Nhìn nhận khá lạc quan của CBRE ở năm 2019 cho thấy “ánh sáng” tích cực hơn, đặc biệt ở phân khúc cao cấp với người mua nhà nước ngoài.
Năm 2018, bất động sản Việt Nam phân khúc căn hộ - tính ở 2 vùng đô thị lớn nhất nước đạt nguồn cung khoảng 33.000 căn hộ và 32.000 căn hộ lần lượt tại Hà Nội và TP.HCM. Khả năng hấp thụ của thị trường cũng tương đương năm ngoái. Tại TP.HCM, tỉ lệ này đạt 77%, tại Hà Nội, tỉ lệ này là 87%.
Vì sao Hà Nội có tỷ lệ hấp thụ tích cực hơn TP.HCM trong khi dân số và tốc độ đô thị hóa ở TP.HCM lớn hơn? CBRE Việt Nam cho rằng do thị trường Hà Nội tập trung vào phân khúc trung cấp và bình dân, phân khúc người mua có khả năng chi trả. Mức giá bán ổn định trong suốt thời gian dài, chỉ có căn hộ hạng sang dao động giá, do có ít dự án. Tại TP.HCM, một số khu vực trọng điểm như quận 2, quận 7, quận Bình Thạnh, giai đoạn chào bán sau có giá cao hơn giai đoạn trước 10-20%.
Thị trường bất động sản hạng sang cũng đang chứng kiến sự quan tâm mạnh mẽ của người mua đến từ nước ngoài. Dựa trên dữ liệu giao dịch của CBRE, trong năm 2016, tỉ lệ người mua là người nước ngoài 53%, đến năm 2018 tăng lên 76%, trong đó có 31% là người mua từ Trung Quốc. Nếu 2-3 năm trước, người mua nước ngoài sinh sống và làm việc trong nước, giờ có những người sinh sống ở nước ngoài và thậm chí còn chưa từng đặt chân vào Việt Nam.
Tại thị trường văn phòng cho thuê, tình hình khan hiếm nguồn cung trong nhiều năm qua tại TP.HCM đang là cơ hội cho các chủ đầu tư dự án. Tại TP.HCM, các dự án đã gần lấp đầy với tỉ lệ trống văn phòng hạng A chỉ ở mức 3%, và dưới 5% với văn phòng hạng B. Sự khan hiếm nguồn cung khiến cho mặt bằng giá thuê văn phòng tăng cao. Giá thuê văn phòng hiện cao kỷ lục từ năm 2007 đến nay, trung bình 43 đô la Mỹ/m2/tháng ở phân khúc hạng A, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường bất động sản khu công nghiệp cũng được dự đoán sẽ "dậy sóng" trong năm tới do các doanh nghiệp sản xuất đang tìm kiếm địa điểm đặt nhà máy và Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hàng đầu.
Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định trong thời gian gần đây tạo niềm tin cho chủ đầu tư và các nhà đầu tư, nhiều chủ đầu tư trong nước và nước ngoài đang tăng cường dòng vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam. Tốc độ đô thị hóa nhanh và tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản nhà ở phát triển.
Tuy nhiên, thị trường cho vay mua nhà ở chưa thực sự phát triển đúng tiềm năng, cơ sở hạ tầng cũng chưa phát triển đồng bộ, chính sách liên quan tới giá đất, cấp phép dự án mới, quy định về tín dụng cho bất động sản... là các thách thức cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.