Từ một hacker "hạng nặng", Phùng Anh Tuấn “chuyển mình” với F88, một công ty hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ ở Việt Nam.
F88 vừa công bố nhận thêm 140 tỷ đồng trong vòng đầu tư tăng trưởng thứ 3 từ hai quỹ tài chính quốc tế Mekong Enterprise Fund III (do Mekong Capital tư vấn quản lý) và Granite Oak, với định giá xấp xỉ 2.100 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019.
Ra đời từ năm 2013, F88 là doanh nghiệp tiên phong trong thị trường cho vay cầm cố tại Việt Nam, chuyên cung cấp dịch vụ cho vay cầm cố xe cộ.
Từ năm 2019, F88 đã phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu (tương đương với trên 8,5 triệu USD). Trong đợt phát hành trái phiếu lần đầu, Hoa hậu Mai Phương Thúy là "đại gia" đã đầu tư 10 tỷ đồng để mua trái phiếu của chuỗi cầm cố tài sản này.
Tên tuổi của F88 gắn liền với ông Phùng Anh Tuấn.
Cú chuyển hướng của hacker "hạng nặng"
Trước khi được biết đến với vai trò là người điều hành F88, ông Phùng Anh Tuấn từng được đánh giá là một hacker “hạng nặng” trong giới công nghệ toàn quốc.
Theo tìm hiểu, vào năm 2003, ngay sau buổi hội thảo “hacker thiện chí”, 6 nhóm hacker nổi danh trên toàn quốc tuyên bố giải tán rút khỏi “giang hồ” để tập trung vào một “ngôi nhà chung” là địa chỉ www.security.com.vn. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, việc tan rã và hợp nhất mang tính “lịch sử” trong giới hacker đó xuất phát từ ý tưởng của Phùng Anh Tuấn – trưởng nhóm Viet hacker “khét tiếng” và một cá nhân khác là Đỗ Ngọc Duy Trác – lập trình viên có tiếng của Công ty VASC.
Thời điểm ấy, dù chưa đầy 20 tuổi nhưng Phùng Anh Tuấn đã lãnh đạo nhóm Viet hacker với số lượng thành viên chiếm đến một nửa số lượng hacker tại Việt Nam.
Sau này, khi thành lập công ty an ninh mạng VSEC, Phùng Anh Tuấn và các đồng sự đã góp phần không nhỏ trong việc cảnh báo cho rất nhiều “đại gia” trong làng CNTT như FPT, Cty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), Viettel Internet, Bộ Thương mại… để họ sửa lỗi trong hệ thống trước khi bị tấn công. Trong đó, nổi bật và vụ cảnh báo thành công một lỗ hổng nghiêm trọng trên hệ thống ngân hàng trực tuyến (banking online) của một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Với lỗ hổng này, hacker có thể kiểm soát những khoản tiền rất lớn, thậm chí cả quỹ đầu tư lên đến hàng chục triệu USD.
Ông Tuấn từng thừa nhận, cá nhân ông luôn thích làm những thứ mới mẻ, đột phá và có đóng góp cho xã hội. Năm 2003, khi thành lập Công ty An ninh mạng VSEC thì đây một startup trong lĩnh vực bảo mật hoàn toàn mới mẻ. Lúc đó, trung tâm là đơn vị đào tạo đầu tiên về An toàn thông tin ở Việt Nam. Tương tự, khi ông quyết định thành lập cầm đồ F88, cũng chưa có bất kì đơn vị nào làm chuyên nghiệp và giải quyết tốt bài toán này ở Việt Nam.
Về nguyên nhân khởi nghiệp dự án cầm đồ, ông Phùng Anh Tuấn cho biết, do những năm đầu thời sinh viên, ông đã khởi nghiệp mở công ty. Cuối tháng, sau khi trả chi phí lương cho nhân viên xong thì hết tiền hay doanh thu chưa bù được chi phí nên có những lúc ông phải mang đồ đi cầm cố.
Ngay từ lúc đó, ông Tuấn đã nhận thấy cầm đồ là một kênh có thể huy động được tiền nhanh chóng để xử lý công việc trước mắt. Và ngay cả 10 năm sau đó, khi khởi nghiệp với dự án F88, ông vẫn thấy đây là một dịch vụ rất tiềm năng vì rất nhiều người có nhu cầu cần vốn gấp. Từ đó, ông thấy rằng đây là một cơ hội rất lớn, nếu có thể làm được thì sẽ tạo ra một kênh tiếp cận tài chính nhanh chóng, tiện lợi mà an toàn cho người sử dụng.
"Thời kỳ đầu còn nhiều khó khăn, đôi lúc anh em đã phải đi cầm đồ để theo đuổi đam mê rồi nhận thấy thị trường cầm đồ vô cùng tiềm năng cũng như còn nhiều cơ hội để phát triển công ty một cách chuyên nghiệp và khác biệt nếu biết kết hợp lợi thế công nghệ của mình vào hoạt động kinh doanh. Nhưng phải đến 5 năm sau tôi mới đủ 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để thực hiện", ông Tuấn kể.
Lợi thế lớn nhất của Tuấn khi bước vào kinh doanh cầm đồ là đội ngũ. Đồng sáng lập với anh là người có kinh nghiệm 15 năm trong ngành cầm đồ, hiện phụ trách toàn bộ khối kinh doanh của F88. Ban cố vấn của F88 còn có Alan Barron - cựu CEO của Tập đoàn First Cash sở hữu 2.000 cửa hàng cầm đồ tại Mỹ. Tuy nhiên, F88 vẫn gặp không ít khó khăn trong việc phát triển nguồn nhân lực vì đa số nhân sự chưa hiểu rõ về ngành cầm đồ, chưa biết cách định giá tài sản. Đây cũng là khâu rủi ro cao nhất của ngành này.
Ông Tuấn giải thích: "Nếu khâu định giá làm không chuẩn, chỉ cần cho vay cao hơn một chút sẽ dẫn tới thua lỗ khi thanh lý tài sản, còn nếu định giá thấp hơn một chút thì khách sẽ không tới nữa. Chưa kể nghiệp vụ yếu, cầm phải tài sản không rõ nguồn gốc sẽ gây hậu quả khó lường. Vì vậy, muốn nhân rộng nhanh mô hình, chúng tôi phải giải được bài toán về nhân sự thẩm định, trong khi tại Việt Nam hiện chưa có nơi đào tạo nhân viên thẩm định giá một cách bài bản".
Nhiều người cho rằng F88 kinh doanh ở lĩnh vực nhiều rủi ro và khó thay đổi định kiến xã hội nhưng với ông Tuấn, nghề nào cũng có rủi ro, rủi ro lớn thì cơ hội sẽ lớn. "Quan trọng là nhận biết rủi ro ở đâu để đưa ra giải pháp phòng bị, tạo được dịch vụ tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Còn muốn thay đổi định kiến xã hội thì trước hết phải xây dựng được văn hóa và con người. Doanh nghiệp có văn hóa tốt thì sẽ có dịch vụ tốt và giải được mọi bài toán khó”, ông Tuấn nói.
F88 đang làm ăn ra sao?
Trong công bố thông tin tình hình tài chính tóm tắt năm 2019, F88 báo lãi sau thuế đạt 16,6 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 2018, nhưng chỉ tương đương với 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019 đã đề ra.
Với quy mô vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm ngoái ở mức 251,6 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 6,6%.
Theo thông tin công bố trước đó, đến cuối năm 2018, F88 ghi nhận lỗ lũy kế 34,4 tỷ đồng. Như vậy, tính đến cuối năm 2019 mức lỗ luỹ kế Công ty được giảm về mức 18 tỷ đồng.
Tháng 8/2019, F88 huy động được 100 tỷ đồng trái phiếu từ 39 nhà đầu tư. Trong đó có 2 nhà đầu tư tổ chức, 36 nhà đầu tư cá nhân trong nước và 1 nhà đầu tư nước ngoài. Thương vụ có sự tham gia của hoa hậu Mai Phương Thúy với số tiền 10 tỷ đồng và CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Năm 2020, F88 đặt kế hoạch đầy tham vọng, dự kiến tăng gấp đôi quy mô từ năm 2020 lên đạt 200 cửa hàng, sang năm 2021 đạt 300 cửa hàng. Doanh thu thuần cũng sẽ tăng theo cấp số nhân, đạt 284 tỷ năm 2019 và 1.619 tỷ năm 2021, tốc độ tăng trưởng doanh thu 189%/năm trong 5 năm từ 2017-2021.
Trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020 dự đạt 377 tỷ đồng – tức tăng gấp 22 lần con số thực hiện của năm 2019, tương đương tỷ suất ROE đạt 40%. Năm 2021, con số dự nhân hai lên 816 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm