Ngay từ những ngày đầu năm 2018, ghi nhận của phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều tài xế cũng như chủ trông giữ xe ở phố trung tâm Hà Nội cho biết họ chỉ đỗ xe theo tiếng đã phải trả một số tiền không nhỏ, khi chưa tính đến việc các chủ xe phải gửi theo tháng.
"Rất bất tiện"
Từ 1/1, theo quy định của UBND TP Hà Nội, các mức phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô theo lượt, theo tháng đều tăng lên. Theo ghi nhận, các điểm trông giữ xe tại một số tuyến phố chính của khu vực trung tâm đã tăng hàng loạt mức phí sử dụng diện tích và phí trông giữ phương tiện giao thông trên địa bàn, đối với mức phí trông giữ phương tiện, các chủ bãi trông giữ xe máytại những con phố chính như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... tăng 3.000 đến 5.000 đồng/xe/lượt, ôtô tăng 30.000 đến 50.000 đồng/xe/lượt. Giá trông ôtô dưới 9 chỗ là 60.000 đồng/lượt/hai giờ. Các tuyến phố còn lại của quận Hoàn Kiếm có giá 50.000 đồng một lượt 2 giờ; 2 triệu đồng/tháng ban ngày; 3 triệu đồng/tháng ban đêm.
Là chủ một bãi trông giữ xe trong khu vực nội đô, anh Trường, chủ bãi trông giữ xe tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng chia sẻ, mặc dù nằm ở địa bàn khá xa trung tâm, nhưng anh đã được thông báo về chủ trương của thành phố.
"Mặc dù không phải là tuyến phố chính nhưng tôi nhận thấy các doanh nghiệp trông giữ xe đều thực hiện đúng theo quy định của thành phố. Bản thân địa điểm chúng tôi đã tăng lên 5000/xe/lượt gửi với xe máy và 30.000/lượt với xe ô tô. Tuy nhiên, khi tăng phí trông xe, nhiều người dân vẫn có bức xúc vì cho rằng chúng tôi tự tăng giá và thái độ không đồng tình vì giá quá đắt" - anh Trường nói.
Cũng theo anh Trường, với những doanh nghiệp làm chủ bãi nhỏ, việc tăng phí sử dụng đất làm bãi giữ xe khiến doanh nghiệp như anh sẽ chịu sức cạnh tranh với các doanh nghiệp đang thu phí trông giữ tại khu vực khu chung cư như TimesCity. Anh cho biết, trước đây, người dân thường gửi xe tại các bãi nhỏ bên cạnh TimesCity để tiện đi vào trung tâm thương mại thì bây giờ, với mức giá trông xe mới, người gửi sẽ chọn gửi xe xuống hầm chung cư do giá vé gửi vẫn giữ mức 2.000 đồng/lượt gửi với xe máy.
Còn với người dân sử dụng, trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, anh Nguyễn Văn Thắng (cư trú tại phường Đội Cấn, Ba Đình) cho biết, từ ngày giá trông xe trên khu vực quận Hoàn Kiếm tăng mạnh, anh đã cân nhắc về việc gửi đỗ xe và dần bớt công việc phải giải quyết trên đó vài ngày.
"Tôi cho rằng, việc tăng giá trông giữ xe của thành phố ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng ô tô làm phương tiện di chuyển chính. Hiện nay, mức tăng là quá đắt. Khi gửi xe trên ba tiếng, số tiền đã lên tới hơn 100.000 đồng cho một lượt gửi. Chưa kể các bãi đỗ xe cũng xa với địa điểm cần đến. Thật sự rất bất tiện" - anh Thắng nói.
Anh Thắng cũng trao đổi thêm, có rất nhiều người sử dụng ô tô như anh sẽ chuyển sang phương án đi xe máy hoặc Uber và Grab. Tuy nhiên, anh cũng cho biết thêm, đây chỉ là những giải pháp tức thời để đi những quãng đường ngắn hoặc di chuyển trong nội đô. Khi thời tiết khắc nghiệt hoặc cần di chuyển đường dài, ô tô cá nhân vẫn là lựa chọn của nhiều người.
Như vậy, có thể thấy rằng, sau gần 1 tuần các điểm trông giữ xe tăng giá theo quy định của thành phố, nhiều điểm trông giữ xe đã ghi nhận sự vắng vẻ, gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số chủ bãi trông giữ xe cho rằng, đây cũng là cơ hội cho các bãi trông xe "chui" có điều kiện phát triển khi họ tận dụng đất tư nhân để nhận trông giữ xe tự phát.
Cơ hội tăng Grab, Uber?
Có thể thấy, việc tiến hành tăng giá thu phí sử dụng đất, phí trông giữ phương tiện cá nhân gây tác động không nhỏ đến người dân, cụ thể là các chủ phương tiện ô tô. Là một người mới tham gia lái xe Grab, anh Đỗ Hồng Tâm, trú tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng cho biết, gần đây, nhu cầu đi Grab đang có chiều hướng gia tăng.
"Một số khách hàng đã chia sẻ với chúng tôi là do phí thu giữ xe ô tô tăng nên họ hạn chế dùng phương tiện cá nhân để chuyển sang đi Grab hoặc Uber khi có công việc lên các tuyến phố chính. Nếu có mã giảm giá, số tiền phải chi trả cho việc di chuyển bằng Grab rẻ hơn rất nhiều so với mức giữ xe là 50.000 đồng/lượt gửi/tiếng" - anh Tâm cho biết.
Mặc dù nhu cầu sử dụng Grab, Uber tăng, nhưng khi được hỏi người dân có chuyển sang đi các phương tiện công cộng như xe buýt hay không, anh Tâm đã lắc đầu. Anh cho rằng, các phương tiện công cộng của Hà Nội hiện nay chưa phát triển, mới chỉ có xe buýt hoạt động. Bên cạnh đó, với các gia đình có con nhỏ, việc đưa con đi học xong đi làm nếu di chuyển bằng xe buýt sẽ rất bất tiện.
Trao đổi với chuyên gia Nguyễn Hữu Đức, ông cho rằng, việc tăng giá là một trong những giải pháp nhằm giải quyết bài toán giao thông của nội đô, tuy nhiên cách giải này vẫn chưa phải một cách giải tốt.
"Nhìn nhận khách quan, việc tăng giá sử dụng vỉa hè lòng đường với Hà Nội giúp hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân. Người dân có nhu cầu xe sau 1/1/2018 sẽ cân nhắc về việc mua xe ô tô. Mặc dù vậy, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời. Lượng xe máy lưu thông trong nội đô vẫn gia tăng đều theo từng tháng. Do đó, chính quyền thành phố nên tính đến phương án hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các điểm đỗ xe thông minh. Đồng thời phát triển hệ thống phương tiện công cộng, đặc biệt là nhanh chóng đưa vào sử dụng tuyến đường sắt trên cao để người dân có sự đa dạng lựa chọn" - ông Đức nói.