Trường chuyên và câu chuyện bình đẳng "nguồn lực đầu vào"

PHẠM ANH 29/06/2020 11:25

Cần bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực đầu vào không chỉ có giáo dục bởi suy cho cùng "người túng thiếu không có tự do".

Tội phạm sẽ ít đi khi cuộc sống của người dân giàu có hơn. Thịnh vượng còn có thể phục hưng văn hoá. Giáo dục là phương thức để truyền bá văn hoá tới từng "tế bào xã hội".

Điều kiện sống tệ hại đẩy nhiều người nghèo vào con đường tội phạm, nghiện ngập. Những hành vi ấy gây ra những phí tổn xã hội vượt quá chi phí mà chính người nghèo phải chịu. Nghèo đói ảnh hưởng tiêu cực đến những người khác trong xã hội. Như vậy, nhà nước phải tạo [“điều kiện”] và khuyến khích người dân làm giàu một cách chính đáng, trong khi thực thi các chính sách tái phân phối và đảm bảo bình đẳng xã hội trong mọi lĩnh vực một cách tốt nhất.

Năm 1944, khi đưa ra hệ thống phúc lợi xã hội, Tổng thống Roosevelt (Mỹ) gọi đó là "dự luật quyền kinh tế". Thay vì sử dụng lý lẽ đoàn kết cộng đồng, ông cho rằng quyền này cần thiết để "thực sự có tự do cá nhân", và rằng "người túng thiếu không có tự do". Tiếc rằng những chính quyền sau này người ta loại bỏ nhiều chính sách nhân văn của Tổng thống Roosevelt.

Như vậy, một xã hội nhân văn với những quan điểm tiến bộ là đảm bảo được bình đẳng đầu vào, tức tạo ra cơ hội đầu vào cho mọi người không phân biệt giàu nghèo là như nhau, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và y tế công.

Như phương pháp tiếp cận của cải cách giáo dục Phần Lan là: “Muốn kỳ vọng vào thành tích xuất sắc của học sinh trước nhất phải giải quyết được vấn đề bất bình đẳng giữa học sinh đã”.

Không giải quyết được vấn đề bất bình đẳng xã hội từ gốc rễ, không chỉ là bất bình đẳng kinh tế mà còn bất bình đẳng đạo đức, thì khi người giàu có nguồn lực để hút hết các nguồn vốn tri thức khan hiếm của xã hội, tất yếu sẽ đẩy xã hội đến giới hạn cực đoan của mâu thuẫn và xung đột xã hội.

Dân chủ dựa trên cơ sở bình đẳng (one man one vote), còn kinh tế thị trường tăng trưởng nhanh lại dựa trên sự bất bình đẳng. Xung đột xã hội sẽ gia tăng khi bất bình đẳng lấn át dân chủ, khi người giàu có hơn cho mình có quyền “đứng trên người”. Thứ "tư bản thân hữu" đẻ ra dân chủ nửa vời, chủ nghĩa dân tuý trục lợi, hai thứ này kết hợp lại sẽ thành thảm hoạ cho tương lai của bất cứ quốc gia nào.

Bất bình đẳng là hệ quả của tăng trưởng, nhưng không phải vì thế mà mặc kệ nó. Nhiều người nghèo có thể đánh đổi quyền của mình để lấy miếng ăn, và một xã hội nhân văn, chính quyền tiến bộ thì không thể để việc đó xảy ra.

Người giàu có quyền mua nhiều thứ nhưng không phải là quyền bình đẳng của người khác; Bởi Dân chủ sẽ chết khi ai có tiền cũng có thể mua được mọi quyền ưu tiên.

[*]: Thể chế kinh tế thị trường hoàn thiện với các luật lệ đảm bảo quyền tự do làm giàu của người dân; luật pháp càng nghiêm minh, tiến bộ thì con người càng tự do.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trường chuyên và câu chuyện bình đẳng "nguồn lực đầu vào"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO