Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã khẳng định như vậy tại phiên chất vấn chiều 31/10.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Tại phiên chất vấn, đại biểu Hà Thị Lan đã đặt câu hỏi về lỗ hổng trong quản lý phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan chức năng đã biết trước và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên tham mưu chính sách phòng ngừa từ xa vấn đề này.
Ông Hà cho biết, một số nguyên liệu cần cho sản xuất thì được phép nhập. Vấn đề ở đây chính chúng ta chưa kiểm soát được hàng hoá vào lãnh thổ và chưa có cơ chế cơ quan gác cổng phối hợp với các cơ quan quản lý kiểm soát.
Về giải pháp giải quyết tình trạng này, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: "Giải quyết vấn đề này không khó. Trước khi các lô hàng vào thì yêu cầu tổ chức độc lập kiểm tra. Bộ Tài nguyên đã ban hành đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để giám định. Việc kiểm soát không cho nhập khẩu phế liệu vào là trong tầm tay".
Về hướng xử lý số container phế liệu tồn ở cảng, Bộ trưởng Trần Hồng Hàn cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập về phải bỏ tiền ra tái xuất; với số lượng hơn 58% container nhập lậu, không có giấy tờ thì áp dụng một số biện pháp xử lý. Số này là chất thải do chứa rác, nên cơ quan chức năng sẽ lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực xử lý.
Nhà nước sẽ không mất đồng nào vì doanh nghiệp có thể sử dụng hàng hoá này bán đấu giá, một phần dùng bù đắp chi phí, một phần để xử lý chất thải. “Nếu làm được như vậy thì chỉ 2 tháng sẽ giải phóng được số lượng container đang tồn ở cảng", người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó, từ ngày 1/10/2018 không cho phép phế liệu nhập khẩu thông qua các cửa khẩu bằng đường bộ và đường sắt vào Việt Nam.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, bổ sung quy định về việc tạm dừng các hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa là phế liệu nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, áp dụng hoặc đề xuất áp dụng biện pháp tạm ngừng hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa là phế liệu vào lãnh thổ Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định của WTO đối với việc nhập khẩu phế liệu.
Đối với Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động buôn bán và sử dụng phế liệu nhập khẩu. Từ ngày 1/10/2018 không cho phép phế liệu nhập khẩu thông qua các cửa khẩu bằng đường bộ và đường sắt vào Việt Nam.
Về phía Bộ GTVT, Thủ tướng giao trách nhiệm cơ quan này chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, chủ tàu, chủ hãng vận tải biển chỉ được đưa xuống tàu để vận chuyển về Việt Nam những đơn hàng có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu (còn hiệu lực) nhằm phòng ngừa vận chuyển phế liệu bất hợp pháp từ xa ngoài biên giới. Chủ tàu, chủ hãng vận tải biển phải chịu trách nhiệm đối với lô hàng phế liệu đang vận chuyển của tổ chức, cá nhân không có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu và chủ hàng không xuất trình được Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực, hạn ngạch nhập khẩu và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh cảng biển phải chịu trách nhiệm về việc cho phép bốc dỡ các lô hàng phế liệu nhập khẩu nêu trên.