Để lấy ý kiến đóng góp của người dân Hà Nội về dự án ga tàu điện ngầm gần Hồ Gươm, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã trưng bày công khai mô hình mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.
Theo ghi nhận, ngay khi khu trưng bày được mở cửa, người dân Thủ đô đã tới tìm hiểu về dự án và đóng góp ý kiến rất tích cực và tâm huyết. Cùng với việc xây dựng tuyến metro qua khu vực Hồ Gươm, cảnh quan tại không gian này cũng sẽ được cải tạo để trở thành điểm nhấn văn hóa - du lịch đặc biệt của Hà Nội.
Theo ghi nhận của phóng viên, đây là sự kiện thu hút sự chú ý không chỉ của người dân sống xung quanh khu vực Hồ Gươm, mà còn là của toàn Thủ đô. Bởi nhẽ, Hồ Gươm là khu vực không gian linh thiêng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong trái tim người dân Hà Nội. Đây cũng là một không gian văn hóa chung của cộng đồng. Đặc biệt, phối cảnh cửa sổ 3 có vị trí sát Hồ Gươm nhất, khi thi công sẽ kết hợp với việc cải tạo nhà vệ sinh công cộng hiện đang ở đây, nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc này sẽ phá vỡ cảnh quan của khu vườn hoa ngay sát hồ.
Trao đổi với DĐDN, ông Trần Văn Trường, sống tại phố Hàng Chuối, Hà Nội chia sẻ, là một người sống lâu năm tại khu phố cổ và đã chứng kiến nhiều thay đổi của Hồ Gươm, ông cho rằng, cần cân nhắc khi xây dựng tuyến ga tàu điện ngầm tại nơi đây.
Đồng tình với ông Trường, chị Nguyễn Trà Hương, sống tại quận Hai Bà Trưng cho rằng, khi Hồ Gươm trở thành khu phố đi bộ vào dịp cuối tuần đã giúp cho người dân có một không gian sinh hoạt rộng rãi, thoáng mát. Qua tìm hiểu trên báo chị, chị Hương được biết, việc xây dựng tàu điện ngầm sẽ làm giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm, tuy nhiên khi bố trí cửa lên xuống tại vườn hoa sát hồ, chị cho rằng đây là phương án chưa hợp lý.
"Có điểm đáng ghi nhận của dự án này là sẽ góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, việc xây dựng tàu điện ngầm tại khu vực này sẽ ảnh hưởng đến người dân sống trong khu vực có tuyến tàu chạy qua do các căn nhà tại nơi đây là nhà cổ, được xây dựng lâu năm. Do vậy, thành phố cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn nữa, cần dựa trên hiện trạng mặt bằng và kiến trúc nơi đây để có phương án khả thi hơn", chị Hương nói.
Tại buổi ghi nhận ý kiến, ông Hồ Thanh Sơn, Phụ trách phòng thực hiện dự án 2, ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu kỹ phương án do một số chuyên gia cho rằng nên đẩy xa ga ngầm ra khỏi khu vực hồ.
"Dự án đã được xem xét kỹ các yếu tố như môi trường, xã hội ảnh hưởng đến di tích. Chúng tôi lựa chọn địa điểm ga C9 dựa trên nhiều khía cạnh về lợi ích như kinh tế, văn hóa, chúng tôi đã báo cáo và đề xuất phương án chọn đặt ga C9 ở khu vực hồ Hoàn kiếm. Mặc dù cũng có ý kiến phản đối, tuy nhiên cơ bản người dân đều đồng tình và mong muốn dự án nhanh chóng được thực hiện", ông Sơn nói.
Có thế thấy, vấn đề quy hoạch hạ tầng của Hà Nội, đặc biệt là những nơi có vi trí quan trọng như khu Hồ Gươm luôn thu hút sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp và cả giới chuyên môn. Mặc dù chỉ là những ghi nhận bước đầu, tuy nhiên, có thể thấy, người dân Thủ đô đều mong muốn việc xây dựng ga tàu điện ngầm sẽ hạn chế tác động đến không gian hồ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và khu phố cổ có tuyến đường sắt ngầm chạy qua.
Theo phương án đã phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km (đoạn trên cao khoảng 2,6km, đoạn ngầm gần 9 km). Tuyến đường sắt đô thị số 2 có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long (CIPUTRA), lộ trình theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên đường Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du). Khu Depot rộng 17,5 ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Toàn tuyến có 10 nhà ga, gồm 3 ga trên cao và 7 ga ngầm. Trong đó quan trọng nhất là ga ngầm tại hồ Hoàn Kiếm. Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh gần 35.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. |