Đây là một gia đình “đặc biệt” ở nước ta. Đặc biệt vì vừa là cộng sản, vừa là tư sản đã hiến dâng hầu như toàn bộ tài sản của mình cho cách mạng, mà Bác Hồ từng nói: “Gia đình ấy với mình chỉ là một”.
>>Nền tảng văn hóa tạo dựng doanh nghiệp kiên cường
Đây cũng là một trong hai gia đình tư sản duy nhất ở Việt Nam được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương bậc cao cho cả chồng là ông Đỗ Đình Thiện - Huân chương Hồ Chí Minh, lẫn vợ là bà Trịnh Thị Điền - Huân chương Độc lập hạng Nhất, một gia đình mà Lịch sử Mặt Trận Việt Minh dân tộc Thống nhất Việt Nam giai đoạn 1930-1945 trình bày khá đậm.
Ông Đỗ Đình Thiện sinh năm 1904 tại làng Noi, nay thuộc Cổ Nhuế-Từ Liêm, Hà Nội. Ông là con út của một gia đình bốn anh em. Bố ông làm Thư ký cho một Chủ đồn điền cao su nhưng mất sớm. Được mẹ nuôi dưỡng, lúc đầu ông học chữ Nho, sau chuyển sang chữ Quốc ngữ.
Do thông minh và chăm học, ông thường đỗ đầu trong các kỳ thi. Năm 1926 do tham gia phong trào bãi khoá để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh nên bị đuổi học và gia đình phải làm lại giấy khai sinh để đưa ông xuống học ở Nam Định.
Năm 1927 gia đình cho ông sang Pháp du học. Ông vào học tại trường đại học canh nông ở Toulouse. Ở đây, năm 1928 ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Cuối năm 1931, do chuyển tài liệu bí mật của Đảng cho các thuỷ thủ người Việt mang về theo Đảng Cộng sản Đông Dương, ông bị bắt, bị kết án 4 tháng tù và bị trục xuất về Việt Nam.
Trở về nước, ông kết hôn với bà Trịnh Thị Điền, một nữ cộng sản tiền bối do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai dìu dắt và kết nạp, đây chính là người yêu đầu đời mà hai người đã từng hẹn ước trước khi lên đường du học.
Tháng 2/1931 bà bị mật thám bắt. Dù bị tra tấn hết sức dã man, bà vẫn không hề nhận mình là người cách mạng. Bà tuyệt thực suốt 7 ngày để phản đối sự tra tấn đối với phụ nữ, buộc chúng phải đưa bà về bệnh viện Phủ Doãn để điều trị. Tìm mãi không đủ chứng cứ để buộc tội, bọn thực dân Pháp phải trả lại tự do cho bà.
Ra tù, bà lại tiếp tục hoạt động. Bà lo tiếp tế lương thực, thuốc men, tiền, giấy bút cho các đồng chí mình bị giam ở Hoả Lò, bí mật gửi cưa sắt để các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Văn Tạo cưa chấn song sắt vượt ngục vào đêm Noel năm 1931.
>>PNJ “vượt bão” bằng nền tảng văn hoá
>>“Gen” văn hoá “giải mã” doanh nghiệp
>>Tấm gương văn hoá bắt đầu từ người đứng đầu
Tuy được tha nhưng bà vẫn bị quản thúc và bị mật thám theo dõi chặt chẽ. Trong hoàn cảnh đó, Trung ương đồng ý để hai ông bà chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực kinh tế để vừa nuôi sống gia đình, vừa để ủng hộ cách mạng khi thời cơ tới.
Là những người có học vấn cao thời đó, lại sinh trưởng trong các gia đình danh giá, có truyền thống buôn bán, ông Đỗ Đình Thiện chung vốn với bạn bè làm nghề buôn gỗ, còn bà Điền nhận tơ tằm của thương nhân người Hoa để bán kiếm lời. Do biết cách làm ăn, làm ăn đứng đắn nên được cả người bán và người mua tín nhiệm, bà mở hiệu buôn tơ tại 54 phố Hàng Gai.
Làm ăn phát đạt, năm 1941 ông bà Thiện mua lại nhà máy dệt của ông Hương Ký-một tư sản nổi tiếng lúc đó tại Hà Nội, nhằm tạo ra những sản phẩm có giá thành thấp, chất lượng tốt để mở rộng và chiếm lĩnh thị trường.
Sau này, bà Đỗ Đình Thiện kể: “Từ nhà tù Sơn La vượt ngục về, anh cả Nguyễn Lương Bằng qua đường liên lạc bí mật đã bố trí gặp vợ chồng tôi lại một sở bí mật ở Chèm Vẽ. Anh cả rất mừng thấy chúng tôi làm ăn phát đạt và thay mặt Đảng giao trách nhiệm cho chúng tôi nhiệm vụ đảm bảo tài chính cho Đảng.
Nhận nhiệm vụ Đảng giao, vợ chồng tôi càng quyết tâm mua đồn điền Chi-nê với ý định sẽ chuyển nhà máy dệt về đây và nếu chiến tranh xảy ra sẽ là nơi che giấu cán bộ cách mạng.
Lần thứ hai anh cả Nguyễn Lương Bằng gặp tôi qua đồng chí Vũ Đình Huỳnh. Anh giả vờ làm người buôn tơ đến thẳng cửa hàng 54 Hàng Gai và tôi đã chuyển cho Đảng số tiền ba vạn đồng Đông Dương”.
Về sự kiện này, năm 1970 khi tiếp ông bà Thiện tại nhà riêng, đồng chí Trường Chinh nhắc lại: “Khi nhận được số tiền ba vạn đồng anh chị gửi qua cho anh Nguyễn Lương Bằng, quỹ Đảng chỉ còn 24 đồng”.
Cũng theo lời kể của bà: “Đầu năm 1945 với tư các Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác tài chính, đồng chí Nguyễn Lương Bằng viết lại thư gửi vợ chồng tôi: “Đảng rất cần tiền, nếu có xin gửi ngay”.
Tôi đã viết giấy đưa cho anh Vũ Đình Huỳnh đến một hãng buôn người Hoa - bạn hàng thân tín của tôi, nhận 100 nghìn tiền Đông Dương chuyển cho quỹ Đảng.
Năm 1945, với chủ trương động viên toàn dân xây dựng nền tài chính quốc gia, Chính phủ đã lập quỹ mang tên “Quỹ Độc Lập” để thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn sàng ủng hộ giúp đỡ Chính phủ củng cố nền độc lập quốc gia.
Nổi bật của phong trào gây Quỹ là “Tuần lễ vàng”. Ông Đỗ Đình Thiện được Chính phủ cử phụ trách Quỹ Độc Lập Trung ương. Là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách, ông bà Thiện đã vận động nhân dân, đặc biệt là giới công thương tích cực đóng góp vào Quỹ Độc Lập và “Tuần lễ vàng”. Bản thân ông bà ngay trong ngày khai mạc đã đóng góp 100.000 đồng tiền Đông Dương và 100 lạng vàng.
Ngày bế mạc “Tuần lễ vàng” 22/9/1945, ban tổ chức bán đấu giá bức tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông bà Thiện đã chủ động trả một triệu đồng Đông Dương (bằng hai nghìn lượng vàng) để mua bức tranh trên. Sau khi mua được ông bà đã tặng cho Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Nghĩa cử cao đẹp đó đã được Lịch sử Mặt trận, lịch sử Bộ Tài chính, Ban Quản trị - tài chính Trung ương ghi nhận như sự thể hiện niềm tin tuyệt đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, vào chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngôi nhà 54 Hàng Gai trở thành một trong những Nhà khách của Chính phủ. Hồi ký của nhiều đồng chí lãnh đạo và cán bộ cấp cao của Đảng, như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Bùi Lâm, Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai… đã nhắc đến địa chỉ này.
Đây cũng là nơi Bác Hồ tiếp phái đoàn Nam Bộ, đoàn phụ nữ Nam Bộ, tiếp cụ Huỳnh Thúc Kháng và cựu Hoàng đế Bảo Đại, hoàng thân Xu-ha-nu-vông…
Là trí thức được đào tạo tại Pháp, lại có tài quản lý kinh doanh, ông Đỗ Đình Thiện được Nhà nước cử làm thành viên Hội đồng quản trị đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ông bà cũng dành Nhà in Tô-panh của mình để Chính phủ in tiền.
Năm 1946, Hồ Chủ tịch đi thăm Pháp. Ông Thiện và ông Vũ Đình Huỳnh được Bác Hồ chọn làm Thư ký riêng của Bác trong suốt thời gian ở Pháp. Chuyến đi lịch sử đó đã được ông ghi thành “Nhật ký làm việc” của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp (22/6/1946 đến 4/9/1946). Ông đã tặng lại bản viết tay đó cho Nhà nước và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam.
Tháng 11/1946, tình hình Hà Nội ngày càng căng thẳng, để bảo vệ việc in tiền, đồng chí Phạm Văn Đồng ra lệnh thao dỡ, vận chuyển toàn bộ máy móc của nhà máy di chuyển lên đồi điền Chi-nê.
Để đảm bảo cho nhà máy lắp ráp đúng kỹ thuật và sớm đi vào ổn định, ông Thiện đưa cả gia đình lên đồn điền Chi-nê. Và khi nhà máy đi vào sản xuất, ông bà lại ba lô trèo đèo, lội suối cùng anh em công nhân lên chiến khu Việt Bắc để xây dựng nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo - đứa con đầu lòng của ngành cơ khí Việt Nam. Và chính ông Thiện được cử làm Giám đốc.
Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, năm 1950 ông bà Thiện được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Đây là một trong hai trường hợp vào thời điểm đó cả hai vợ chồng đều được thưởng Huân chương và do Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân trao tặng.
Năm 1991, bà Trịnh Thị Điền được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Năm 2008, ông Đỗ Đình Thiện được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Cả hai đều được tặng Kỷ niệm chương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, ông Thiện liên tục là thành viên của Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông được truy tặng Huân chương Đại đoàn kết.
Có thể bạn quan tâm
03:57, 30/08/2022
03:25, 26/08/2022
04:20, 14/08/2022