Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 vẫn còn dư địa tăng trưởng, đặc biệt với khả năng Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi...
Các chuyên gia đến từ các đơn vị tham gia tạo lập thị trường chứng khoán, đã dành những nhận định lạc quan để nói về thị trường 2021. Kèm kỳ vọng là những phân tích về cơ hội, rủi ro, các ngành hàng đáng chú ý trong danh mục đầu tư năm mới.
Lãi suất thấp, chứng khoán hưởng lợi
Xu hướng lãi suất có thể sẽ tiếp tục biến động tương đối tích cực trong giai đoạn sắp tới, tức là mặt bằng lãi suất vẫn có thể có dư địa hạ thấp hơn nữa so với năm 2020. Và khi mà mặt bằng lãi suất thấp, các kênh đầu tư đặc biệt là chứng khoán sẽ được hưởng lợi mạnh.
Ở thời điểm thị trường được định giá cao như năm 2018, P/E đạt trên 20 lần đến thời điểm hiện tại P/E dao động ở khoảng 16 lần, tuy vậy nếu so với các thời điểm trước có thể so sánh là rẻ hơn.
Với mặt bằng lãi suất thấp như hiện tại, rõ ràng ở góc độ nào đó sẽ khuyến khích nhiều nhà cá nhân tham gia thị trường vào năm 2021.
Đặc biệt, nhà đầu tư nên chú ý đến sự tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn năm 2021. Với bối cảnh phần lớn doanh nghiệp đạt tăng trưởng âm trong năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19, tuy nhiên một số ít doanh nghiệp vẫn đạt tăng trưởng dương. Do vậy sang năm 2021, vẫn có cơ hội cho nhà đầu tư lựa chọn một số doanh nghiệp phù hợp với kỳ vọng.
Một trong các yếu tố nữa, nhà đầu tư nên chú ý đó là các doanh nghiệp trên sàn hiện tại gần như đang thiếu các cơ hội để đầu tư. Nhu cầu đang bị sụt giảm dẫn tới một vấn đề khá lớn là gia tăng tài sản cố định của các doanh nghiệp hiện tại có vẻ chậm lại.
Theo thống kê, hiện tại các khoản tiền và tương đương tiền cũng như các khoản đầu tư ngắn hạn của các doanh nghiệp trên sàn đã đạt đến 20% tổng tài sản của các doanh nghiệp đó, chứng tỏ hiện tại họ đang khó khăn trong việc gia tăng tài sản cố định.
Nếu như vấn đề này vẫn tiếp tục trong năm 2021, rõ ràng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các năm sau đó sẽ thấp hơn. Do đó, tôi cho rằng việc đầu tư sẽ cần phải để ý đến các doanh nghiệp có khả năng duy trì được tăng trưởng, đáp ứng được mức định giá cao hơn.
Năm 2021 các yếu tố vĩ mô thuận lợi cho thị trường
Nhìn chung năm 2021 chưa có rủi ro nào lớn ảnh hưởng tới thị trường trong khi các yếu tố tích cực và kỳ vọng đang có phần lấn lướt.
Đặc biệt thông tin liên quan đến vắc -xin ngừa COVID-19. Chúng ta kỳ vọng có thể triển khai trong quý 2, chậm nhất là quý 3 sẽ phổ biến để giúp cho đẩy lùi dịch bệnh trên quy mô toàn cầu. Qua đó, các nền kinh tế trên thế giới có cơ sở để phục hồi các nền tảng kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm sau như chính sách hạ lãi suất, bơm tiền, nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, cùng với các gói chính sách kích thích về tài khóa. Tổng hòa các yếu tố trên, điều kiện vĩ mô của năm 2021 là tương đối thuận lợi cho thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán Việt Nam tăng trưởng. Đây là lý do nhà đầu tư có thể hướng đến các nhóm ngành cổ phiếu mang tính chu kỳ và hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô tăng trưởng, cùng với điều kiện hỗ trợ liên quan đến việc hạ lãi suất hay thúc đẩy đầu tư công.
Cụ thể, một số ngành có thể kể đến như ngành ngân hàng, ngành hàng tiêu dùng, bất động sản, xây dựng, nguyên vật liệu.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng
Chỉ số VN-Index đang là chỉ số có hiệu suất cao nhất trong khu vực tính từ đầu năm 2020 đến nay vào khoảng 6%, điều này phản ánh từ việc Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, đi kèm với đó là các yếu tố vĩ mô đang duy trì mức ổn định, chẳng hạn như chỉ số GDP vẫn giữ được mức tăng trưởng dương.
Năm 2020, Việt Nam cũng là thị trường có mức định giá thấp nhất trong khu vực, chỉ số P/E đang ở mức trên 15 lần trong khi các thị trường khác như Thái Lan, Philipines P/E đều ở trên ngưỡng 25 lần. Trong khi đó, ngược lại ROE của Việt Nam lại cao gần gấp đôi so với các nước khác trong khu vực với tỷ suất 10%, các quốc gia khác ở mức xấp xỉ hơn 5%.
Do đó sang năm 2021, tin tưởng thị trường vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Trở lại với diễn biến thị trường năm cũ, VN-Index đã có đà tăng rất tốt tính từ đầu năm, đặc biệt tính từ tháng 4 cho đến cuối năm chỉ số VN-Index đã tăng 50%. Đây là mức tăng cực kỳ cao và VN-Index đã vượt qua ngưỡng 1.000 điểm.
Theo quan điểm của chúng tôi trong ngắn hạn và trung hạn, hiện tại chỉ số VN-Index đang trong chu kỳ tăng trưởng mạnh. Mức mục tiêu chúng tôi kỳ vọng trong khoảng quý 1/2021, chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.200 điểm - đỉnh của năm 2017, năm 2018.
Trong giai đoạn quý 1/2021, đối với nhóm cổ phiếu nhà đầu tư nên quan tâm gồm:
Thứ nhất, nhóm ngân hàng sẽ vẫn là nhóm thu hút và dẫn dắt đà tăng của thị trường. Song nhà đầu nên lưu ý là vấn đề nợ xấu có thể xảy ra vào thời điểm cuối quý 1 và đầu quý 2/2021. Ngoài ra, các khoản lợi nhuận đột biến có thể bù đắp phần nào đó vấn đề nợ xấu.
Thứ hai, nhóm ngành chứng khoán hưởng lợi chính từ sự hồi phục của thị trường. mức độ thanh khoản trung bình hiện nay đã mang lại tiềm năng tăng trưởng cho các công ty chứng khoán so với thời điểm trước đây. Quan điểm của tôi cho rằng mức độ rủi ro cạnh tranh giữa công ty chứng khoán trong nước và nước ngoài sẽ giảm dần khi độ lớn của thị trường ngày càng “nở ra”, dư địa của thị trường vẫn lớn, đây là yếu tố giúp giảm đi rủi ro cạnh tranh.
Kỳ vọng VN-Index sẽ chạm mốc 1.180 điểm
Tính tới ngày 30/11/2020, theo dữ liệu của Bloomberg, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E bình quân 12 tháng (TTM P/E) đạt 16,3 lần, cao hơn mức P/E 15,0 lần vào đầu năm 2020. P/E bình quân 12 tháng hiện tại đã nhỉnh hơn so với P/E trung bình 5 năm trước đây là 15,9 lần. So sánh trong khu vực, P/E bình quân 12 tháng của Việt Nam thấp hơn so với các thị trường lân cận. Tuy nhiên TTCK Việt Nam hiện vẫn đang thuộc nhóm thị trường cận biên trong khi hầu hết các thị trường trong khu vực đều đã lên nhóm thị trường mới nổi.
VNDIRECT ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 trên VN-Index sẽ tăng trưởng xấp xỉ 23% so với cùng kỳ, thấp hơn so với dự phóng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong hạng mục đánh giá của VNDIRECT là 36% so với cùng kỳ. Đối với các cổ phiếu không nằm trong phạm vi của VNDIRECT, chúng tôi sử dụng và đồng thuận dự báo lợi nhuận của Bloomberg. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.180 điểm trong năm 2021 nhờ các yếu tố sau: (1) TTM P/E của VN-Index sẽ duy trì ổn định ở mức P/E trung bình 5 năm trước đây là 15,9 lần; (2) Dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp trên toàn bộ chỉ số VN-Index sẽ tăng 23% so với cùng kỳ và tỷ suất cổ tức của VN-Index đạt 1,8% trong năm 2021.
Tiềm năng tăng giá bao gồm: (1) TTCK Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 6/2021, (2) TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 9/2021 và (3) vắc-xin COVID-19 được đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm (1) kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự kiến và (2) lợi nhuận của các công ty niêm yết phục hồi chậm hơn dự kiến.
Có thể bạn quan tâm