, tương ứng 116,71 triệu cổ phần đang lưu hành của công ty với giá 13.000 đồng/cổ phiếu. Với định giá này, lô cổ phiếu Vinamilk dự định mua có giá trị lên tới trên 1.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức giá Vinamilk đưa ra thấp hơn giá thị trường của GTN. Trước khi diễn ra thương vụ này, GTN đã có một chuỗi những phiên tăng trần ấn tượng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/3, thị giá GTN đạt 16.000 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 60% so với đầu năm.
Tên tuổi của GTN trong ngành nông nghiệp, hàng tiêu dùng không còn xa lạ. Công ty đã mua và nắm được quyền kiểm soát nhiều doanh nghiệp tiềm năng: nắm giữ gần 75% cổ phần Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico); trong đó, tỷ lệ sở hữu của Vilico tại Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu là 51%. Ngoài ra, GTN còn nắm giữ 95% cổ phần Tổng Công ty chè Việt Nam; 35% cổ phần LadoFoods (thương hiệu Vang Đà Lạt)…
Sau một thời gian dài tiến hành mua bán và sáp nhập M&A, tổng tài sản của GTN tính đến cuối năm 2018 đạt 4.733 tỷ đồng, tăng hơn 3.900 tỷ đồng so với đầu năm 2014. Nguồn vốn chủ sở hữu cũng tăng mạnh 3.059 tỷ đồng so với đầu kỳ, lên mức 3.767 tỷ đồng.
Năm 2018, GTNFoods đạt doanh thu năm 2018 khoảng 3.008 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 104 tỷ đồng giảm đáng kể so với con số 152 tỷ đồng của 2017 do công ty ghi nhận lỗ 11,4 tỷ đồng trong quý IV.
Tại thời điểm 31/12/2018, các cổ đông lớn của GTNFoods bao gồm CTCP Invest Tây Đại Dương với tỉ lệ sở hữu 28,02%, công ty quản lý quỹ TAEL Two Partners 22% và quỹ PENM IV 6%.
Trong những năm gần đây, Sữa Mộc Châu đóng góp phần lớn doanh thu, lợi nhuận của GTNFoods. Năm 2018, doanh thu mảng sữa chiếm tới 80% tỷ trọng doanh thu của GTNFoods, cũng chính là mảng đem về lợi nhuận chủ yếu cho công ty này.
Sau khi về tay GTNFood, sữa Mộc Châu đã tái cơ cấu các hoạt động bán hàng và marketing để tăng thị phần. Hiện tại, công ty có 76 nhà phân phối và 70.000 điểm bán hàng tại 45 tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung.
Trong giai đoạn 2018-2020, sữa Mộc Châu đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 15-20% một năm, nâng quy mô đàn bò sữa lên 100.000 con. Theo báo cáo thường niên 2017 GTNFoods, Sữa Mộc Châu sở hữu ba trại chăn nuôi tập trung với quy mô hơn 3.000 con bò, số lượng bò khoán tại các hộ dân là gần 20.000 con, 1.000 ha đất nông nghiệp tập trung với sản lượng khoảng 100.000 tấn sữa tươi/năm.
…và dự tính của Vinamilk
Nếu thương vụ này thành công, Vinamilk có thể sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu với trang trại bò sữa lớn nhất niềm bắc.
Vinamilk hiện đang là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam với thị phần sữa nước năm 2018 vào khoảng 55%. Ngoài ra, Vinamilk còn nắm giữ hơn 80% thị phần sữa chua, hơn 80% thị phần sữa đặc, hơn 30% thị phần trong ngành hàng sữa bột. Trong năm 2018, doanh thu Vinamilk đạt hơn 52.562 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 10.227 tỉ đồng.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc VNM từng cho biết VNM hiện đặt mục tiêu mỗi năm tăng 1% thị phần và tới năm 2021, thị phần của VNM sẽ đạt trên 60% thị phần. Nếu thương vụ này thành công, Vinamilk sẽ nhanh chóng có thêm gần 10% thị phần trong ngành sữa.
2 tháng đầu năm 2019, doanh thu của công ty đã tăng trưởng với tốc độ 2 chữ số so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty này dự kiến giai đoạn 2019 - 2021, tăng trưởng doanh thu tự thân (không kể M&A) chỉ ở mức 5%/năm. Đến 2021, hoạt động M&A sẽ tiếp tục và thu về thêm 6.000 tỷ đồng doanh thu. Như vậy, tổng doanh thu vào năm 2021 sẽ đạt 70.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với 53.000 tỷ đồng năm 2018.
Mặc dù Vinamilk vẫn dẫn đầu phân khúc ngành sữa nước với thị phần 55% nhưng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt thì việc mua bán sáp nhập với doanh nghiệp cùng ngành có thể tạo một vị thế vững chắc hơn trong tương lai.
Ngoài ra, Vinamilk đang có kế hoạch mở rộng trang trại. Hiện tại, các trang trại của công ty sữa lớn nhất Việt Nam đóng góp 12-15% tổng nguồn cung sữa. Trong vòng 5 năm tới, Vinamilk muốn nâng con số này lên 20%.
Với lợi thế trang trại lớn nhất miền bắc, Sữa Mộc Châu sở hữu hơn 3.000 con bò với sản lượng khoảng 100.000 tấn sữa tươi/năm có thể mang lại lợi nhuận đáng kể cho Vinamilk nếu thương vụ này thành công.
Ở một góc nhìn khác, Sữa Mộc Châu cũng cho biết, công ty cũng chuẩn bị tiến quân sang thị trường phía Nam, thị trường sữa có quy mô lớn hơn nhiều so với miền Bắc. Để thực hiện kế hoạch, công ty cũng đang tích cực mở rộng đàn bò, từ hơn 23.000 con hiện tại lên 32.000 – 35.000 con trong 2 năm tới, theo đó tăng sản xuất sữa lên tới 125.000 tấn/năm, tương đương tăng 160% sản lượng so với hiện tại.