Đây không phải là lần đầu tiên các chương trình khuyến mãi của McDonald’s làm nhân viên điêu đứng.
>>McDonald's đổi thương hiệu ở Nga: Ngon và thế là xong!
Việc các nhân viên của những chuỗi F&B khốn khổ vì những chiến dịch marketing của thương hiệu không phải là chuyện hiếm. Mà mới đây nhất là McDonald’s, khi các nhân viên mong mỏi khách hàng đừng đặt suất ăn Happy Meal nữa.
Các suất ăn Happy Meal vốn chỉ dành cho trẻ em. Nó bao gồm đồ ăn và một món đồ chơi nhỏ nhỏ xinh xinh. Thế nhưng trong tháng 10, McDonald’s sẽ cho phép khách hàng đặt suất Happy Meal người lớn. Giống như phiên bản trẻ em, Happy Meal người lớn cũng kèm một món đồ chơi. Đây là một phần trong chiến lược hợp tác với Cactus Plant Flea Market, một thương hiệu thời trang đường phố.
Khách hàng rất hào hứng với chương trình này, đặc biệt là các món đồ chơi có giới hạn. Tuy nhiên nhân viên McDonald’s lại không như vậy. Họ lên trên các trang mạng xã hội như TikTok hoặc Reddit và viết những dòng tin như:
“Mọi người ơi, làm ơn đừng gọi Happy Meal nữa”
“Tụi tôi muốn phát điên với suất Happy Meal người lớn”
“Happy Meal kiểu mới khiến tôi muốn chết đi sống lại luôn”
“Ngày đầu tiên chạy chương trình, cửa hàng hết hộp đựng, ngày thứ hai thì hết đồ chơi tặng kèm, ngày thứ ba tụi tôi phải giải thích với khách là xe chở hàng phải ngày mai mới đến. Chuyện này không vui chút nào cả.”
Hiện McDonald’s vẫn chưa đưa ra phản hồi về vấn đề này.
>>Gã khổng lồ McDonald’s bị “người tí hon” kiện 900 triệu USD
Đây không phải là lần đầu tiên các chương trình khuyến mãi của McDonald’s làm nhân viên điêu đứng.
Trong năm 2017, McDonald’s cho phục vụ lại món nước chấm Tứ Xuyên trong một ngày. Đây là một phần trong chương trình marketing với show Rick and Morty. Những khách hàng yêu thích món nước chấm này nhanh chóng đi đến các cửa hàng McDonald’s. Tuy nhiên nguồn cung khá hạn chế, còn khách hàng thì đông, khiến mọi người phải xếp hàng dài, có những người gây rối và thậm chí phải nhờ sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Và mọi việc tồi tệ hơn khi McDonald’s không nói rõ nước chấm này chỉ có ở một số nhà hàng nhất định, làm một số người chạy đến các cửa hàng không có nước chấm Tứ Xuyên.
Hoặc trong năm 2021, khách hàng của McDonald’s cũng một phen nháo nhào khi McDonald’s “hồi sinh” lại suất ăn Pokemon Happy Meal với các card sưu tập để kỷ niệm 25 năm video game này. Tuy nhiên không may là chương trình lại ra đời trong thời điểm card Pokemon đang sốt giá, một tấm có thể được trả giá cao hơn đến 350 lần. Kết quả là một số cửa hàng McDonald’s buộc phải hạn chế bán Pokemon Happy Meal để ngăn ngừa những người chuyên đi săn card Pokemon rồi về rao bán lại trên eBay.
Không chỉ McDonald’s, mà các thương hiệu khác cũng khiến nhân viên đau đầu vì một số chiêu trò quảng cáo, điển hình là Starbucks. Thương hiệu này từng cho phép khách hàng order những món theo ý thích của họ, dù cho món đó không có trong menu. Khách hàng chắc chắn sẽ thích điều này, thi nhau yêu cầu bartender làm những món độc nhất vô nhị. Starbucks cũng thích, vì được chính khách hàng quảng cáo cho, khi khách hàng thường xuyên khoe trên mạng xã hội những món đồ uống đó. Chỉ có những nhân viên Starbucks là mệt mỏi và căng thẳng khi hoàn thành những đơn hàng mà khách hàng tự ý điều chỉnh nguyên liệu này, thành phần kia. Và trong năm ngoái, một tweet của nhân viên Starbucks than phiền về vấn đề này đã được lan truyền nhanh chóng.
Có thể bạn quan tâm