Dù các cơ quan liên quan đã "lăn xả" suốt 5 năm qua, xuống từng cảng cá, xem từng cuốn sổ nhật ký, kiểm tra từng nhà máy nhưng "thẻ vàng" IUU vẫn đeo đuổi và ám ảnh suốt 5 năm qua.
>>>Nam Định: Quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu tàu cá của địa phương vi phạm khai thác IUU
Là một doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, còn nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình làm các giấy tờ theo quy định pháp luật cho các lô hàng hải sản xuất khẩu đi EU.
Cụ thể, mất nhiều thời gian trong chờ đợi xác minh thông tin để cấp duyệt hồ sơ (như S/C, C/C…) trong khi các hồ sơ, dữ liệu ở khâu trước liên quan đến chủ tàu-thuyền trưởng hoặc cảng cá (nhật ký khai thác, giấy phép, nhật ký hành trình, biên bản bốc dỡ…) nhiều lúc có sự sai khác, sai số so với nhật ký điện tử hành trình.
Theo quy định hiện hành, các tàu cá khi được xác định là “không IUU” và chấp hành mọi quy định thì được Ban quản lý cảng cá cho phép vào cập cảng. Doanh nghiệp chỉ thu mua từ những tàu cá được cập cảng theo quy định (an toàn, không IUU), tức là lô hàng không vi phạm IUU. Nhưng, các vấn đề bất cập, thiếu hoặc có sự “vênh” số liệu giữa các hồ sơ (nhật ký và dữ liệu điện tử hành trình) sau đó khi làm giấy S/C hoặc C/C doanh nghiệp thu mua không thể can thiệp được nhưng nếu có vấn đề lại ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất, xuất khẩu.
Trên thực tế, sau 5 năm bị Uỷ ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã bắt tay ngay vào các giải pháp khắc phục. Nhờ đó, việc quản lý đội tàu từng bước đi vào nề nếp; cụ thể: phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác ở vùng khơi, vùng lộng và ven bờ; quản lý tốt hạn ngạch về giấy phép khai thác. Đến nay, tổng số tàu cá toàn quốc đã thực hiện đánh dấu đạt 96,5%.
Việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển cũng có chuyển biến. Tính đến ngày 25/9/2022, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 95,29%, tăng 5,03% so với trước. Các tỉnh đã thực hiện có kết quả như: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng…
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế. “Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT đã phải "lăn xả" vào lĩnh vực này suốt 5 năm qua, xuống từng cảng cá, xem từng cuốn sổ nhật ký, kiểm tra từng nhà máy. Thế nhưng thẻ vàng IUU vẫn đeo đuổi và ám ảnh suốt 5 năm qua”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Theo đó, việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng khai thác, truy xuất nguồn gốc tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu.
>>>Hải Phòng: Quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm IUU để gỡ "thẻ vàng"
>>>Mở cao điểm xử lý vi phạm, khắc phục "thẻ vàng" IUU
Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là tại các cảng cá còn nhiều hạn chế, so với sản lượng hải sản khai thác 3,67 triệu tấn năm 2021 thì mới kiểm soát được khoảng 15 - 18%. Khi các cảng không đáp ứng được công tác bốc dỡ thì rất khó để kiểm soát sản lượng và truy xuất nguồn gốc.
Việc trực khai thác, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá thiếu đồng bộ, thực hiện quy định về quản lý thiết bị VMS lắp đặt trên tàu cá chưa đảm bảo. Tình trạng mất kết nối VMS diễn ra phổ biến, tàu cá vượt ranh giới trên biển phát hiện qua VMS nhưng kết quả điều tra, xử phạt rất ít.
Nhiều địa phương có tỷ lệ lắp đặt Hệ thống giám sát tàu cá thấp hơn trung bình cả nước như Hải Phòng (89,25%), Nam Định (88,2%) Tp. Hồ Chí Minh (87,5%), Trà vinh (87,92%), Bạc Liêu (89,11%)…
Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, cho biết: Làm phép tính so sánh kết quả xuất khẩu 2017-2019 thì thấy rằng sau hai năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường các nước thuộc EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.
Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các địa phương phải nâng cao trách nhiệm của mình phối hợp cùng với Tổng cục Thủy sản trong việc kiểm soát tàu cá, hoàn thành việc gắn thiết bị giám sát hành trình nhanh chóng; thực hiện nghiêm việc giám sát định vị liên tục, kể cả tàu cá nằm bờ. Đối với các phương tiện vi phạm phải xử phạt nghiêm cả chủ tàu và thuyền trưởng để tạo tính răn đe.
Song song đó, duy trì việc tuyên truyền, tập huấn về ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác đảm bảo chất lượng nội dung; tiếp tục đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ; rà soát, củng cố hồ sơ còn tồn tại, thiếu sót; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu trên phần mềm điện tử để dễ dàng lưu trữ, quản lý.
Các địa phương lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để kiểm soát tàu cá của tỉnh hoạt động ngoài tỉnh.
“Bộ NN&PTNT không có biển, không có tàu. Các địa phương triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU không phải để đối phó với Bộ. Tất cả các địa phương nếu không cùng quyết liệt đồng hành thì đừng mong gỡ thẻ vàng IUU", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cảnh báo.
Trong khi đó, doanh nghiệp đề xuất, Bộ ngành xem xét rà soát và đơn giản hoá mẫu nhật ký khai thác để hạn chế việc có độ “vênh” dữ kiện giữa nhật ký khai thác với dữ liệu hành trình điện tử của tàu cá. Đồng thời ưu tiên nâng cấp, kiện toàn các giải pháp công nghệ để giải quyết bài toán lớn về quản lý nghề cá hiện đại cũng như cải thiện quá trình cấp các giấy tờ liên quan (S/C, C/C), như: CSDL nghề cá VNFishbase, nhật ký khai thác điện tử,…
Có thể bạn quan tâm
00:36, 27/09/2022
01:50, 26/09/2022
15:00, 20/09/2022
00:28, 03/08/2022
04:00, 18/08/2021