Người lính trên “trận tuyến” mới

NGUYỄN VIỆT thực hiện 27/07/2023 13:40

“Chất thép” là tinh thần cao cả trong mỗi cựu chiến binh, họ đã giữ được “chất thép” để vượt qua “mưa bom bão đạn”, thì cũng sẽ giữ được “chất thép” trong phát triển kinh tế.

>>"Báo đen" Đinh Văn Lời: Từ quân nhân đến doanh nhân

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nguyên chiến sĩ trinh sát công binh trung đoàn 279 Bộ Tư Lệnh 559 chia sẻ với DĐDN về những người lính cũ trên trận tuyến mới - trận tuyến kinh tế, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7.

- Cảm nhận của ông về những người lính trên “trận tuyến” mới-trận tuyến kinh tế?

Qua theo dõi tôi thấy báo chí có nhiều bài viết phản ánh các gương người tốt việc tốt ở các địa phương, trong đó có các tấm gương của những cựu chiến binh, thương binh làm kinh tế.

Có nhiều gương cựu chiến binh rất dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục làm kinh tế, vừa đảm bảo thu nhập cho cuộc sống, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người lao động.

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp do các cựu chiến binh làm chủ, họ đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, tiếp cận vốn, thuế, phí… Điều này gây ảnh hưởng đến chí tiến thủ của các cựu chiến binh làm kinh tế trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này.

Theo tôi, Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Hội cựu chiến binh phải cùng vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ các thành phần kinh tế khác, trong đó có doanh nghiệp cựu chiến binh. Doanh nghiệp cựu chiến binh rất cần được quan tâm, họ cũng không cần nhận quá nhiều ưu ái nhưng phải có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các cựu chiến binh, thương binh làm kinh tế.

Người lính trong thời bình nếu biết động viên kịp thời và có những chính sách đúng, tôi tin họ cũng không “thua kém” những người làm kinh tế bình thường. “Chất thép” là tinh thần cao cả trong mỗi cựu chiến binh, họ đã giữ được “chất thép” để vượt qua “mưa bom bão đạn”, thì cũng sẽ giữ được “chất thép” trong phát triển kinh tế.

- Phát triển kinh tế chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay và nhất là với các doanh nhân cựu chiến binh, thưa ông?

Ngoài sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước từ trung ương đến địa phương, các bộ, ngành, thì bản thân nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp cựu chiến binh phải giữ vai trò chủ đạo.

Tôi thấy rằng: Thứ nhất, vẫn còn điểm yếu của các doanh nghiệp Việt là thiếu tính liên kết. Do đó, vai trò của các Hội Cựu chiến binh tại mỗi địa phương là tăng cường sự hợp tác, liên kết cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm, kêu gọi vốn…

Thứ hai, trong kinh doanh phải gương mẫu, trung thực, trách nhiệm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá do các doanh nghiệp cựu chiến binh sản xuất ra, như sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, đặc sản nông nghiệp của các địa phương.

Thứ ba, tham gia cùng nhà nước và địa phương trong công tác quy hoạch sản xuất, tiêu thụ và hệ thống phân phối. Vì sản phẩm làm ra không theo quy hoạch, thiếu thông tin thị trường… thì rất dễ rơi vào vòng xoáy phải “giải cứu”.

Thứ tư, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, sản xuất sản phẩm theo phương thức tự động hoá…

Nâng cao vai trò của các doanh nghiệp cựu chiến binh lên một tầm cao mới, cùng cạnh tranh, cùng hợp tác bình đẳng, công khai, minh bạch để góp phần đưa kinh tế địa phương và cả nước đi lên.

 Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa tham quan hoạt động SXKD tại Nhà máy May xuất khẩu Sơn Hà - Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa. Ảnh: Phan Nga

Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa tham quan hoạt động SXKD tại Nhà máy May xuất khẩu Sơn Hà - Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa. Ảnh: Phan Nga

>>Rưng rưng tháng bảy tri ân ở Quảng Trị

- Theo ông, “kim chỉ nam” giúp cho các doanh nhân cựu chiến binh chiến thắng trên mặt trận kinh tế, vững vàng vượt khủng hoảng có phải bắt nguồn từ tinh thần người lính “thắng không kiêu, bại không nản”?

Đây là cốt cách, phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cựu chiến binh cũng phải làm việc bằng trí tuệ, sáng tạo, hợp tác, vì cộng đồng, kinh doanh trung thực, trách nhiệm, luôn suy nghĩ đổi mới, đầu tư công nghệ…

Vai trò lớn nhất của doanh nghiệp cựu chiến binh không phải là làm giàu cho bản thân, mà phải luôn hướng đến cộng đồng, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội, giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình cựu chiến binh khác và người dân địa phương.

Truyền thống này các doanh nghiệp cựu chiến binh phải khắc ghi và truyền lại cho thế hệ con cháu mai sau, tiếp bước các thế hệ cha ông xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu hơn, mạnh hơn, vững bền hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Kiên cường như cựu chiến binh Hoàng Phi Thường

    05:00, 27/07/2023

  • "Báo đen" Đinh Văn Lời: Từ quân nhân đến doanh nhân

    03:30, 27/07/2023

  • Tỉnh Hưng Yên tổ chức nhiều hoạt động tri ân 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947– 27/7/2023)

    15:44, 26/07/2023

  • Công ty Cổ phần truyền thông Vmark tri ân các gia đình chính sách, thương bệnh binh xã Đông Tân, tỉnh Thái Bình

    11:27, 26/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Người lính trên “trận tuyến” mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO