Với phong cách trữ tình lãng mạn, mang triết lý nhân sinh sâu sắc, những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung đã chạm đến trái tim người nghe bằng sự chân thành, sâu lắng.
Một trong những dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của Nguyễn Thành Trung là tuyển tập ca khúc “Sống”, bao gồm gần 40 tác phẩm thơ và nhạc được anh chắt lọc trong suốt hơn 20 năm sáng tác. Đây là một bức tranh đa sắc về cảm xúc, phản ánh những trải nghiệm phong phú của một người đàn ông từng trải, nhạy cảm và yêu thương tha thiết. Trong “Sống”, người nghe có thể tìm thấy đủ mọi cung bậc cảm xúc – từ những tự vấn về cuộc đời, lẽ sống, đến những suy tư về tình yêu và con người.
Các tác phẩm âm nhạc của Nguyễn Thành Trung đều cố gắng lột tả hình tượng nhân vật như người vợ trong “Như tình em”, người mẹ trong “Tôi thương mẹ tôi” hay “Mẹ”, người cha trong “Cha để lại cho con” bằng những hình ảnh vô cùng gần gũi và đời thường, bằng các giai điệu da diết và sâu lắng.
Thấp thoáng trong một vài tác phẩm trẻ trung và có chút sôi động còn phần lớn các giai phẩm của Nguyễn Thành Trung mang tính tự sự, chậm rãi và phảng phất chút lãng mạn và có lẽ như thế mới phản ánh đúng con người và tâm hồn anh.
Âm nhạc của Nguyễn Thành Trung trong tất cả các sáng tác đều có một gam màu trội, đấy là nguồn cảm hứng gần gũi với những trải nghiệm của anh trong cuộc sống. Chỉ cần lướt qua những chủ đề mà anh chọn có thể thấy ngay anh chọn gì làm chất liệu cho âm nhạc, muốn đưa vào âm nhạc để gửi đến người nghe. Đó là tình yêu, gia đình và tình cảm cho quê hương, đất nước.
Những ca khúc như “Đất nước yêu người”, “Ngôi nhà”, “Kẹp tóc màu xanh” hay “Chị là chị hai” đều là những câu chuyện được kể bằng âm nhạc, phản ánh những cảm xúc chân thật và sâu sắc. Và nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung có “chất” riêng khi viết về Hà Nội. Đó là nỗi nhớ nhung da diết của người đi xa Hà Nội, là về người vợ với tình yêu dịu dàng, về con cái với sự yêu thương của một người cha, và về quê hương đất nước với niềm tự hào tha thiết.
Ngay từ ca khúc đầu tiên khi bắt đầu được giới thiệu trên con đường âm nhạc, Nguyễn Thành Trung đã “ghi điểm” trong lòng người nghe với ca khúc “Hà Nội cũ”. Bài hát càng trở nên phổ biến và chiếm được cảm tình của nhiều lớp khán giả khi được thể hiện qua giọng hát của ca sĩ Mai Diệu Ly trong MV cùng tên, tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của Nguyễn Thành Trung.
“Hà Nội cũ” không chỉ là một Hà Nội như ta thường thấy trong nhiều ca khúc về mảnh đất kinh kỳ mà “Hà Nội cũ” của Nguyễn Thành Trung là một chuyện tình lãng mạn, là một bức tranh đa màu sắc với những gánh hàng hoa, những buổi chiều bên ly ca phê đắng ở một “ngõ nhỏ, phố nhỏ” nào đó. Người nghe có thể không cần xem MV thì những thước phim về một Hà Nội thân thương như thế vẫn chảy trong đầu, vẫn vang lên nhưng thanh âm quyến rũ. Bài hát được triển khai phát triển với các phần khúc thức rõ ràng, điệp khúc như muốn ngân lên mãi trong lòng người nghe với hơi thở sống bởi “để nghe tôi khóc, để nghe tôi cười, để nghe tôi hát những kỷ niệm Hà Nội luôn ở trong tôi”.
Bên cạnh “Hà Nội cũ”, các album: “Tình yêu đầu tiên” (2014), “Nỗi nhớ” (2016), “Xa em” (2022) và “Ký ức Hà Nội” (2024) đã đánh dấu một chặng đường sáng tạo của Nguyễn Thành Trung trên con đường âm nhạc. Những tác phẩm khác nhau, nhưng đều có chung một mẫu số, đấy là đậm chất tự sự và trữ tình.
Nếu như album đầu tay “Tình yêu đầu tiên” tập trung vào các ca khúc về tình yêu gia đình và đất nước, xây dựng hình tượng người mẹ, người cha và người vợ thì đến album “Nỗi nhớ” ra đời hai năm sau đó, nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung chọn cách khai thác chủ đề tình yêu đôi lứa với những giai điệu sâu lắng. Album “Xa em” tiếp tục đánh dấu một bước tiến mới trong sự nghiệp của Nguyễn Thành Trung khi 10 ca khúc trong album này đã nêu “bật” một triết lý nhân sinh, nhân văn sâu sắc.
Và đến album “Ký ức Hà Nội” là ngập tràn các hình ảnh, ký ức về Hà Nội xưa và nay với nhiều màu sắc đan xen đa dạng, đặc biệt là nhiều nét văn hoá Hà Nội được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ âm nhạc khác nhau từ khai thác chất dân gian truyền thống đến hiện đại.Là âm hưởng dân gian dân tộc của xẩm kết hợp với nhạc điện tử trong “Trà đá vỉa hè” (Hồng Duyên); là chất jazz uyển chuyển, nồng nàn trong “Nỗi nhớ” củaca sĩ Quỳnh Anh, là chất blue trầm lắng của NSND Mai Hoa trong “Cà phê phố”; là tươi vui trong nhạc pop với giọng ca trong sáng, trẻ trung của Nguyễn Gia Tuệ Lâm với “Hoa thanh xuân”; một “Thanh âm Hà Nội” đậm màu sắc classical của giọng ca Tiến Hưng…
Ở mỗi tác phẩm, dù là hình ảnh nhỏ nhắn, dung dị, giai điệu da diết, hay sôi động, gấp gáp… thì người nghe có thể dễ dàng bắt gặp, cảm nhận nội tâm, thấy hình ảnh thời trẻ, thấy ký ức của tác giả và cũng có thể là của chính mình, người xung quanh mình trong những thanh âm gắn với Hà Nội, với Hà Nội cũ, Hà Nội mới và Hà Nội của tương lai. Từ đó, khiến người nghe thêm mến yêu Hà Nội hơn. Và qua đó cũng thể hiện lời tri ân của tác giả Nguyễn Thành Trung với Hà Nội, với khán giả yêu mến âm nhạc của anh.
Nguyễn Thành Trung không chỉ là một nghệ sỹ tài hoa mà còn là một doanh nhân với nỗ lực không ngừng nghỉ và miệt mài với tác phong lao động nghiêm túc.Âm nhạc của anh, dù mang phong cách trữ tình lãng mạn hay đậm chất tự sự, đều phản ánh một tâm hồn nhạy cảm và yêu thương tha thiết. Với những sáng tác đầy cảm xúc và ý nghĩa, Nguyễn Thành Trung đã và đang khẳng định vị trí của mình trong làng nhạc Việt Nam, đồng thời truyền cảm hứng cho những người yêu âm nhạc về giá trị của sự chân thành trong tình yêu của con người dành cho con người. Như những ca từ anh đã viết trong bài “Đất nước yêu người”: “Nuôi con tim yêu thương cho người yêu quý con người,… mắt sáng trong rạng ngời trên khuôn mặt cho người mãi mãi yêu người”.