Ngôi nhà tuổi thơ của tôi là nhà ba gian cổ kính do ông bà nội để lại. Nền nhà cao nhất nhì làng, nên năm lụt to nhất thì nước cũng chỉ xâm xấp mặt sân.
Ngồi đây nền cũ nhà hương hoả
Đọc lại bài thơ thuở thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi.
(Tô Thuỳ Yên - Ta về)
Tuy nhiên, nhà lợp bằng ngói vảy, hai cái mấu không ăn thua, trận bão lớn về là ngói bị tùa túa lua, roàn roạt roàn roạt. Về sau tôi có thơ, rằng xưa mưa bão về nhà mình như thể không có mái/ cha ôm chặt con hâm ấm làn môi. Thực ra, nguyên mẫu của "con" trong câu thơ này là em gái út của tôi. Nhà tốc mái, mọi người ướt như chuột lột, riêng em tôi thì rét run, môi tái nhợt. Cha tôi bế em vào chỗ an toàn, ngồi thu lu ôm chặt em vào lòng và hà hơi sưởi ấm hong khô em.
Trong kí ức của tôi, ngôi nhà tuổi thơ như một khu vườn cổ tích đúng nghĩa. Này là cây bông gòn sau hồi nhà cao vút, ẩn hiện mấy tổ chim chìa vôi chim sáo, đến mùa quả bông nở trắng rợp một góc quê. Ruột bông bung ra khỏi vỏ quả, rụng la đà xuống đất không một mảy may tiếng bộp. Hình ảnh ám ảnh này về sau thành cái-so-sánh khi tôi phản tư, rằng ngẫm thơ mình bông trắng/ rớt sân nhà không dậy nổi tiếng vang.
Cây bông gòn rất dễ trồng, do vậy, khi cây cũ đủ già, cha tôi cho đốn hạ. Cành làm hàng rào, cắm đến đâu sống đến đó. Thân kêu thợ xẻ làm ván. Lụt về, cha đem ván kết bè, để vớt củi, để anh em tôi chèo chống chơi.
Tôi thì sẵn mơ mộng, nhìn bè mà thấy những cánh buồm, mà thấy cơ hội ra khơi. Khơi đâu không biết, chỉ biết là tôi vừa ra sân để bước chân lên bè thì vì háo hức hấp tấp quá nên ngã dúi ngã dụi. Sau đó chị tôi giặt vắt và hơ lửa không kịp quần áo để tôi thay, còn ông hàng xóm thì la oai oái là ruộng rau nhà ông bị quần thảo, mặc dù tôi chẳng thấy ruộng đâu, chỉ thấy mấy cọng rau muống rướn cổ ngỗng giữa mênh mang nước bạc.
Mưa xé trời rách thõng mái hiên/ cần rau muống đo chiều cao của lụt; bố kết bè vớt củi phơi đun/ con lóng ngóng áo quần thay mấy lượt/ chị ngồi hơ mắt buồn ngấn nước - những kỉ niệm ngăn ngắt xanh này đi thẳng vào thơ tôi không cần thêm thắt hư cấu.
Này là bụi tre góc vườn đêm ngày lao xao lào xào kẽo cà kẽo kịt, những mảnh sành mảnh chĩnh lấm láp bùn đất nằm im lìm bất động như ngậm cả bí mật bao đời. Đêm tối trời đi đâu về là tôi chạy thục mạng vào sân, đấm cửa thùm thụp kêu cha mở chốt, cảm giác bầy ma từ bụi tre đang hùa nhau xộc theo, con thì túm lấy ót con thì túm lấy lưng áo tôi.
Những buổi trưa ra vườn rón rén bắt bướm bắt chuồn chuồn rồi chụp chim chắt chắt hay bẻ hoa cải vàng rực nhổ hoa chua me đất tím ngắt ngồi bó chơi, tôi rùng mình ớn lạnh khi nhìn thấy lốt con rắn trắng xốp đứt đoạn vương vất nơi bụi tre. Lại thêm một chất liệu sống đắp bồi thơ tôi - anh rỗng rượi như lốt con rắn vắt lại khóm cây hoang.
Này là cây đào sau vườn, này là cây khế đầu hồi, này là hàng cau trước ngõ. Đào nhà tôi chẳng biết gọi là đào gì nhưng suốt đời này tôi vẫn đinh ninh tin đó là giống đào cho hoa đẹp nhất. Nhìn những cây đào Nhật Tân cùm cụp heo héo bày bán đầy chợ tết, tôi không thấy chúng đẹp ở điểm nào. Tôi chỉ cần một bình gốm, cắm một cành đào nhà, như đào nhà tôi ngày trước, để đủ gọi về tết nay ở phố là những tết xưa ở quê. Và không phải ngẫu nhiên mà một năm nào đó khi đang chạy xe trước Đại Nội, gặp gánh đào lông mỏ quạ hồng mởn quả xanh rói lá của o gái Huế là tôi dừng lại mua ngay, ăn luôn không trì hoãn đến lúc về khách sạn. Không phải ăn đào mà là ăn kí ức, nên ngon nưng nức, dẫu đào vừa mua rất nhạt rất bở, quả lại to gấp đôi gấp ba quả đào ngày cũ. Những buổi chờ mẹ về chợ, tôi bắc thang trèo lên cây khế, ngơ ngẩn nhìn đoàn tàu như con rắn dài thườn thượt đang trườn bò phía trời tây, cách chỗ tôi một con sông và mấy cánh đồng.
Tôi như chú dế mèn của Tô Hoài thích phiêu lưu, nhìn tàu mà cứ văng vẳng bên tai hai tiếng ra đi, mặc dù lúc đó khoang bụng rỗng đang cào réo vì vừa được ních chật bởi những quả khế chua tê chua dại. Hàng cau thì trên đựng rất nhiều tổ chim sẻ, dưới rắc hoa phủ ngập lên những chuồng bồ câu.
Tôi tủm tỉm kín đáo quan sát cái cách chim trống chim mái âu yếm nhau, cái cách chim bố chim mẹ mớm mồi cho chim con. Và đặc biệt là tôi bị ám ảnh bởi cảnh chim bố chim mẹ ngoạc mỏ xù lông hoảng hốt đập cánh loạn xạ gào rít điên cuồng bảo vệ chim con trong bất lực, khi cha tôi thò tay bắt con chim ra ràng làm thịt hầm lá dâu tằm cho em tôi ăn để giảm chứng đổ mồ hôi trộm. Tôi ấn tượng bởi sắc tím của hoa khế, bởi điệu rơi của hoa cau. Về sau tôi có thơ ví chị tôi dịu dàng như thể điệu rơi của hoa cau trước ngõ, hay mộng mơ như thể hoa khế rắc tím sân nhà nhỏ.
Tuổi thơ tôi tuy có quê có làng, nhưng lại không cánh diều vi vút không lưng trâu vắt vẻo không trò chơi khăng đánh đáo không thú vui câu cá đá bóng nơi bờ đê nơi cồn bãi khi nước ròng. Tôi lủi thủi trong khu vườn nhà mình, bên những cuốn sách đọc đến thuộc lòng mòn vẹt.
Sau này tôi viết hai câu thơ nói rằng khi lụt ra đi bố ngả nong trải sách ra phơi/ từng cuốn nặng đẫm giấc mơ cày cuốc thì nửa sau là hư cấu. Bởi xưa kia nhà tôi ở nông thôn nhưng cha mẹ tôi không phải là nông dân. Điều này chẳng khiến tôi tự hào oai oách, ngược lại còn ngại ngùng mặc cảm. Tôi không muốn lạc loài.
Ôi, nhà cũ của tôi, khu vườn cổ tích của tôi, tuổi thơ im lặng của tôi, khởi nguồn của thi hứng, khởi sinh của cô độc đời tôi. Lạ thay, mọi giấc tôi mơ lâu nay tuyệt nhiên không có bối cảnh là ngôi nhà mới ở thị trấn nay là thị xã, mà tất cả đều gắn với ngôi nhà cũ ở làng nơi mười bảy năm đầu đời tôi gắn bó. Càng lạ hơn, khi gần chục năm trước, một đêm tôi nằm mơ nhà cũ bị bung móng đổ tường, thì hôm sau hay tin anh con bác của tôi - chủ hiện tại của ngôi nhà - vừa động thổ khởi công xây cất nhà mới trên nền nhà cũ.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 19/06/2022
12:01, 12/06/2022
15:20, 31/05/2022
07:10, 28/05/2022
04:00, 22/05/2022
05:00, 08/05/2022
05:00, 17/04/2022
04:03, 16/04/2022