TS Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đánh giá, cuộc cách mạng công nghệ số có thành công hay không phụ thuộc vào việc cộng đồng doanh nghiệp có khẩn trương chuyển đổi số hay không?
Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam hiện hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Do đó, doanh nghiệp SME không chuyển đổi số thành công thì nền kinh tế của chúng ta không thể là nền kinh tế số.
Doanh nghiệp SME phải chuyển đổi thành công
Trong khi đó, TS Trương Hoàng Linh – GĐ Kỹ Thuật số Quốc gia ABB Việt Nam cho rằng, tất cả doanh nghiệp Việt Nam đều nằm trong trung tâm của quá trình chuyển đổi số của cuộc CMCN lần thứ 4 này. Bởi, chúng ta nhìn vào việc chuyển đổi số sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam, từ các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ đến các doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên bà Phạm Thị Hương, Giám đốc Công ty Chế tạo máy Autotech (doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp tự động hóa) cho rằng, tại Việt Nam hầu hết các lĩnh vực đều có thể coi là chưa có các doanh nghiệp thông minh, doanh nghiệp tự động hóa do còn gặp nhiều rào cản, trong đó đặc biệt là vấn đề kinh phí đầu tư phát triển công nghệ chưa phù hợp. Vấn đề lớn nhất nằm ở nhận thức của chủ doanh nghiệp về tự động hóa còn hạn chế. Trong khi, khối doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài lại rất nhanh nhạy trong vấn đề này.
Thay đổi tư duy của người đứng đầu doanh nghiệp
Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, hiệu quả của doanh nghiệp số với sản xuất thông minh sẽ cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp thông thường đang thấy hiện nay. “Thế nên dù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất hạn chế về nguồn nhân lực, tài lực kể cả nguồn thông tin còn hạn chế, thế nhưng người lãnh đạo doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và phải ngay lập tức tìm hiểu về quá trình chuyển đổi số, xây dựng chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp thì mới hy vọng thành công.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Quân nhận định, trình độ công nghệ của Việt Nam cũng đang ở mức thấp, máy móc, thiết bị đã lạc hậu vài chục năm, nguồn nhân lực trong công nghiệp và nông nghiệp chủ yếu chưa qua đào tạo, tỉ lệ qua đào tạo chỉ trên dưới 30%.
Việt Nam đang thiếu các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao. Do vậy, yêu cầu sản xuất thông minh đang là một áp lực, một sức ép rất lớn đối với tất cả các lĩnh vực, các ngành sản xuất. Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực nêu trên, theo TS. Nguyễn Quân, ngành giáo dục đào tạo cần phải thay đổi quy trình đào tạo từ trình độ phổ thông đến chuyên gia về chuyển đổi số và công nghệ số. Nhà nước cần huy động được vốn đầu tư của xã hội. Doanh nghiệp phải dành một phần lợi nhuận của mình cho tái đầu tư chuyển đổi số. Các viện, trường phải nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài, tiếp thu các công nghệ mới để dần làm chủ tiến tới sáng tạo ra công nghệ của Việt Nam cho phù hợp với tình hình của Việt Nam.