Vụ 39 thi thể được tìm thấy trong một container ở miền đông nước Anh mới đây càng bộc lộ tình trạng nhập cư lậu đáng báo động tại Anh nói riêng và châu Âu nói chung.
Mới đây, toàn bộ 39 thi thể tìm thấy trong chiếc xe tải hiện đã được chuyển từ cảng Tilbury tới bệnh viện Broomfield ở thành phố Đông Bắc Anh - Chelmsford. Hiện tại, quy trình nhận dạng nạn nhân và xuất xứ của họ đang được tiến hành. Quá trình này diễn ra song song với công tác điều tra - cảnh sát Essex (Anh) nhận dạng các thi thể, đồng thời bảo vệ các bằng chứng pháp y nhằm tìm lại công lý cho các nạn nhân và thân nhân của họ.
Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông đầy thương tâm về vấn nạn nhập cư lậu - khi "giấc mơ châu Âu" trở thành nỗi ám ảnh.
Có thể bạn quan tâm
09:34, 27/10/2019
16:33, 13/08/2019
04:23, 25/06/2018
Giấc mơ châu Âu
Bắt đầu vào năm 2015, khi lượng người nhập cư vào châu Âu từ khu vực Trung Đông và châu Phi, gần đây là châu Á tăng đột biến, mỗi ngày, hàng trăm và có thể hàng nghìn người theo nhiều cách khác nhau đã tìm cách vượt biên. Họ có thể trèo qua hàng rào ở Morocco để tới lãnh thổ Tây Ban Nha hay chen chân trong xe tải từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc lên tàu di chuyển sang các nước có chính sách mềm cho người nhập cư tại EU.
So với Mỹ, châu Âu là "giấc mơ đẹp" với những người nhập cư. Một số nước châu Âu được biết đến với chính sách chào đón người tị nạn. Thậm chí một số nước ở phía Bắc và Tây Âu có nhiều lợi ích để giúp đỡ dân di cư ổn định cuộc sống tại vùng đất mới.
Với châu Âu, lượng người nhập cư là một cách để mở rộng thị trường vốn và lao động châu Âu. Những người nhập cư có thể làm trong khu chế xuất và chấp nhận mức lương thấp hơn so với lực lượng lao động bản địa.
Bên cạnh đó, Chính phủ một số nước như Cộng hòa Séc, Đức, Hungary đang có nhiều chính sách thu hút người lao động châu Á nhờ kỹ năng, sự cần cù, chăm chỉ cho những công việc như điều dưỡng, xây dựng, y tế...
Mặt khác, việc Vương quốc Anh đang trong quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu đã đặt ra những thách thức về nhân lực khi báo cáo của Phòng Thương mại Anh (BCC) cho biết, Anh sẽ thiếu trầm trọng nhân công nếu chính phủ Anh không có chính sách phù hợp cho người nhập cư.
Ở châu Âu cũng như các nước giàu khác, tỷ lệ sinh đang ở mức thấp. Các quốc gia này cần người nhập cư nhiều năng lượng, sức trẻ và kỹ năng để làm những việc mà dân bản địa vì lý do nào đó không thể hoặc không muốn làm. Do vậy, ngày càng nhiều người nhập cư đã tìm cách vượt biên vào châu Âu cùng giấc mơ đổi đời.
Tuy nhiên, điều này đã kích thích một cuộc nội chiến trong lòng EU về vấn đề nhập cư, từ đó, những câu chuyện đau lòng đã liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây. Với những nước Tây Âu giàu có với vai trò “đầu tàu” của EU, chính phủ đã duy trì một chính sách mềm mỏng hơn về nhập cư so với các nước Trung và Đông Âu. Áp lực từ sự phản đối trong nước khiến họ không thể tiếp nhận làn sóng nhập cư.
Rào cản chính sách
Vấn đề nhập cư đã gây ra sự chia rẽ hơn bao giờ hết giữa các nước thành viên. Các đảng dân túy cánh hữu đã lợi dụng tâm lý bất an của người dân liên quan đến vấn đề nhập cư và “bản sắc dân tộc” để “cổ xúy” chủ nghĩa bài ngoại và bài Hồi giáo nhằm gia tăng sự ủng hộ của cử tri.
Những người theo chủ nghĩa dân túy đã ngăn chặn các nỗ lực để EU đưa ra một chính sách nhất quán trong việc kiểm soát vấn đề nhập cư. Vào thời điểm dân số bị thu hẹp đe dọa sự tăng trưởng của Châu Âu, chương trình nghị sự chống người nhập cư là một thảm họa khi dẫn tới việc gia tăng nhập cư trái phép và tạo cơ hội cho những tổ chức buôn người, nhập cư lậu hoành hành.
Các chuyên gia chỉ ra, đã có một sự gia tăng tương đối ổn định về số lượng người qua Địa Trung Hải bằng thuyền hoặc đi một tuyến đường khác và đi về phía bắc qua Vịnh Balkan nếu châu Âu thi hành các biện pháp kiểm soát thống nhất. Nhưng sau đó, toàn bộ châu Âu đã lựa chọn biến lục địa thành một pháo đài, để ngăn chặn người dân di cư đến vùng đất này.
Việc các quốc gia siết chặt các quy định về nhập cư và những chính sách ít nhân đạo tại các nước đối với những người tị nạn đã vô tình thúc đẩy nạn nhập cư trái phép vào châu Âu. Luật sư bảo vệ người nhập cư Harjap Bhangal cho biết, khi bị đưa vào những trại tị nạn, người nhập cư có nguy cơ bị đưa trở lại quê hương, hoặc sống trong những tình trạng tồi tệ như không có nước uống, lương thực, ngăn cản các tổ chức cứu trợ phân phát thực phẩm và quần áo.
"Chính vì vậy, họ chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn qua những tay buôn người để nhập cư trái phép, tránh sự truy bắt của chính quyền để được tồn tại ở châu Âu. Và hành trình này không phải lúc nào cũng trót lọt", ông đánh giá.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, hơn 3.000 người di cư đã chết khi cố vượt qua Địa Trung Hải vào năm 2014. Ước tính chung là hơn 22.000 người di cư đã chết từ năm 2000 đến 2014. Mặc dù số người chết trên tuyến đường trung tâm nối từ Địa Trung Hải đến Ý đã giảm trong năm qua, nhưng số người chết đuối đã tăng mạnh lên hơn 2000 người trong năm 2018.
Có thể thấy, cuộc tranh luận về di cư thực sự là một cuộc tranh luận về đa văn hóa, về kết cấu của các xã hội châu Âu, về bản sắc và ý thức về sự gắn bó. Điều này đã được đánh dấu bởi nỗi sợ hãi và sự bất an của một phần của dân số bản địa và được hình thành bởi một niềm tin vào sự vượt trội của châu Âu.
Do đó, cuộc chiến chống nạn nhập cư trái phép sẽ không dễ dàng. Những vụ việc thương tâm như chiếc xe chờ 39 "giấc mơ châu Âu" sẽ vẫn còn tiếp diễn nếu EU không có những điều kiện quản lý hợp pháp và cần thiết. Không phải vì người nhập cư xứng đáng nhận được sự cảm thông, mà bởi vì châu Âu cần người nhập cư.