Nhà đầu tư Nhật vướng vì chứng nhận "doanh nghiệp chế xuất"

THY HẰNG 28/12/2020 05:00

JCCI kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép là doanh nghiệp chế xuất cùng lúc khi xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để tránh phát sinh chi phí không hợp lý với doanh nghiệp.

fs

Cty TNHH SEI Optifrontier Việt Nam là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100% từ Nhật Bản.

Liên tiếp từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua, Cty TNHH SEI Optifrontier Việt Nam (KCN Thăng Long - Vĩnh Phúc, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) nhiều lần gửi công văn cầu cứu tới Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan về việc hoàn thuế cho doanh nghiệp chế xuất.

Doanh nghiệp nhọc nhằn xin hoàn thuế

Theo đó, Cty TNHH SEI Optifrontier Việt Nam là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100% từ Nhật Bản, thành lập theo Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư do Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 28/12/2018, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc cấp ngày 4/1/2019, thay đổi lần thứ nhất ngày 8/4/2019.

SEI cho hay, theo giấy chứng nhận đầu tư doanh nghiệp này đã đăng ký là doanh nghiệp chế xuất, được coi là “Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư” và được áp dụng quy định của doanh nghiệp chế xuất như không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế nhập khẩu ở khâu nhập khẩu, cũng như không phát sinh thuế GTGT từ các nhà thầu trong nước.

Về nguyên tắc, SEI cho rằng họ phải được áp dụng là doanh nghiệp chế xuất kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tư xây dựng, Chi cục Hải quan tỉnh Vĩnh Phúc xác định doanh nghiệp này chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện của doanh nghiệp chế xuất, nên chưa được miễn thuế.

Và phải đến ngày 23/3/2020, Chi cục Hải quan tỉnh Vĩnh Phúc mới xác nhận doanh nghiệp này đáp ứng điều kiện để được hưởng chế độ là doanh nghiệp chế xuất.

“Để hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn, trong khoảng thời gian từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho đến khi được Hải quan xác nhận là doanh nghiệp chế xuất chúng tôi đã chấp hành nghiêm chỉnh việc nộp thuế tại khâu nhập khẩu. Số thuế đã nộp cho các lô hàng tính đến 6/5/2020 là 19,7 tỷ đồng, trong đó thuế nhập khẩu là 5 tỷ đồng, thuế GTGT 14,7 tỷ đồng”, ông Koji Kashihara, Tổng giám đốc SEI cho hay.

Lãnh đạo công ty này cho rằng, việc phải nộp thuế như một doanh nghiệp thông thường đã gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời khiến khối các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các nhà đầu tư nước ngoài khác mất lòng tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.

fa

Công nhân đang thực hiện sản xuất bảng vi mạch dẻo và các linh kiện điện tử có liên quan khác.

Không tháo gỡ sẽ khó thu hút đầu tư

Không chỉ với SEI, tại báo cáo kiến nghị gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2020 mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp phải một số vấn đề để được hưởng ưu đãi thuế cho doanh nghiệp chế xuất (EPE).

Theo đó, JCCI nêu rõ, sau khi Nghị định 82/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đã có một số trường hợp doanh nghiệp không được cấp giấy phép EPE cho đến khi nhà máy được xây dựng xong, và phải chịu các loại thuế phí liên quan đến việc lấy đất, xây dựng nhà xưởng và nhập khẩu thiết bị mà những loại thuế này đáng lẽ ra được miễn.

“Đây là gánh nặng trong quá trình hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam”, JCCI nhận định.

Như trường hợp của Cty SEI nói trên, vì chưa được xác nhận đủ điều kiện là doanh nghiệp chế xuất, nên khi nhập khẩu máy móc, thiết bị trong giai đoạn đầu tư, doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế GTGT như bình thường. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp kê khai và xin hoàn thuế GTGT giai đoạn đầu tư, các cơ quan thuế địa phương lại cho rằng, theo giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp là doanh nghiệp chế xuất, nên không thuộc đối tượng nộp thuế GTGT và vì thế, không có cơ sở để hoàn thuế.

Do đó, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất mong muốn khi thực hiện cấp giấy phép EPE, chính phủ Việt Nam quy định rõ trong văn bản việc sẽ miễn một phần chi phí liên quan đến việc lấy đất, xây dựng nhà xưởng, nhập khẩu thiết bị mà doanh nghiệp đã trả trước khi được cấp giấy phép.

“Hơn nữa, chúng tôi đặc biệt rất mong chính phủ sẽ cấp giấy phép EPE cùng lúc khi xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như trước đây”, JCCI kiến nghị.

Có cùng quan điểm, Nhóm công tác về Thuế và Hải quan của VBF cũng đã từng có kiến nghị liên quan đến vấn đề này tới Bộ Tài chính và đang tiếp tục đề xuất sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP theo hướng không đưa ra điều kiện xin ý kiến cơ quan hải quan tại khâu cấp phép cho doanh nghiệp chế xuất.

Thay vào đó, cơ quan quản lý đầu tư có thể cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cho phép doanh nghiệp áp dụng quy chế doanh nghiệp chế xuất dựa trên phương án đầu tư sản xuất, xuất khẩu và cam kết của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chế xuất sẽ có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu quy định tại văn bản pháp quy về hải quan và thuế xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng cho khu phi thuế quan và doanh nghiệp chế xuất. Cơ quan nhà nước sẽ áp dụng cơ chế “hậu kiểm” để kiểm tra việc thực hiện, đáp ứng các điều kiện của doanh nghiệp chế xuất và sẽ áp dụng cơ chế phạt với các vi phạm của doanh nghiệp. 

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế Việt Nam năm COVID-19 thứ nhất (Kỳ IV): WB đưa giải pháp "sống chung với bất định"

    06:30, 26/12/2020

  • VBF 2020: KoCham đề xuất Việt Nam cân nhắc xây dựng nhà máy điện hạt nhân

    14:00, 22/12/2020

  • VBF 2020: Nhà đầu tư Ấn Độ kiến nghị làm mới khung pháp lý về điện khí LNG

    10:23, 22/12/2020

  • VBF 2020: JCCI đề xuất cơ chế bảo lãnh hợp đồng PPP gỡ “nút thắt” đầu tư vào hạ tầng

    09:47, 22/12/2020

  • VBF 2020: Tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp ứng biến với suy giảm kinh tế

    09:11, 22/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhà đầu tư Nhật vướng vì chứng nhận "doanh nghiệp chế xuất"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO