Nhà thờ Đức Bà Paris là công trình tôn giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic trên hòn đảo Ile de la Cite của Paris...
Được xây dựng từ năm 1136 trên bờ sông Seine, công trình kiến trúc này phải mất gần 200 năm mới hoàn thành. Nhà thờ đã tồn tại hơn 850 năm, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của thành phố.
1. Điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất Paris
Nếu Disneyland Paris là điểm đến du lịch số một ở Pháp thì Nhà thờ Đức Bà là nơi được ghé thăm nhiều nhất tại Thủ đô Paris. Theo thống kê, có hơn 13 triệu du khách đi qua cổng lớn của Notre-Dame mỗi năm. Điều này có nghĩa là Nhà thờ đón khoảng 35 nghìn du khách mỗi ngày. Ở Pháp, 99% thị trấn có dân số nhỏ hơn thế này!
Các cổng vào nhà thờ được mở cửa lúc 7:45 sáng nhưng hầu hết du khách đều đến muộn hơn một chút. Vì vậy, một số các du khách đã tận dụng thời gian sáng sớm để đến thăm di tích này mà không có hàng ngàn người xung quanh.
2. Nhà thờ được xây dựng trên một địa điểm linh thiêng
Nhà thờ Đức Bà Paris được xây dựng trên hòn đảo Ile de la Cité ở trung tâm của Paris. Hoạt động xây dựng bắt đầu vào năm 1163 dưới thời vua Louis VII. Phải mất đến gần 200 năm, đến năm 1345 nhà thờ mới được hoàn thành. Nhà thờ được coi là viên ngọc của kiến trúc Gothic thời Trung Cổ.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, Nhà thờ có thể đã được xây dựng ngay trên tàn tích của một ngôi đền của một thành phố có tên gọi Lutetia. Khoảng năm 1710, các mảnh vỡ được cho là của một bàn thờ cổ đã được phát hiện trong một cuộc khai quật. Mặc dù vẫn chưa rõ liệu đây có phải là bằng chứng của một ngôi đền cổ hay không. Những tàn tích kiến trúc khác được tìm thấy vào những năm 1960 và 1970 nằm trong hầm mộ khảo cổ nằm bên dưới quảng trường ngay trước nhà thờ Đức Bà.
Có thể bạn quan tâm
11:03, 16/04/2019
08:53, 16/04/2019
08:22, 16/04/2019
3. Điểm tham chiếu chính thức cho Pari
Khi khách du lịch đứng xếp hàng trước Nhà thờ Đức Bà, họ thường bị thu hút vào mặt tiền được điêu khắc, hoặc hướng về bờ sông Seine và ít khi nhìn xuống mặt đất. Nhưng những người dân Pháp cho rằng đây là một sai lầm, vì khách du lịch sẽ bỏ lỡ một chi tiết quan trọng: điểm tham chiếu chính thức đại diện cho Paris.
Điểm cây số 0 của nước Pháp được đánh dấu ở sân trước Nhà thờ Đức Bà, có tọa độ địa lý 48,85341ON, 2,34880OE ghi dòng chữ "KILOMETRE ZERO DE FRANCE". Đây chính là điểm giữa, cũng là trung tâm lịch sử của thành phố Paris, đồng thời là nơi xuất phát để tính toán mọi khoảng cách địa lí trong nước Pháp.
4. Chuông cũng được đặt tên
Có một điều đặc biệt rằng, chuông của nhà thờ Đức Bà cũng được đặt tên. Ở Notre-Dame, những chiếc chuông chính được gọi tên là Marie, Emmanuel, Gabriel, Anne-Geneviève, Denis, Marcel, Etienne, Benoît-Joseph, Maurice và Jean-Marie...
Mặc dù vậy, những chiếc chuông mà người dân nghe thấy bây giờ không còn phát ra từ những chiếc chuông được lắp đặt sau khi hoàn thành Nhà thờ khoảng sáu trăm năm trước.
5. Nơi lưu giữ nhiều thánh tích tôn giáo
Nhà thờ cũng lưu giữ một số hiện vật được cho là thánh tích linh thiêng của Kitô giáo như Vương miện gai trên đầu Chúa, mảnh Thánh giá nơi Chúa Jesus bị đóng đinh, hay Đinh Thánh dùng để đóng vào cây thánh giá hành hình Chúa Jesus...
6. "Thằng gù" Quasimodo đã cứu Nhà thờ
Sau Cách mạng Pháp, Nhà thờ Đức Bà Paris bị hư hại nhiều. Một số bức tượng đã bị phá hủy và chuông hầu như biến mất. Vào thế kỷ 19, nhà thờ rơi vào tình trạng xuống cấp, gần như bị quên lãng và được sử dụng làm nơi lưu trữ. Tuy nhiên, vào năm 1804, sau khi Napoléon đã tự phong mình là Hoàng đế nước Pháp trong Nhà thờ, địa điểm này đã được chú ý trở lại.
Nhưng phải đến năm 1831, kiệt tác của Victor Hugo, "Thằng gù ở Nhà thờ Đức bà", lấy bối cảnh giữa thế kỷ 15 của Paris với Nhà thờ Notre-Dame de Paris là vị trí trung tâm đã mang lại một danh tiếng chưa từng có cho nhà thờ. Các chương trình bảo tồn đã dẫn đến việc cải tạo lại nhà thờ với quy mô lớn do Viollet-le-Duc chỉ đạo vào giữa thế kỷ 19 đã cứu được viên ngọc nghệ thuật Gothic này.
7. Một "khu rừng" trong nhà thờ
Nhà thờ Đức Bà Paris có kích thước 127 mét (dài) 48 mét (chiều rộng) và gian giữa chính cao 43 mét. Với kích thước như vậy, có thể ngạc nhiên khi cấu trúc mái hoàn toàn làm bằng gỗ, có lịch sử từ thế kỷ thứ 12. Ước tính, 13.000 cây gỗ sồi đã bị chặt hạ. Để đạt đến độ cao mà các thợ mộc cần để xây dựng cấu trúc, những cây đó có thể đã 300 hoặc 400 năm tuổi.
Những khung gỗ này được làm từ gỗ các cây bị chặt trong khoảng thời gian từ giữa năm 1160 đến 1170, tạo thành một trong những phần kiến trúc lâu đời nhất của cấu trúc nhà thờ. Tuy nhiên, đám cháy đã thiêu rụi phần mái nhà này.
8. Nhà thờ theo tỷ lệ "vàng"
Trong kiến trúc, khi ráp các hình vuông có độ dài các cạnh tương ứng với dãy số Fibonacci sẽ tạo nên hình chữ nhật hoàn hảo với tỷ lệ hai cạnh bằng 1,618. Tỷ lệ này được biết đến là sự hoàn hảo trong nghệ thuật. Một số tòa nhà được đánh giá cao và được hoan nghênh nhất tuân theo tỷ lệ này, chẳng hạn như đền Parthenon ở Athens hay đền Taj Mahal ở Agra.
Mặt tiền phía tây của Nhà thờ Đức bà Paris được xây dựng theo tỷ lệ này. Chiều cao của thánh đường chia cho chiều rộng đạt tỷ lệ gần bằng 1,61. Nhiều chi tiết trang trí trong nhà thờ cũng đảm bảo theo tỷ lệ "vàng".