Việc ăn nhậu không trả tiền dù là cá nhân cũng khó có thể chấp nhận chứ đừng nói gì đến cơ quan Nhà nước.
Đây là điều vô cùng đáng xấu hổ. Nó vừa khiến cho người dân – nạn nhân của vụ việc khó khăn, vừa làm cho uy tín của cơ quan Nhà nước bị giảm sút.
Mới đây, vụ việc nhiều cơ quan Nhà nước ở huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) ăn nhậu không trả tiền, thậm chí có những cơ quan ghi nợ cả chục năm trời mà vẫn không có ý định thanh toán tiền nợ đã bị một chủ nhà hàng tố cáo. Việc này đã đang mang lại sự bức xúc cho dư luận.
Theo chủ quán ăn là bà Đinh Thị Đông, khoản nợ của các đơn vị dao động từ hơn chục triệu cho đến vài chục triệu. Cụ thể, các đơn vị được “chỉ mặt điểm tên” gồm: UBND xã Đắk Drô nợ 17,6 triệu đồng, UBND xã Tân Thành nợ 34 triệu đồng, UBND xã Nam Xuân nợ 40 triệu đồng, UBND thị trấn Đắk Mâm nợ 73 triệu đồng, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nợ gần 15 triệu đồng, Phòng Kinh tế – Hạ tầng nợ 23 triệu đồng, Huyện đoàn nợ 28 triệu đồng…
Chuyện cơ quan Nhà nước “nhậu nợ” như ở Đắk Nông kể trên không phải là chuyện “hiếm có khó tìm”. Còn nhớ, tháng 09/2016, UBKT tỉnh ủy Hải Dương gửi tờ trình tới Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị bổ sung kinh phí phục vụ đón, tiếp do đột xuất có nhiều tỉnh đến trao đổi học tập kinh nghiệm.
Tờ trình nêu: “Thời gian vừa qua, do đột xuất có nhiều tỉnh đến thăm, trao đổi kinh nghiệm với UBKT Tỉnh ủy Hải Dương (như: Hậu Giang, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Thuận, Lâm Đồng, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh và một số vụ của UBKT Trung ương…). Mặc dù đã cố gắng tiết kiệm để trang trải kinh phí nhưng do quá nhiều đoàn đến thăm vào một khoảng thời gian ngắn nên đơn vị không có đủ kinh phí để đón tiếp. Hiện nay UBKT Tỉnh ủy Hải Dương còn nợ số tiền là 310 triệu đồng mà không có nguồn để chi trả”.
Hoặc, không thể không liên tưởng tới một vụ việc gây ồn ào khác cũng liên quan đến chuyện ăn nhậu. Đấy là chuyện “cả xã vỡ nợ vì cán bộ... đi hát suốt” xảy ra tại xã Đồng Thái – Ba Vì – TP.Hà Nội . Lãnh đạo xã này còn chịu chơi đến mức chi luôn 150 triệu đồng “đi nghiên cứu thực tế tại Sầm Sơn, Thanh Hóa và Cửa Lò, Nghệ An”. Dư luận biết tỏng, họ đi Đồ Sơn, Cửa Lò để nghiên cứu thực tế cái gì.
Xét kỹ chuyện các quan ăn nhậu mà “lờ” đi việc trả tiền cho nhà hàng ở Đắk Nông. Có nhiều người thắc mắc: Điều gì dẫn đến việc chủ quán cho nợ nhiều và lâu đến vậy? Với những người dân bình thường thì chẳng ai cho chịu nhiều như vậy. Nhưng ở đây, người nợ lại là cơ quan chức năng và cán bộ. Mà trong trường hợp này, dù muốn hay không thì chủ quán cũng phải cho nợ.
Vì sao ư? Vì đó là những người mang quyền lực Nhà nước, nếu nỡ làm họ “không vui” thì thanh tra, kiểm tra có thể sẽ đến dồn dập. Mà khi đã bị “sờ gáy” thì khó lòng có thể giữ cho quán, nhà hàng hoạt động bình thường được.
Mặt khác, nếu ai làm việc trong các cơ quan Nhà nước, thỉnh thoảng sẽ có những đợt đi công tác, đi tập huấn. Mỗi lần nói đến công tác, các cán bộ hớn hở như một dịp đổi gió. Dân gian có câu: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”, lần này tôi đến học anh, lần sau đến lượt anh học tôi. Cứ xoay vòng như thế, với hàng chục cơ quan đồng cấp với nhau trong cả nước thì đúng là “học” suốt đời và “tiền chùa” cứ thế mặc sức xài.
Công tác trong nước chưa đủ, các đơn vị có điều kiện còn nghĩ ra những chuyến công tác, học tập ở nước ngoài. Thậm chí, một công ty du lịch từng kêu lên về một vị Bí thư Thành phố lớn nợ tiền vé máy bay từ những năm 2010 đến nay chưa trả cho công ty trong chuyến công tác của vị Bí thư này.
Có thể nói, chuyện ăn uống lãng phí đang là một vấn nạn trong xã hội nói chung và trong cơ quan Nhà nước nói riêng. Hội nghị nhỏ cũng nhậu, Hội nghị lớn cũng nhậu, khách đến làm việc cũng nhậu, lên lương cũng nhậu, lên chức cũng nhậu, chia tay cũng nhậu mà mới đến nhận công tác cũng nhậu..v..v.
Chữ “nhậu” dường như đã ngấm vào suy nghĩ của vô số người. Thậm chí, không ít cán bộ còn có tư tưởng không vào bàn rượu khó có thể hợp tác. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rất nhiều địa phương chi tiền tiếp khách lên đến hàng trăm, hàng tỷ đồng gây sốc dư luận thời gian vừa qua.
Nói gì thì nói, cái ăn, cái uống hay hưởng thụ thì cũng phải thế nào đó cho chính đáng. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhân danh cơ quan nơ mình công tác để làm những điều mình thích, để ăn nhậu, ở sang, mà đã ăn nhậu lại còn có tư tưởng “nợ”… là tư duy của những kẻ tham nhũng. Không nghiêm túc chấn chỉnh thì đất nước sẽ có thêm nhiều “Hòa Thân”, còn nhân dân cũng có thêm nhiều “chị Dậu”.