Khi và chỉ khi không phá hoại môi sinh thì loài người mới có cơ may kéo dài sự sống trên trái đất.
Tiến bộ y học tuy nhanh chóng nhưng không theo kịp chu kỳ xuất hiện các đại dịch
Tính từ đại dịch đầu tiên được ghi nhận diễn ra năm 3.000 TrCN - bệnh Circa, đến đại dịch thứ hai, mang tên Athens là 2.650 năm; đại dịch thứ 3, bệnh Antonine xuất hiện 500 năm sau đó. Thời gian giữa đại dịch thứ 4 và thứ 5 rút xuống 300 năm.
Từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 20 xuất hiện 8 đại dịch, từ đầu thế kỷ 21 đến nay mới 21 năm đã có 4 đại dịch nghiêm trọng. Như vậy, càng tiến bộ khoa học, càng phát triển, dịch bệnh càng dễ bùng phát!
Nguyên nhân lớn nhất gây ra dịch bệnh là do con người tác động thô bạo vào tự nhiên. Dễ thấy, có hàng trăm phát minh nhằm khai thác bòn rút tự nhiên, hoặc khắc phục “lỗ hổng” của con người, nhưng rất ít phát kiến bảo vệ tự nhiên được tôn vinh!
Trái đất không ngừng nóng lên, băng không ngừng tan và đất liền không ngừng bị nhấn chìm. Cứ mỗi diện tích đất nhất định bị mất đi sẽ xuất hiện hàng loạt loài sinh vật ngoại lai xâm nhập vào không gian sinh sống của con người. Đa phần là gây hại.
Rừng không ngừng bị đốn hạ, con người sinh sống ngày càng gần hơn với muông thú - dĩ nhiên, đó không thuộc nội hàm của khái niệm “gần gũi với thiên nhiên” mà nói đúng hơn là gần hơn với mối họa từ sinh vật ngoại lai.
Cho đến nay tất cả những đại dịch gây chết người hàng loạt từng xảy ra đều có nguồn gốc từ tự nhiên. Bệnh AIDS gây ra bởi virus SIV từ loài khỉ Trung Phi. Bệnh dịch hạch gây ra một đại dịch được gọi là “Cái chết đen” vào thế kỷ 14 gây ra từ loài bò chét trên chuột. Cho đến nay dịch COVID-19 được cho là xuất phát từ loài dơi hoang dã mang virus corona truyền sang người.
Đối với đại dịch đang xảy ra, con người đã phản ứng rất mau lẹ, giải mã bản đồ gene và bào chế vaccine trong khoảng thời gian chưa đến 12 tháng. Có điều, không ai dự báo được khi nào COVID-19 kết thúc, ngành y phải chuẩn bị thêm vaccine gì, biến chủng nào sẽ xuất hiện?
Các số liệu kỹ thuật y dược học liên quan đến COVID-19 thay đổi rất nhanh, từ thông số 1 mũi vaccine, 2 mũi vaccine và có thể 3 mũi hoặc nhiều hơn, thậm chí phải tiêm định kỳ hàng năm để ngừa bệnh.
Chưa ai dự báo được khi nào COVID-19 kết thúc, biến chủng mới ra sao!
Dường như con người không học được điều gì từ các đại dịch đã xảy ra, bởi vì các đại dịch là không giống nhau về nguồn gốc, cơ chế sinh vật gây bệnh, nguyên nhân lây bệnh. Vì vậy không thể viết cuốn cẩm nang phòng dịch để dùng mãi mãi!
Ngày nay, lý thuyết mầm bệnh hiện đại và công nghệ giải trình tự gene tiên tiến là các công cụ giúp con người tìm ra điểm yếu của virus gây đại dịch và hạn chế sự lây lan. Nhưng đó không phải là phát minh một lần dùng cho mãi mãi.
Theo số liệu của CDC Hoa Kỳ, mỗi năm khoảng 2,5 tỷ người nhiễm các bệnh từ động vật, nên đã có 2,7 triệu người tử vong cùng thời gian vì những căn bệnh chưa có trong từ điển y học.
Mặc cho tiến bộ khoa học đáng kinh ngạc diễn ra ở Mỹ, Đức, Anh, Pháp, dù cho hàng nghìn CDC lập ra trên toàn cầu thì dịch bệnh vẫn xâm nhập như thường với chu kỳ ngày càng rút ngắn lại.
Chiến đấu với các đại dịch không giống như cuộc chiến truyền thống - nơi mà các quốc gia chỉ cần sản xuất vũ khí, mua vũ khí dự trữ trong kho chờ ngày khai hỏa.
Nói vậy không có nghĩa là loài người không còn tương lai, minh chứng là hành tinh xanh đã vượt qua vài chục đại dịch từ thời cổ đại đến nay - bên cạnh khả năng thích nghi siêu việt là nhận thức về tự nhiên ngày càng thay đổi.
Không tự nhiên mà truyền thông quốc tế đặt cho Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là “hội nghị quan trọng nhất lịch sử loài người”, “hội nghị bàn cách cứu trái đất”.
Khi và chỉ khi không phá hoại môi sinh thì loài người mới có cơ may kéo dài sự sống trên trái đất. Bảo tồn rừng là không xâm phạm đến hàng tỷ “ông kẹ” virus gây bệnh tương tự corona, SIV, SARS, Nipah, cúm lợn, Ebola, chikungunya, Zika.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển đổi số là "vũ khí" quan trọng giúp kiểm soát dịch bệnh
05:00, 20/10/2021
Cơ cấu nền kinh tế tính đến dịch bệnh khó đoán định
22:17, 12/10/2021
Quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9
17:26, 06/09/2021
Trầm cảm - Nỗi lo mới trong thời kỳ dịch bệnh
06:35, 20/07/2021
EURO và bài test “kinh tế - dịch bệnh” ở châu Âu
13:35, 23/06/2021