Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên đã hiến tặng toàn bộ công trình sưu tầm, nghiên cứu hơn 30 năm của ông về Văn hóa phi vật thể Chăm, Raglai cho Viện Văn Hóa Nghệ Thuật Quốc Gia Việt Nam.
Lễ ký biên bản thỏa thuận hiến tặng diễn ra đúng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên là một trong những diễn viên đầu tiên của Đoàn ca kịch bài chòi Liên khu 5, đã từng bị địch bắt và tù đày lại Phú Quốc trong kháng chiến chống Mỹ. Sau khi không còn làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao tỉnh Ninh Thuận, ông đã sưu tầm, phục dựng hầu hết lễ hội của dân tộc Chăm, giúp đưa văn hóa dân gian Chăm lên một tầm vóc mới.
Đặc biệt, ông là người đã chứng minh người Raglai có sử thi và được ông ghi lại trong 37 cuộn băng cassette. Ông cũng đã phát hiện, phục dựng trang phục cổ truyền người Raglai sau hàng chục năm bên bờ vực mai một. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống. Toàn bộ công trình nghiên cứu vô giá trong hơn 30 năm qua đã được ông trao lại cho Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
Đánh giá cao nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trải qua hàng ngàn năm văn hiến của đất nước, văn hóa được coi là một sức mạnh nền tảng trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc trong mọi tiến trình dựng nước và giữ nước. Trong đó, bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc. Dân tộc nào gìn giữ được bản sắc của mình thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn.
Theo Thủ tướng, sự ra đời và định hình của văn hóa dân gian ở những giai đoạn sớm nhất của lịch sử dân tộc đã hình thành quan điểm cho rằng văn hóa dân gian là “văn hóa gốc”, là cội nguồn, sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức của văn hóa dân tộc. Văn hóa dân gian còn là văn hóa của quần chúng lao động, mang tính bản địa, tính nội sinh cao. Trải qua hàng nghìn năm, ông cha ta đã để lại một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ với ca dao, hò vè; tín ngưỡng dân gian, lễ hội, các loại hình diễn xướng dân gian, các nghề thủ công truyền thống..., cùng với các di sản văn hóa vật thể độc đáo khác trở thành tài sản, hình thành nên bản sắc văn hóa độc đáo của nước ta.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự đa dạng, phong phú, đặc sắc về văn hóa không chỉ là lợi thế cho ngành du lịch (đứng ở góc độ nào đó nó chính là “thương hiệu”, là giá trị và hình ảnh của đất nước chúng ta trong con mắt bạn bè quốc tế mà bấy lâu nay chúng ta còn chưa quan đâm, đầu tư và phát triển đúng cách), mà đây còn là đòn bẩy quan trọng cho đoàn kết, kết nối và thu hút nguồn lực của đất nước ta: "Bạn bè quốc tế đánh giá cao văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của Việt Nam. Chúng ta có nhiều di sản được văn hóa được UNESCO công nhận, đặc biệt tâm hồn, bản sắc của người Việt các khía cạnh về đời sống văn hóa. Khi mỗi dân tộc càng đạt tới tầm cao của nền văn minh phổ quát của nhân loại, thì họ càng tự hào dân tộc mình đã đóng góp được gì về mặt văn hóa cho kho tàng văn hóa nhân loại".
Có thể bạn quan tâm
Biểu dương và đánh giá cao những tâm huyết, đóng góp to lớn của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên cho sự nghiệp làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh: "Trong thời đại ngày nay, đáng sợ hơn cả mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa, đó là mất gốc. Việc hiến tặng công trình tâm huyết và cũng là gia sản lớn nhất trong cuộc đời của đồng chí Hải Liên cho nhà nước để phục vụ đông đảo nhân dân, là thể hiện cụ thể và sống động nhất của tình yêu quê hương đất nước luôn tràn ngập và rực cháy trong anh. Thủ tướng Chính phủ cam kết với đồng chí Hải Liên, công trình tâm huyết này sẽ tiếp tục được đầu tư bảo tồn, phát triển, phổ biến và diễn xướng một cách thích đáng trong nhân dân".
Theo Thủ tướng, nói theo ngôn ngữ của thời đại số ngày nay, văn hóa dân gian là mã định danh để mỗi dân tộc hội nhập với thế giới mà vẫn định dạng được mình. Nói dân dã, dễ hiểu hơn thì đó là phong tục, tập quán, tri thức dân gian, là bản sắc và hồn cốt của dân tộc. Do đó theo Thủ tướng, quản lý nhà nước về văn hóa rất cần những nhà nghiên cứu, những cá nhân tâm huyết như nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên chung tay đóng góp. Thủ tướng ủng hộ, khuyến khích và rất vui mừng nếu ngày càng có thêm nhiều người tâm huyết, cống hiến thầm lặng trong việc giữ gìn, tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa dân gian phong phú, lâu đời, làm giàu kho tàng văn hóa dân gian, văn hóa dân tộc Việt Nam.
Ông Nguyễn Hải Liên sinh ra ở vùng đất Quảng Nam, quê hương của nghệ thuật Bài chòi. Không chỉ có những đóng góp to lớn với công trình về Văn hóa Raglai với hơn 30 năm nghiên cứu, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống. Về hóa Chăm ông đã sưu tầm, phục dựng hầu hết các Lễ hội Chăm; tất cả các bài bản của lễ nhạc (75 bài trống Ginăng và 6 giai điệu kèn Saranai) đã được sưu tầm và ký âm. Ông đã phát hiện ra bộ Trống thiêng loại nhỏ đi với hai cái chiêng núm, kèn ru hồn Saranai và trống lớn thân cây - bộ nhạc cụ này chỉ xuất hiện trong hai lễ hội nên rất ít người biết đến. Ông đã kết hợp giữa phát triển du lịch với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc qua Lễ hội Festival Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) đã được bạn bè quốc tế thán phục. Ở đây, ông đã phục hiện lại các Lễ hội Chăm với cụm diễn xướng tổng hợp giữa Hát lễ - Nhạc lễ và Múa lễ, tạo nên nét đặc sắc hiếm có. Bên cạnh đó, ông đã sáng lập ra 3 đoàn nghệ thuật bán chuyên Chăm (Ninh Thuận, Bình Thuận, Mỹ Sơn Quảng Nam), đưa văn hóa dân gian Chăm lên một tầm vóc mới: sang trọng hơn, tinh luyện hơn, có thể sánh cùng văn hóa các dân tộc anh em trên sân khấu chuyên nghiệp. Với nhạc cụ Mã la, ông cũng đã ghi âm và ký âm được 150 bài, khôi phục lại những nhạc cụ đã mất như Trống đất, Chiềng nứa, Kèn bầu Sarakel. Trong nhiều năm tìm tòi, ông đã phát hiện, phục dựng trang phục cổ truyền người Raglai đã bị mai một, mất mát hàng chục năm qua dù không một một vết tích để lại từ sách vở, tài liệu đến thực tế. Sau phát hiện của ông, người Raglai biết rằng trang phục cổ truyền của tộc người mình là có thực. |