So với nhiễm virus khác như Influenza (bệnh cúm), khả năng mắc đột quỵ liên quan đến nhiễm COVID-19 cao gấp 7 lần.
COVID-19 có phải là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ?
Dựa trên những chứng cứ gần đây, điều này hoàn toàn đúng.
Qua khá nhiều công bố, tỷ lệ bệnh nhân mắc đột quỵ trong thời gian đang nhiễm COVID-19 dao động từ 0.9 - 2.7 % (trung bình 1.2%). So với nhiễm virus khác như Influenza (bệnh cúm), khả năng mắc đột quỵ liên quan đến nhiễm COVID-19 cao gấp 7 lần.
Nghiên cứu được công bố tại Hội nghị Đột quỵ Hoa Kỳ 2022 cho thấy nguy cơ mắc đột quỵ cao nhất trong khoảng 3 ngày đầu tiên sau khi được chẩn đoán nhiễm COVID-19 (tăng gấp 10 lần). Nguy cơ mắc đột quỵ giảm dần theo các khoảng thời gian 4-7 ngày, 8- 14 ngày và 15-28 ngày. Sau thời gian 1 năm, dù thấp hơn rõ rệt, nguy cơ mắc đột quỵ vẫn cao hơn ở người có tiền sử nhiễm COVID-19 trước đó.
Tại sao nhiễm COVID-19 có thể gây đột qụy?
COVID-19 có thể gây đột quỵ thiếu máu não bằng 3 cơ chế chính:
Một là cơ chế tăng phản ứng viêm, dẫn đến viêm các mạch máu.
Hai là gây ra tình trạng tăng đông, dẫn đến sự hình thành huyết khối trong hệ động mạch, hệ tĩnh mạch và các cơ quan.
Ba là thuyên tắc huyết khối ngược dòng, đặc biệt trên bệnh nhân còn tồn tại lỗ bầu dục PFO - một lỗ thông thường giữa hai buồng tim.
Một số ít tài liệu cho thấy nhiễm Coronavirus có thể gây co mạch, tăng huyết áp dẫn đến xuất huyết não.
Bệnh nhân đột quỵ liên quan COVID-19 có khác gì so với nguyên nhân khác?
Qua phân tích gộp, cho thấy bệnh nhân đột quỵ liên quan COVID-19 có các khiếm khuyết chức năng thần kinh nặng hơn. Tuy vậy, chưa loại trừ khả năng, những triệu chứng khi đang nhiễm COVID-19 có thể làm tình trạng nặng thêm. Tỷ lệ tử vong có thể lên đến 38%. Tuổi trung bình mắc đột quỵ trên bệnh nhân nhiễm COVID-19 là 63 mặc dù đã có ghi nhận nhiều trường hợp đột quỵ ở bệnh nhân trẻ nhiễm COVID.
Tỷ lệ tắc động mạch lớn được ghi nhận cao hơn, đặc biệt là tỷ lệ nhóm thuyên tắc huyết khối không xác định rõ nguồn gốc.
Dự phòng đột quỵ trên bệnh nhân COVID19 trong giai đoạn hậu nhiễm ra sao?
Những người hậu nhiễm COVID-19 được xem là nhóm nguy cơ cao bị đột quỵ khi đang đồng thời có nhiều yếu tố nguy cơ khác, như: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, hút thuốc, béo phì…
Cho đến nay, việc phòng ngừa đột quỵ tiên phát trên bệnh nhân hậu COVID-19 chỉ bao gồm việc kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ. Chưa có bằng chứng cho thấy hiệu quả của thuốc kháng đông hoặc kháng kết tập tiểu cầu trong phòng ngừa đột quỵ tiên phát.
Với các bệnh nhân đã bị đột quỵ và đồng thời hậu nhiễm COVID-19, việc sử dụng kháng đông hoặc kháng kết tập tiểu cầu nên được duy trì. Việc lựa chọn sẽ tuỳ thuộc vào cơ chế đột quỵ trước đó, không nên chuyển sang thuốc kháng đông chỉ vì hậu nhiễm COVID-19.
Có nên tầm soát đột quỵ sau khi nhiễm COVID-19?
Nếu mắc COVID-19 nhẹ, không có các yếu tố nguy cơ đột quỵ kèm theo thì nguy cơ đột quỵ sẽ rất thấp, không cần thiết phải tầm soát đột quỵ một cách thường quy.
Nếu có yếu tố nguy cơ khác kèm theo, việc tầm soát đột quỵ cũng nên tập trung vào mục tiêu cần hướng đến trong việc kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ này. Không nên lạm dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nếu như bệnh nhân không có triệu chứng đột quỵ.
Hầu hết mọi người đã quá hoảng loạn vì đại dịch và những thông tin nhiễu trên truyền thông. Do vậy, nhiệm vụ bác sĩ là xoa dịu và giúp họ bình tâm trở lại. Đừng bắt họ phải chịu đựng thêm nữa bằng các gói tầm soát hậu COVID-19.
https://plo.vn/suc-khoe/nhiem-covid19-khien-nguy-co-dot-quy-cao-gap-7-lan-1050143.html
Có thể bạn quan tâm