Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có kết luận thanh tra công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.
Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đã vạch ra nhiều vi phạm cần được chấn chỉnh, khắc phục tại dự án này. Cụ thể, trong việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình, PVN đã không lấy ý kiến các cơ quan liên quan về khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn và khả năng cấp vốn theo tiến độ, phương án hoàn trả vốn để thẩm định dự án trước khi quyết định phê duyệt dự án đầu tư.
Chi phí quản lý dự án tăng hơn 19,5 tỷ đồng do áp sai hệ số khu vực khó khăn; chi phí thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thẩm tra dự toán, tư vấn quản lý dự án, thẩm tra hồ sơ yêu cầu gói thầu EPC, ban quản lý dự án, tổng thầu là gần 430,2 tỷ đồng lớn hơn chi phí tính theo hệ số tỷ lệ nhưng không lập và phê duyệt dự toán chi tiết chi phí ban quản lý dự án, tổng thầu, thực hiện không đúng quy định. Bên cạnh đó, tính sai tăng khối lượng tại một số hạng mục công trình, áp giá vật liệu, giá ca máy, áp định mức và tính một số chi phí chưa phù hợp dẫn tới giá trị dự toán được duyệt sai tăng số tiền hơn 210,6 tỷ đồng.
Kết luận của Bộ Xây dựng cũng cho biết do thực hiện dự án đầu tư chậm, không đáp ứng yêu cầu tiến độ đã được phê duyệt, đây là một trong những nguyên nhân khiến PVN phải phê duyệt điều chỉnh tăng thêm tổng mức đầu tư hơn 10.457 tỷ đồng tại Quyết định số 5966/QĐ-DKVN ngày 29/8/2014.
Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 5/2015, và theo tiến độ tại Quyết định 2415 ngày 11/12/2013 của Thủ tướng thì sẽ phát điện tổ máy 1 vào năm 2018, tổ máy 2 vào năm 2019. Tuy nhiên, báo cáo của Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Sông Hậu 1 đến tháng 9/2017 cho thấy dự án bị chậm tiến độ 25,65%, tương ứng 15 tháng so với yêu cầu.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 thuộc Trung tâm Điện lực Sông Hậu có tổng công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy (2x600MW). Ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) làm Tổng thầu EPC.
Đây là một trong các dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII, đồng thời cũng là 1 trong 3 nhà máy nhiệt điện của Trung tâm Điện lực Sông Hậu với tổng công suất 5.200 MW. Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2019, nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh/năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.