Chính trị

Nhận diện kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Bảo Lam 15/11/2024 17:41

Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” vừa diễn ra ngày 15/11/2024.

Đây là hội thảo khoa học cấp quốc gia đầu tiên về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

vuonminh1.jpg
Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo. Ảnh: ĐSCVN

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lại xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm, trong các bài viết, bài phát biểu quan trọng gần đây, đã đề cập đến vấn đề kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất khẳng định. Đây là một chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước, có ý nghĩa chính trị to lớn, cần được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao.

TS. Lại Xuân Môn cho biết, ở nước ta, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đã đưa đến thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh vinh quang, khởi đầu kỷ nguyên độc lập tự do. Từ năm 1945 đến năm 1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tập trung thực hiện hai nội dung lớn của kỷ nguyên đầu tiên của cách mạng Việt Nam: giành, giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc và chuẩn bị tiền đề ban đầu cho kỷ nguyên thứ hai.

Năm 1975 đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tạo tiền đề vững chắc để đến năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, đất nước bước vào kỷ nguyên thứ hai - kỷ nguyên thống nhất, đổi mới.

Gần 40 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã quyết tâm, quyết liệt tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Mục tiêu và những nội dung lớn của kỷ nguyên thống nhất, đổi mới về cơ bản đã hoàn thành, cho phép đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên thứ ba: kỷ nguyên phồn vinh, hạnh phúc.

Theo TS. Lại Xuân Môn, đến thời điểm Đại hội XIV, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước cho phép và đòi hỏi nước ta phải có bước phát triển đột phá, tăng tốc để phát triển nhanh, mạnh, bền vững. Đây là đòi hỏi khách quan, là bước phát triển hợp quy luật của cách mạng Việt Nam, là sự phát triển lên một trình độ mới, cấp độ mới của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

"Nhân loại đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, nhanh chóng, với nhiều biến đổi rất lớn và căn bản, vừa có nhiều thách thức mới vừa tạo ra những vận hội, thời cơ phát triển mới. Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những thành tựu đột phá vừa tạo ra những thách thức lớn vừa mở ra những cơ hội, thời cơ phát triển mới chưa từng có. Quốc gia nào tận dụng được thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể tạo ra sự phát triển bứt phá. Đảng ta đã nhận thức đúng, đã quyết tâm nắm bắt cơ hội này, đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tích cực để thích ứng, khai thác, phát huy các thành tựu vượt trội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây chính là chìa khóa để Việt Nam vươn mình, phát triển bứt phá, đuổi kịp, tiến nhanh cùng thời đại. Đây chính là khởi điểm lịch sử trong tiến trình phát triển, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". - TS. Lại Xuân Môn nói.

vuonminh2(1).jpg
Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: ĐCSVN

Để đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, TS. Lại Xuân Môn đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung làm rõ một số nội dung quan trọng:

Thứ nhất, về công tác lý luận, tư tưởng cần phải được tiến hành với tư duy mới, cách tiếp cận mới như thế nào để vừa kế thừa tư duy, kinh nghiệm đúng đã tích lũy được, vừa đổi mới mạnh mẽ, cầu thị tiếp cận, tiếp thu những tư duy mới, xu hướng phát triển mới của thời đại với tinh thần tiến cùng thời đại. Đổi mới mạnh mẽ tư duy là khâu mở đầu có ý nghĩa đột phá.

Thứ hai, về tầm quan trọng, các giải pháp chủ yếu tập trung hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả hệ thống thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; kiên quyết xóa bỏ những rào cản, điểm nghẽn, cản trở phát triển; khắc phục triệt để thực trạng khâu tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng... vẫn là khâu yếu, hình thành hệ thống thể chế đồng bộ, thông thoáng mở đường đột phá về thu hút, phát huy các nguồn lực phát triển; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy và trọng dụng nhân tài, đẩy mạnh cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo điều kiện phát triển mạnh các mô hình, phương thức kinh doanh, sản xuất mới phù hợp với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đầu tư tập trung các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, liên thông, đặc biệt là hạ tầng số, giao thông, năng lượng mới...

Thứ ba, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

"Làm thế nào để xây dựng được bộ máy tổ chức của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả? Làm thế nào để đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược thật sự trong sạch, đủ năng lực, trình độ, trí tuệ, dũng khí để thiết kế, dẫn dắt cán bộ, đảng viên, Nhân dân bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam?" - TS. Lại Xuân Môn đặt câu hỏi.

Thứ tư, cần thực hiện những giải pháp hữu hiệu nào để phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chính sách; lãnh đạo thể chế hóa đường lối, chính sách thành pháp luật để quản lý Nhà nước và xã hội; cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước để chính sách, pháp luật thể hiện được đầy đủ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút mọi nguồn lực cho sự phát triển; linh hoạt, kịp thời phản ứng chính sách, xử lý kịp thời các vấn đề thực tiễn phát sinh làm chậm sự phát triển theo nguyên tắc bảo vệ, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc là trước hết và trên hết.

Thứ năm, về cuộc cách mạng chuyển đổi số, như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất, xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.

Thứ sáu, về chống lãng phí, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp; công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Về vấn đề này, chúng ta cần làm rõ quan hệ biện chứng giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với chống lãng phí và những giải pháp đủ mạnh để đạt kết quả cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhận diện kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO