Cuộc đua chuyển đổi số, nhà thông minh (smart home) đang là loại hình được nhiều đơn vị hướng tới, song các dự án thực tế chưa có quy chuẩn để công nhận smart home.
>>> Vì sao giá căn hộ Hà Nội liên tục tăng?
Một nghiên cứu mới đây của Công ty Nghiên cứu và Phân tích chiến lược toàn cầu OMDIA, thị trường smart home toàn cầu năm 2020 trị giá ước tính 60,8 tỷ USD, dự kiến sẽ vượt quá 178,5 tỷ USD vào năm 2025, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 24,1% từ năm 2020 đến năm 2025.
Trong khi đó, tại Việt Nam, nghiên cứu của Statista cho thấy có tới 10% hộ gia đình trang bị smarthome. Hay lạc quan hơn, theo Vietnam Smarthome Report 2022 - báo cáo ngành smarthome đầu tiên tại Việt Nam con số 10% hứa hẹn sẽ tăng vọt trong tương lai gần, với khả năng bắt kịp tốc độ phát triển khoa học - công nghệ như vũ bão của người Việt, cùng mức sống ngày một nâng cao.
Ghi nhận của PV trong những năm qua, nhiều đơn vị trong nước đã đánh mạnh mới thị trường này, mới nhất là Bkav Smarthome có thể thiết kế các kịch bản ngữ cảnh thông minh dựa vào thói quen của chủ nhà, điểu khiển trực quan với giao diện 3D.
Hay VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng đã trình làng giải pháp Vsmart Smarthome. Đơn vị này nghiên cứu phát triển cả phần cứng và phần mềm quản lý với hệ thống đèn điện, điều hòa, tivi, bình nóng lạnh, rèm cửa… bằng smartphone và giọng nói.
Có thể bạn quan tâm |
Tương tự, FPT Telecom hồi cuối năm 2021 cũng trình làng giải pháp FPT Smarthome phiên bản 2021 với điểm nổi bật là loa thông minh FPT Play Box S với tính năng Hands-free Voice Control (điều khiển không chạm).
Ngoài ra, có thể kể đến các thương hiệu nước ngoài như Siemens (Đức), Schneider (Pháp), Smartg4 (Mỹ), Gamma (Đức), Fibari (Ba Lan), Philip Hue (Phần Lan) Xiaomi (Trung Quốc)… cũng đang “xí phần” miếng bánh ngọt smarthome tại Việt Nam.
Trong khi đó, với quy mô các dự án bất động sản, "căn hộ 4.0" hay “căn hộ thông minh” cũng đang trở thành cụm từ được quảng bá rầm rộ để “làm sang dự án”.
Gần như căn hộ thông minh đã trở thành một tiêu chí mà dự án nhà ở nào cũng muốn sở hữu. Về giá bán, giống với các nước trong khu vực, giá bán một căn hộ thông minh tại Việt Nam cao hơn các căn hộ truyền thống từ 10 - 15%.
Theo các chuyên gia, thị trường Internet và điện thoại thông minh đang ngày càng phổ biến, cùng với công nghệ 5G và thu nhập của giới trung lưu muốn gia tăng xu hướng trải nghiệm công nghệ mới. Vì vậy, nhu cầu về smart home ngày một lớn và là thị trường rất tiềm năng.
Song, TS.KTS Trần Minh Tùng – trường Đại học Xây dựng cho rằng, hiện rất nhiều dự án bất động sản đã sử dụng thuật ngữ thông minh khi quảng bá dự án của mình, nhưng khi được hỏi đến thông minh ở đâu thì hầu như chỉ là việc đưa thêm một số máy móc, thiết bị vào căn hộ.
Vị chuyên gia cho biết, việc đưa thêm một số yếu tố thông minh vào căn hộ, không đồng nghĩa với việc đó là căn hộ thông minh. Tuy chưa có một định nghĩa cụ thể, chính xác nhưng căn hộ thông minh ít nhất phải là căn hộ tích hợp, tổng hòa từ nhiều yếu tố thông minh như thiết bị điện thông minh, thiết bị chiếu sáng thông minh, tiết kiệm năng lượng… giúp chủ sở hữu điều khiển mọi vấn đề chỉ bằng một cái chạm tay trên smartphone.
KTS Trần Minh Tùng nhìn nhận, sự nhập nhèm về quy chuẩn là cơ hội cho hiện tượng “gắn mác” nhằm nâng giá trị dự án hình thành.
Trong khi đó, TS.KTS. Nguyễn Việt Huy, Giám đốc CTCP ADA và Cộng sự (Pháp) cũng cho rằng, thêm những thiết bị thông minh vào căn hộ là tốt tuy nhiên trong thiết kế là “dở ông, dở thằng”, làm không đến nơi đến chốn thì dễ lợi bất cập hại. Bởi ở một công trình, vấn đề đầu tiên cần đảm bảo là yếu tố an toàn nhưng chính các thiết bị thông minh sẽ là con dao hai lưỡi nếu như không biết cách áp dụng.
Có thể bạn quan tâm