Các ý kiến phản ánh đúng thực tiễn đời sống, những bất cập trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật khiến đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động còn băn khoăn, bức xúc.
>>Người lao động quan tâm đến rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận tại Diễn đàn người lao động năm 2023: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”, ngày 28/7.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, sau một buổi chiều làm việc với tinh thần dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Diễn đàn Người lao động năm 2023 do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức đã được lắng nghe được rất nhiều ý kiến cử tri đoàn viên, người lao động phát biểu trực tiếp và báo cáo tổng hợp ý kiến chung của người lao động cả nước do Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày.
“Các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trí tuệ, phản ánh sinh động những bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, phát luật cũng như các đề xuất, kiến nghị rất sâu sắc, cụ thể góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Để diễn đàn tập hợp được đông đảo ý kiến đoàn viên, người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến người lao động cả nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Tôi vui mừng nhận thấy, đoàn viên, người lao động cả nước hết sức quan tâm đến sự kiện, có gần 4.600 ý kiến gửi về Tổng LĐLĐ Việt Nam, đối với 45 vấn đề lớn.
“Các ý kiến của đoàn viên, người lao động đã phản ánh đúng thực tiễn tình hình đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, mối quan tâm của đoàn viên, người lao động cả nước và những bất cập trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật khiến đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động còn băn khoăn, bức xúc. Qua phản ánh cho thấy, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của công nhân, viên chức, lao động đã được cải thiện đáng kể, nhưng trên thực tế, một bộ phận đoàn viên, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ.
Về cơ bản, hệ thống pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn đã không ngừng được hoàn thiện, song vẫn còn không ít các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa sát thực tiễn. Việc thực thi pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm, còn vi phạm. Công tác giám sát của Quốc hội, các đoàn thể, nhân dân còn chưa thường xuyên, đầy đủ.
Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng ghi nhận ý kiến, góp ý của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Đây là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội làm tốt hơn nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và chiến lược xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, những năm gần đây trước yêu cầu đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng. Các cấp công đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cũng như giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn.
>>Người lao động quan tâm đến rút bảo hiểm xã hội 1 lần
>>Hải Dương: Doanh nghiệp duy trì việc làm để níu chân người lao động
Đã có nhiều phát hiện, đề xuất, kiến nghị, góp ý xây dựng chính sách, pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động được Công đoàn gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ, được tiếp thu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật chung.
“Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, người lao động phải đối diện với những khó khăn chưa từng có, tổ chức Công đoàn đã chủ động ban hành và triển khai các gói hỗ trợ đa dạng, quy mô lớn dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ.
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực kiến nghị chính sách và phối hợp với các ngành chức năng trong triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người lao động. Cùng với đó, động viên công nhân, viên chức, lao động thi đua lao động sản xuất, đồng hành với Chính phủ thực hiện “mục tiêu kép”, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội…
Gần đây nhất, trước tình hình nhiều đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm việc, mất việc làm do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, diễn ra từ cuối năm 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Nghị quyết về việc hỗ trợ đoàn viên, người lao động.
Diễn đàn hôm nay cũng là thời điểm các cấp công đoàn đang tổ chức đại hội, hướng tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, tại đại hội, những vấn đề lớn về đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động.
Đổi mới tổ chức, hoạt động Công đoàn sẽ được thảo luận sâu sắc, đề xuất được với Đảng, Nhà nước những giải pháp căn cơ, toàn diện để tổ chức Công đoàn thực sự vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.
Làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 20/07/2023
01:44, 20/07/2023
13:30, 19/07/2023
02:18, 10/07/2023