Nguyên khí quốc gia trong kỷ nguyên mới

Ts ĐOÀN DUY KHƯƠNG 20/11/2023 05:00

Phẩm chất và kỹ năng của con người đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển để tạo nên sức sống và nguyên khí mới của một dân tộc, một quốc gia.

>>Nhiều nhà đầu tư “để mắt” đến giáo dục đại học Việt Nam

Sự hợp nhất kỹ thuật số, sinh học và vật lý trong cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư có ảnh hưởng to lớn không chỉ đến sức sống tinh thần và thể chất của cá nhân con người thông qua các tiến bộ về công nghệ gen, tế bào gốc… mà còn đến kỹ năng và đạo đức của con người trong việc kết nối hiệu quả của cá nhân với các đối tác tin cậy để đáp ứng được nhu cầu và vai trò cơ bản của nguồn vốn kinh tế-xã hội đang thay đổi nhanh chóng do sự phát triển của công nghệ số và chip bán dẫn… Chính vì vậy, phẩm chất và kỹ năng của con người đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển để tạo nên sức sống và nguyên khí mới của một dân tộc, một quốc gia.

GG

Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực ở một số chỉ số về giáo dục.

Một quốc gia-dân tộc có được bản sắc và duy trì sự phát triển thông qua sức sống của nó dựa trên sức mạnh và sự nổi bật của ngành giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, sự đổi mới hệ thống giáo dục hướng tới việc học tập nhằm chuẩn bị cho cá nhân những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để trở thành lực lượng lao động chất lượng, đối mặt với thách thức của thế giới việc làm có ý nghĩa rất quan trọng trong kỷ nguyên công nghệ với ba bối cảnh thực tế:

1. Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực ở một số chỉ số về giáo dục như: tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành Chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN, trong đó, đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019 cho thấy chất lượng giáo dục tiểu học của Việt Nam đứng vào tốp đầu của các nước ASEAN.

Hiện nay, Chính phủ cũng đã có Quy hoạch mạng lưới CSGD đại học và sư phạm giai đoạn 2021 – 2030 và xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2021 – 2030 nhằm cung cấp một lực lượng lao động chất lượng tạo nên nguyên khí quốc gia hướng tới Tầm nhìn đến năm 2050.

2. Sự hình thành các mô hình kinh tế: như kinh tế ứng dụng (app-economy), kinh tế tự động hóa (bot-economy) và đặc biệt là kinh tế nền tảng (platform-economy)… Trong đó, nền tảng song sinh kỹ thuật số (digital twin platform) được tạo ra trong nền kinh tế nền tảng đã trở thành một nguồn lực sản phẩm quan trọng và làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tiến hành sản xuất kinh doanh, đặc biệt là giáo dục và đào tạo.

Những tiến bộ công nghệ như IoT, cảm biến và tự động hóa đã cung cấp các dịch vụ mới một cách khác biệt, bao gồm các khóa học trực tuyến mở quy mô lớn, lớp học ảo, thư viện ảo, phòng thí nghiệm ảo và nhà giáo dục ảo... Giáo dục 4.0 cũng đang thúc đẩy sự cạnh tranh của các trường học, cao đẳng và đại học tự nâng cấp.

Do đó, để duy trì tính cạnh tranh, các tổ chức giáo dục đang trang bị cho sinh viên một thế giới kiến thức sát với thực tế, trong đó các hệ thống vật lý không gian mạng thâm nhập vào hầu hết mọi ngành công nghiệp.

3. Lịch sử đã chứng minh, muốn cho nguyên khí thịnh vượng, đất n­ước phát triển vững bền thì không thể không phát hiện, chăm chút, bồi dưỡng nhân tài. Nhân tài trong kỷ nguyên công nghệ là lực lượng tri thức tinh hoa có khả năng phát minh, sáng tạo và có tầm nhìn để định vị xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội.

Đúng như Albert Einstein đã khẳng định: Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức là hữu hạn. Trí tưởng tượng là vô cùng và bao quát toàn thế giới.” vì bằng nhiều cách, kiến thức rất dễ dàng có được, nhưng trí tưởng tượng thì cần có sự dũng cảm và kiên trì.

Bên cạnh lực lượng tinh hoa trí thức có tầm nhìn sáng tạo và đổi mới, quan trọng hơn chúng ta cần phải có nguồn nhân lực có kỹ năng quản trị kinh doanh trong việc tạo ra và thương mại hóa sự đổi mới, giúp đầu tư và người lao động làm việc hiệu quả hơn.

Lịch sử cũng đã minh chứng quá trình gian nan của sự đổi mới sáng tạo trước khi nó trở nên có giá trị xã hội như: động cơ điện, được phát kiến vào những năm 1880, đã không tạo ra mức tăng năng suất rõ rệt cho đến những năm 1920, khi dây chuyền lắp ráp sản xuất hàng loạt tổ chức lại công việc xung quanh công nghệ này; hay cuộc cách mạng máy tính cá nhân bắt đầu vào những năm 1980, nhưng phải đến nửa cuối những năm 1990, năng suất kinh tế mới thực sự tăng mạnh, khi những cỗ máy đó trở nên rẻ hơn, mạnh hơn và được kết nối với internet.

Chính vì vậy, một nền giáo dục hiệu quả là nền giáo dục không chỉ đào tạo ra những người hiền tài thành công có danh tiếng, bằng cấp và địa vị mà còn đào tạo ra những người có khả năng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị thực lan tỏa phục vụ cộng đồng.

>>Cần có cơ chế đầu tư hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa

Để góp phần triển khai và thực hiện tốt chủ trương và chính sách của Chính phủ, các nhà nghiên cứu về giáo dục cho rằng có  hai nội dung cơ bản cần lưu ý cho ngành giáo dục và đào tạo nhằm tạo ra nguyên khí mạnh mẽ cho đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới:

1. Đổi mới chất lượng và phương pháp giảng dạy: Trong Giáo dục 4.0, trách nhiệm học tập chính sẽ chuyển từ giáo viên sang học sinh nhằm không chỉ trang bị cho thế hệ tương lai kiến thức hiện tại mà còn cung cấp cho họ những nền tảng cho việc học tập liên tục suốt đời trong một thế giới biến đổi nhanh chóng.

Các lớp học cần trở nên linh hoạt hơn, cung cấp các phương pháp học tập đa dạng… đảm bảo quan hệ dân chủ và bình đẳng giữa giáo viên và học sinh để làm nền tảng cho văn hóa đổi mới và sáng tạo ngay trong nhà trường.

Về dài hạn, các cơ sở giáo dục, đào tạo và cũng như các cơ quan chính phủ và phi chính phủ cần đầu tư và nâng cấp hệ thống giáo dục, đặc biệt là đổi mới và trang bị cho học sinh ba kỹ năng (xem hình 1) cốt lõi trong chương trình giảng dạy học sinh và sinh viên

Ba kỹ năng trọng tâm trong giáo dục 4.0

Ba kỹ năng trọng tâm trong giáo dục 4.0

2. Quan hệ đối tác công tư (PPP)

Hạ tầng cơ sở và điều kiện vật chất cho hệ thống giáo dục và đào tạo cần phải được quy hoạch và phát triển phù hợp vì cơ sở hạ tầng xã hội và trường học là yếu tố chính đằng sau cách một đứa trẻ nhìn thế giới khi lớn lên. Hơn nữa, đây còn là nguồn động viên thiết thực để khích lệ đối với đội ngũ các nhà giáo

Tuy nhiên, khả năng cơ sở hạ tầng và điều kiện vật chất bị hạn chế rất nhiều bởi sự thiếu hụt và chậm chễ của nguồn lực từ chính phủ đầu tư vào giáo dục và đào tạo. Điều này dẫn đến một vai trò quan trọng mà quan hệ đối tác công tư (PPP) có thể đảm nhận.

PPP là mối quan hệ cộng sinh trong đó khu vực công và tư nhân làm việc cùng nhau để tận dụng tối ưu kiến thức, nguồn lực, kỹ năng và chuyên môn của nhau nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng công cộng (bao gồm cả việc đi lại đến trường của học sinh) trong các lĩnh vực khác nhau và/hoặc các dịch vụ liên quan vì lợi ích của ngành.

Ngoài ra, PPP còn khuyến khích việc tích hợp các kỹ năng liên quan đến ngành và đào tạo nghề, mang lại chuyên môn trong ngành, kết nối và tăng cơ hội thực tập và bố trí việc làm, cho phép các chương trình giáo dục phù hợp với yêu cầu ngày càng tăng của thị trường việc làm.

Sự hợp tác này trang bị cho sinh viên những kỹ năng thực tế, nâng cao khả năng có việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước bằng cách tạo ra lực lượng lao động lành nghề. PPP có thể là một công cụ tuyệt vời để thu hẹp khoảng cách giữa chính phủ, nhà cung cấp dịch vụ tư nhân và các yêu cầu của ngành. 

Trong kỷ nguyên của kinh tế nền tảng số với ba xu thế của hội nhập khu vực và toàn cầu là kết nối, sáng tạo và bao trùm, chắc chắn hệ thống giáo dục 4.0 sẽ đóng góp quan trọng nhằm tạo ra nguyên khí và sức sống mới cho đất nước để hướng tới Tầm nhìn của Chính phủ 2050.

Có thể bạn quan tâm

  • Kiến tạo một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

    14:30, 01/02/2022

  • Cộng đồng doanh nghiệp phấn đấu xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng!

    05:09, 01/02/2022

  • VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Đổi mới mô hình xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển doanh nghiệp

    06:00, 01/06/2021

  • 60 NĂM VCCI: Khát vọng vì một Việt Nam hùng cường

    12:55, 26/04/2023

  • Chuyển giao thế hệ lãnh đạo: Hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường” vào giữa thế kỷ 21

    00:02, 09/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nguyên khí quốc gia trong kỷ nguyên mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO